Tăng cường hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Trung Quốc trên thế giới.
Các xe container chở hàng nông sản chờ làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành (Lào Cai). (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Ngày 19/11, tại thành phố Lào Cai, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến Thương mại tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Hội xúc tiến Thương mại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc tổ chức "Hội nghị Quốc tế ngành hàng xuất khẩu, giao thương trực tuyến và trực tiếp năm 2021."

Hội nghị có sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp đến từ các tỉnh, thành phố: Chiết Giang, Thiên Tân, Thượng Hải, Bắc Kinh và Vân Nam (Trung Quốc) cùng 138 doanh nghiệp đến từ 15 tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Đến nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 8, thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới.

Năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc đạt 133,09 tỷ USD, tăng 13,82% so với năm 2019. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 48,9 tỷ USD, tăng 17,95%. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc hàng hóa trị giá 84,18 tỷ USD, tăng 11,55%.

Nhằm góp phần nâng cao hơn nữa kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc, tại hội nghị, Giám đốc Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh Lào Cai Hà Đức Bình nêu rõ, hội nghị là hoạt động xúc tiến thương mại cần thiết và thiết thực đối với việc thúc đẩy hoạt động giao thương, hợp tác thương mại giữa các địa phương của Việt Nam với thị trường tỉnh Chiết Giang và một số tỉnh lân cận của Trung Quốc.

[Bàn giải pháp thúc đẩy phát triển thương mại Việt Nam-Trung Quốc]

Đây còn là cơ hội cho doanh nghiệp cung ứng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp logistics của Việt Nam được tiếp cận với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp logistics của tỉnh Chiết Giang và một số tỉnh lân cận. Từ đó, tăng cường hợp tác xuất nhập khẩu giữa các địa phương của Việt Nam với tỉnh Chiết Giang.

Tại hội nghị, đại diện Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại tỉnh Lào Cai và Hội xúc tiến Thương mại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc cùng doanh nghiệp hai nước đã giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và tiến hành giao thương, xúc tiến kết nối doanh nghiệp đồng thời khẳng định vai trò cầu nối của tỉnh Lào Cai trong việc liên kết giữa doanh nghiệp Lào Cai và doanh nghiệp Trung Quốc.

Hệ thống giao thông giữa Việt Nam và tỉnh Chiết Giang hết sức thuận tiện, có cả đường hàng không, đường bộ và đường sắt. Về hàng hóa vận chuyển từ Lào Cai đến Chiết Giang, đường bộ có hệ thống đường cao tốc đến Hàng Châu với khoảng 2.600km, đường sắt có hệ thống đường sắt tốc độ cao từ Hà Khẩu-Côn Minh-Chiết Giang khoảng 3.000km, thời gian di chuyển hàng hóa trong vòng từ 1 đến 2 ngày theo hệ thống đường bộ và đường sắt.

Về phía Lào Cai, địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng được hoàn thiện, thông suốt, kết nối toàn tuyến hàng lang kinh tế Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng. Theo đó, điểm nhấn là việc tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai được đưa vào sử dụng từ năm 2016, rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển từ cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) đến các cửa khẩu thuộc tỉnh Lào Cai và ngược lại.

Hệ thống logistics cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu trao đổi giao thương hàng hóa giữa 2 nước và đang từng bước được đầu tư mở rộng hình thành các trung tâm logistics liên hoàn. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lào Cai vẫn đạt 3,2 tỷ USD, tổng giá trị xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản đạt 1,43 tỷ USD.

Theo Giám đốc Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh Lào Cai, tiềm năng, dư địa gia tăng giá trị trao đổi hàng hóa vẫn còn lớn khi tới đây Cảng hàng không Sa Pa được đầu tư xây dựng, khổ đường ray phía Việt Nam được đồng bộ với phía Trung Quốc.

Xe ôtô chở vải tươi qua Cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) xuất khẩu sang Trung Quốc. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai cũng hết sức thuận tiện, hiện có đến trên 200 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ xuất nhập khẩu. Những doanh nghiệp trên có thể làm đại lý xuất nhập khẩu cho các nhà cung ứng hàng hóa trong nước và Trung Quốc; kết nối với công ty phía Trung Quốc để thực hiện các thủ tục nhập khẩu liên quan phía Trung Quốc; liên hệ các dịch vụ vận chuyển, bốc xếp hàng hóa.

Theo thống kê của Tổng cục Hải Quan Việt Nam, hợp tác thương mại hai chiều giữa các tỉnh Việt Nam với Chiết Giang năm 2020 đạt giá trị trên 8,11 tỷ USD; trong đó, Chiết Giang xuất khẩu sang Việt Nam đạt trên 6,09 tỷ USD, Chiết Giang nhập khẩu của Việt Nam đạt trên 2,02 tỷ USD.

Các mặt hàng Chiết Giang xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu gồm: sản phẩm vải, dệt may; khung thép; nhung, lông vũ; linh kiện điện; máy móc ngành dệt may và linh kiện, giấy, gạch men; nhập khẩu từ Việt Nam gồm: dệt may; sắt thép; cao su; hạt nhựa; lương thực; cao su tự nhiên; clinke; đá vôi... Riêng mặt hàng nông sản, trái cây gần như chưa có trao đổi nhiều.

Đây là cơ hội để đẩy mạnh hợp tác hơn nữa trong thời gian tới, đưa các mặt hàng này của Việt Nam sang thị trường Chiết Giang./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục