Tăng cường hợp tác, đảm bảo an ninh nguồn nước ở lưu vực sông Mekong

Văn phòng Ủy ban sông Mekong Việt Nam tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan để tham mưu, đề xuất cơ chế tăng cường hợp tác với các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mekong quốc tế.
Tăng cường hợp tác, đảm bảo an ninh nguồn nước ở lưu vực sông Mekong ảnh 1Ngư dân đánh bắt cá trên sông Mekong. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sáng 17/12, tại Hà Nội, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mekong Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức Hội nghị triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2021.

Chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đề nghị trong năm 2021, Văn phòng tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan để tham mưu, đề xuất cơ chế tăng cường hợp tác với các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mekong quốc tế về cơ chế chia sẻ nguồn nước xuyên biên giới nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước ở lưu vực sông Mekong.

Thứ trưởng yêu cầu trong năm 2021, Văn phòng cần tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ có liên quan trong Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long để thích ứng với biến đổi khí hậu.

[Mực nước về Đồng bằng sông Cửu Long thấp nhất trong vòng 10 năm]

Văn phòng Thường trực sông Mekong Việt Nam cần tiếp tục tăng cường kết nối với các bộ, ngành và địa phương thành viên trong việc chia sẻ thông tin số liệu, tham khảo ý kiến, phối hợp hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban, đặc biệt là trong việc thực hiện nhiệm vụ của tổ chức lưu vực sông.

Đồng thời, cần tăng cường lồng ghép các hoạt động hợp tác khu vực và song phương với các quốc gia ven sông Mekong với các hoạt động phối hợp liên ngành, liên tỉnh, xuyên biên giới của tổ chức lưu vực sông Mekong nhằm hỗ trợ các bộ, ngành và địa phương trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của quản lý ngành và địa phương mình.

Báo cáo kết quả công tác năm 2020, ông Lê Đức Trung, Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mekong Việt Nam cho biết năm 2020 đánh dấu một bước ngoặt về chức năng, nhiệm vụ được giao bằng việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 8/5/2020 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban sông Mekong Việt Nam theo đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Với mục tiêu tăng cường hiệu quả việc thực hiện Luật Tài nguyên nước 2012, Ủy ban đã được giao thêm chức năng và nhiệm vụ của các tổ chức Lưu vực sông Cửu Long và Sê San-Srêpốk.

Văn phòng đã thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ như: hợp tác với Ủy hội sông Mekong quốc tế; tham mưu với Thủ tướng Chính phủ trong hoạt động hợp tác với Ủy hội sông Mekong quốc tế; thành lập và triển khai hoạt động của tổ chức Lưu vực sông Cửu Long và Sê San-Srêpốk; tăng cường hiệu quả, năng lực hoạt động của Ủy ban và Văn phòng Thường trực.

Đặc biệt, trong năm 2020, Văn phòng đã tăng cường công tác truyền thông về các vấn đề hợp tác với Ủy hội sông Mekong quốc tế; thực hiện lồng ghép các hoạt động hợp tác với Ủy hội sông Mekong quốc tế vào các hoạt động của các bộ, ngành và các địa phương trong các lĩnh vực hoạt động liên quan đến khai thác, quản lý và sử dụng tài nguyên nước từ lưu vực sông Mekong, đặc biệt là công tác thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 8/5/2020.

Về kế hoạch triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2021, Chánh Văn phòng Thường trực Lê Đức Trung cho biết Văn phòng sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban sông Mekong Việt Nam, tham gia các hoạt động hợp tác trong Ủy hội sông Mekong quốc tế; tiếp tục công tác tham mưu với Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường; tăng cường hiệu quả hoạt động của Văn phòng Thường trực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục