Tăng cường hợp tác pháp lý giữa các nước thành viên ASEAN

Các Bộ trưởng ASEAN đánh giá cao những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc ngăn chặn, ứng phó và phục hồi nhanh chóng hậu đại dịch COVID-19, thúc đẩy Khung phục hồi toàn diện ASEAN.
Tăng cường hợp tác pháp lý giữa các nước thành viên ASEAN ảnh 1Lá cờ ASEAN (đầu tiên từ phải sang) và quốc kỳ các nước thành viên. (Nguồn: theaseanpost.com)

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Hội nghị Bộ trưởng Luật pháp Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 11 (ALAWMM) đã được tổ chức vào ngày 27/10 theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Malaysia.

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đánh giá cao những nỗ lực không ngừng của ASEAN trong ngăn chặn, ứng phó và phục hồi nhanh chóng hậu đại dịch COVID-19, thúc đẩy Khung phục hồi toàn diện ASEAN. Hội nghị ghi nhận sự quan tâm ngày càng tăng của các đối tác bên ngoài nhằm mở rộng và gắn bó sâu sắc hơn với ASEAN, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN và nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN.

Hội nghị ghi nhận những kết quả nổi bật trong hợp tác pháp lý giữa các nước ASEAN, góp phần xây dựng một ASEAN dựa trên luật lệ, đặc biệt là ở khía cạnh thúc đẩy nhận thức và hiểu biết về luật pháp và hệ thống pháp luật của các quốc gia thành viên ASEAN, nhằm hướng tới hài hòa hóa luật thương mại ASEAN, tăng cường năng lực của ASEAN trong phòng chống tội phạm, tư pháp hình sự và pháp quyền.

Hội nghị đã xem xét tiến độ triển khai các kế hoạch và sáng kiến hợp tác đã đề ra tại các hội nghị ALAWMM trước đó, đánh giá cao Hội nghị các quan chức luật pháp cấp cao ASEAN (ASLOM) về tiến độ thực hiện kế hoạch xây dựng Hiệp ước dẫn độ ASEAN, đặc biệt là việc phê duyệt tạm thời Điều khoản tham chiếu (TOR) về Nhóm công tác ASLOM về Hiệp ước dẫn độ ASEAN (ASLOM WG on AET).

Hội nghị cũng hoan nghênh việc nâng cấp Hiệp ước Tương trợ tư pháp trong các vấn đề hình sự (MLAT) thành Hiệp ước ASEAN và Hội nghị các Chánh án ASEAN của các cơ quan trung ương về Hỗ trợ pháp lý lẫn nhau trong các vấn đề hình sự (AMAG-MLAT) cũng như Hội nghị các quan chức cấp cao của Cơ quan trung ương về Hỗ trợ pháp lý lẫn nhau trong các vấn đề hình sự (SOM-MLAT). Việc này giúp tăng cường các thể chế của ASEAN về lĩnh vực tư pháp hình sự và chống tội phạm xuyên quốc gia.

['ASEAN+3 cần tiếp tục phát huy thế mạnh trong ứng phó khủng hoảng']

Cuối cùng, Hội nghị tái khẳng định các cam kết tiếp tục hỗ trợ hội nhập ASEAN và chương trình nghị sự về xây dựng cộng đồng, đồng thời khuyến khích ASLOM tiếp tục hỗ trợ, rà soát liên tục việc thực hiện Hiến chương ASEAN nhằm xác định các vấn đề còn tồn tại, cũng như các bước cần thiết để đảm bảo hệ thống pháp lý ASEAN hoạt động xuyên suốt và hiệu quả.

Hội nghị đánh giá cao Hội nghị ASEAN về phòng chống tội phạm và tư pháp hình sự (ACCPCJ) trong nỗ lực thúc đẩy hơn nữa để phục vụ như một nền tảng cho sự hợp tác liên trụ cột và liên ngành.

Hội nghị cũng ghi nhận sự phát triển tích cực của các sáng kiến của ASLOM trong việc tham gia và tham vấn với các bên và các tổ chức bên ngoài về các vấn đề cùng quan tâm và cùng có lợi nhằm thúc đẩy hội nhập ASEAN và xây dựng cộng đồng.

Trong đó, thành công của ASLOM trong Tham vấn ASLOM-Nhật Bản lần thứ nhất và tại Hội thảo La Haye về Luật Quốc tế Tư nhân (HCCH) đã tạo nền tảng vững chắc cho ASLOM và các đối tác thảo luận sâu hơn và mở rộng các lĩnh vực hợp tác thực tế.

Hội nghị cũng thừa nhận rằng lĩnh vực luật pháp và hợp tác pháp lý ngày càng có nhiều vấn đề cần giải quyết. Việc tăng cường hội nhập ASEAN và các nỗ lực xây dựng cộng đồng sẽ đòi hỏi ALAWMM nâng cao vai trò và tham gia tích cực hơn.

Do đó, Hội nghị đã thông qua khuyến nghị của ASLOM về việc tần suất họp ASLOM và ALAWMM. Cụ thể, ASLOM sẽ được tổ chức thường niên và ALAWMM sẽ tổ chức 2 năm/lần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục