Chiều 14/12, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tiếp tục tham dự Phiên họp thứ hai Hội nghị thường niên lần thứ 29 Diễn đàn nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-29) theo hình thức trực tuyến.
Tại Phiên họp toàn thể thứ hai về các vấn đề kinh tế-thương mại, các Nghị viện thành viên APPF đã thảo luận các nội dung liên quan đến chủ đề: “Vai trò của Nghị viện thúc đẩy kinh tế số trong khu vực.”
Đại biểu các đoàn thể hiện quyết tâm trong tăng cường hợp tác, thúc đẩy phục hồi kinh tế bền vững. Trong đó, tăng cường trao đổi kinh nghiệm giữa các Nghị viện, tạo dựng hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số một cách an toàn, hiệu quả, coi đây là chìa khóa để phục hồi kinh tế.
Trong bài phát biểu qua hình thức ghi hình trực tuyến tại Phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ cho biết, đại dịch COVID-19 bùng phát ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, tính mạng con người và các hoạt động kinh tế-xã hội trên thế giới trong hai năm qua và vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, thế giới đã vượt qua “cú sốc” ban đầu của đại dịch và đặc biệt là khu vực châu Á-Thái Bình Dương với nòng cốt là 21 nền kinh tế APEC, đi đầu trong tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.
Các quốc gia trong khu vực đã triển khai ban hành kịp thời các chính sách quan trọng, đẩy mạnh tiêm chủng, an sinh xã hội, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với nền kinh tế; đồng thời tận dụng các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm, lấy người dân làm trung tâm, song song với các nỗ lực thúc đẩy hợp tác quốc tế ứng phó với dịch bệnh và đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế.
[APPF-29: Góp phần thúc đẩy hòa bình, phát triển, phục hồi sau đại dịch]
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đánh giá cao vai trò của APEC thời gian qua, đi đầu các nỗ lực bảo đảm môi trường thương mại và đầu tư tự do, mở, không phân biệt đối xử, minh bạch, tăng cường liên kết kinh tế, kết nối chuỗi cung ứng, thúc đẩy hợp tác về kinh tế số, đổi mới sáng tạo, cải cách cơ cấu nhằm tạo các động lực mới cho quá trình phục hồi kinh tế và phát triển bền vững, bao trùm.
Trong các lĩnh vực trên, Nghị viện đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các giải pháp phục hồi trên diện rộng, thể hiện qua chức năng lập pháp, giám sát và thông qua các quyết sách quan trọng của đất nước.
Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhất trí những nội dung nghị sự về kinh tế, thương mại của Hội nghị APPF-29, thể hiện được quyết tâm hành động của các Nghị viện APPF tăng cường hợp tác, thúc đẩy phục hồi kinh tế bền vững sau đại dịch.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh chủ trương nhất quán của Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội đến năm 2030, cũng như trong phòng, chống đại dịch là phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể và nguồn lực quan trọng nhất, là mục tiêu của sự phát triển.
Thay mặt Quốc hội và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lời cảm ơn về sự chia sẻ, hợp tác của Chính phủ, Quốc hội và nhân dân các nước châu Á-Thái Bình Dương đối với Việt Nam trong phòng, chống và phục hồi sau đại dịch.
“Việt Nam cam kết nỗ lực cùng các nước thành viên APPF thúc đẩy hợp tác toàn diện, hiệu quả, đẩy mạnh phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững, bao trùm, không bỏ ai lại phía sau, vì sự phát triển và tiến bộ của tất cả các quốc gia và người dân ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương,” Chủ tịch Quốc hội khẳng định; đồng thời cho biết, Việt Nam xác định kinh tế số, thương mại điện tử là một trong những động lực và ưu tiên trong các chiến lược, chính sách phục hồi tăng trưởng và thích ứng với đại dịch COVID-19, đi đôi với mô hình phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng tuần hoàn, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu một số đề xuất hợp tác. Theo đó, các Nghị viện thành viên APPF tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thể chế quốc gia, nhằm đẩy nhanh các biện pháp thích nghi, chuyển đổi mô hình phát triển chú trọng tính bền vững, hiệu quả; chuyển đổi số toàn diện, phát triển kinh tế số, nâng cao cơ sở hạ tầng số, tăng cường kết nối, thương mại điện tử, thanh toán điện tử; bảo mật thông tin giao dịch, bảo vệ dữ liệu cá nhân, an toàn mạng, củng cố niềm tin số; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo xây dựng một khu vực châu Á-Thái Bình Dương gắn kết toàn diện, một trung tâm đổi mới sáng tạo và công nghệ.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các nước thành viên APPF tăng cường trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau thu hẹp khoảng cách phát triển, trong đó có khoảng cách số giữa các quốc gia và giữa các vùng trong quốc gia, ủng hộ Kế hoạch triển khai Tầm nhìn Putrayaja 2040 và những cam kết khác của APEC cùng vượt qua khó khăn, đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng bền vững, mạnh mẽ, vì sự thịnh vượng của người dân và các thế hệ tương lai.
Quốc hội các nước thành viên cần ủng hộ và giám sát Chính phủ thực hiện các cam kết quốc tế xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn vì một nền kinh tế bền vững, tự cường hơn và bao trùm; thúc đẩy các nỗ lực triển khai các cam kết vì một hệ thống thương mại đa phương phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, tự do, cởi mở, minh bạch và bao trùm, không phân biệt đối xử và đề cao vai trò của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), không để xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng, thúc đẩy quan hệ thương mại cùng có lợi, nắm bắt cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chủ động thích ứng phục hồi sau COVID-19.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề xuất, khuyến khích các Nghị viện thành viên APPF tăng cường hợp tác chia sẻ kinh nghiệm lập pháp và giám sát trong lĩnh vực thương mại điện tử, phù hợp với pháp luật, chính sách quốc gia về thương mại điện tử và các cam kết quốc tế về thương mại điện tử.
Chủ tịch Quốc hội kêu gọi các nghị viện APPF phê chuẩn, phê duyệt khi cần thiết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về tiêm chủng, hợp tác sản xuất vaccine, chia sẻ vaccine, thuốc điều trị, tạo thuận lợi đi lại giữa các nước, bảo đảm thông suốt các chuỗi cung ứng và thúc đẩy các liên kết kinh tế, đặc biệt là liên kết số; thông qua các quyết sách lớn về ngân sách và giám sát thực thi chính sách nâng cao năng lực tự cường của các quốc gia, bảo vệ những nhóm dễ bị tổn thương như doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phụ nữ, thanh niên, trẻ em; các ngành bị tác động mạnh gồm: cung ứng, vận tải, hàng không và du lịch.
Các nghị viện tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm giữa các quốc gia, hợp tác phát triển nguồn nhân lực số, nâng cao hiểu biết về kinh tế số, giáo dục và đào tạo kỹ năng, nhằm phát triển kinh tế số, cơ sở hạ tầng và công nghệ số; chú trọng nỗ lực hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau phòng, chống, kiểm soát đại dịch COVID-19 vì đây là điều kiện quyết định tiến độ và khả năng phục hồi nền kinh tế./.