Tăng cường hơn nữa niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước

Phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn PGS-TS Nguyễn Minh Tuấn về kết quả trong triển khai công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII và định hướng công tác này trong nhiệm kỳ Đại hội XIII.
Đại hội nghe đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đọc Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. (Ảnh: TTXVN)

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được thực hiện xuyên suốt, đồng bộ trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng, góp phần quan trọng làm cho Đảng ta đoàn kết, thống nhất hơn, trong sạch, vững mạnh hơn; từ đó, củng cố, tăng cường hơn nữa niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Nhân dịp Đại hội XIII của Đảng, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) về những kết quả trong triển khai công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII và định hướng công tác này trong nhiệm kỳ Đại hội XIII.

- Thưa Phó Giáo sư, Tiến sỹ, ông đánh giá thế nào về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng?

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn: Công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đã đạt được kết quả quan trọng và khá toàn diện. Theo đó, trong nội dung Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng có nói đến 5 nét nổi bật của công tác xây dựng Đảng.

Một là công tác phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đạt được nhiều kết quả tích cực.

Thứ hai, việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị được chỉ đạo thực hiện quyết liệt đạt được kết quả cụ thể, thực sự thuyết phục không chỉ góp phần tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm lãnh đạo, giảm biên chế, giảm chi tiêu từ ngân sách - điều mà hơn hai thập kỷ qua chúng ta nói tới rất nhiều nhưng chưa làm được.

Thứ ba, công tác đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí được đặc biệt quan tâm và có những thành tựu rõ nét mà mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân đều cảm nhận được và đồng tình rất cao.

Thứ tư, công tác cán bộ đã có chuyển biến tích cực trên tất cả các khâu.

Thứ năm, công tác kiểm tra, xử lý kỷ luật đảng viên đối với đảng viên vi phạm, nhất là ở cấp Trung ương đã đạt được kết quả quan trọng, đã xử lý được rất nhiều đảng viên vi phạm, trong đó có vi phạm pháp luật, tham nhũng. Chỉ qua một nhiệm kỳ, có đến 2.560 người bị kỷ luật về tham nhũng, làm trái quy định, trong số này có 113 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. So với nhiệm kỳ trước, số cán bộ bị kỷ luật do Trung ương quản lý chỉ có 11 người, khóa này là 113 người, gấp hơn 10 lần.

[Ngày làm việc thứ hai của Đại hội XIII: Thảo luận Văn kiện đại hội]

Những con số trên đã khẳng định kết quả nổi bật của nhiệm kỳ Đại hội XII về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, qua đó cho thấy, công tác xây dựng Đảng đã cơ bản đạt được mục tiêu, phương hướng đưa ra trong nhiệm kỳ vừa rồi; đồng thời khẳng định việc xác định nhiệm vụ trọng tâm và những giải pháp đưa ra tại Đại hội XII là rất đúng và trúng.

Đây cũng là điểm cộng cho việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng chỉnh đốn Đảng, từ đó củng cố và đem lại niềm tin trong nhân dân. Đây cũng được coi là một trong những nguyên nhân tạo nên thành công của đất nước 5 năm qua, trong điều kiện vô cùng khó khăn cả trong nước và thế giới.

- Xây dựng Đảng về đạo đức là điểm mới, điểm nhấn rất quan trọng được Đại hội XII bổ sung và khẳng định. Điểm nhấn này làm cho mục tiêu “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức” trở nên sáng rõ, hài hòa, bền vững. Phó Giáo sư, Tiến sĩ đánh giá thế nào về nội dung đạo đức trong xây dựng Đảng hiện nay?

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn: Từ năm 1976, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV có tổng kết thành phương châm xây dựng Đảng vững mạnh về ba mặt: Chính trị, tư tưởng và tổ chức. Từ đó, chúng ta vẫn đề cập đến ba mặt trên, trong đó xây dựng Đảng về mặt đạo đức cũng được đề cập đến nhưng thường nằm trong mặt xây dựng Đảng về tư tưởng. Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, xây dựng Đảng về mặt đạo đức được tách ra và trở thành một trụ cột độc lập, xứng tầm: Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Trong cả nhiệm kỳ vừa qua, chúng ta đã dành nhiều thời gian cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với xây dựng Đảng về đạo đức với nhiều nội dung cụ thể. Trước hết, ngay từ Đại hội XII, chúng ta nhận định tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn chưa bị đẩy lùi, thậm chí có mặt còn diễn biến phức tạp.

Đại biểu dự phiên khai mạc Đại hội. (Ảnh: TTXVN)

Bởi vậy, Đại hội XII có một điểm đáng chú ý là đã đề ra phương hướng: "phải kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI. Chính vì điều này mà ngay sau đó chúng ta có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Nghị quyết này đã xác định được các tiêu chí, biểu hiện cụ thể của sự suy thoái để chúng ta phòng, chống. Đó là 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống; 9 biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa."

Ngay sau đó, Đảng ta đã yêu cầu cán bộ, đảng viên kiểm điểm theo những nội dung suy thoái đó. Thậm chí, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 15 năm 2019, trong đó tiếp tục cụ thể 27 biểu hiện bằng 82 biểu hiện suy thoái. Từ đó, cán bộ, đảng viên, khi kiểm điểm phải liên hệ với bản thân xem có những biểu hiện suy thoái nào và cam kết chỉnh sửa. Điều đó thực sự có ý nghĩa đối với mỗi đảng viên "tự soi, tự sửa". Đây cũng là dịp để cảnh tỉnh, răn đe những đảng viên không chịu rèn luyện, phấn đấu, tham vọng quyền lực, xa dân, chỉ quan tâm thu vén lợi ích cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm.

Cùng với đó là các quy định về nêu gương như: Quy định số 101 ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Quy định số 55 ngày 19/12/2016 về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 08 ngày 25/10/2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; trong đó chỉ rõ 8 nội dung mà các đồng chí này phải gương mẫu đi đầu thực hiện. Như vậy, rõ ràng việc làm gương, nêu gương được thực hiện từ cán bộ cấp cao nhất cho đến các đảng viên bình thường. Đây cũng chính là nét mới trong xây dựng Đảng về đạo đức.

Cùng với đó, chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi việc này là việc thường xuyên, quan trọng của mỗi tổ chức đảng, đảng viên.

Chúng ta đã tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt. Các giải báo chí toàn quốc vẫn được duy trình và phát huy tốt vai trò, trong đó có Giải báo chí toàn quốc về Xây dựng Đảng mới bước sang năm thứ năm cũng đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình, tiếp tục khẳng định sự quan tâm đặc biệt về tuyên truyền xây dựng Đảng. Cùng với đó là những nội dung tuyên truyền, phê phán mạnh mẽ những hành vi vi phạm tư tưởng, đạo đức, lối sống. Từ đó, nhân dân thêm tin tưởng vào đường lối của Đảng ta. Cán bộ, đảng viên cũng cảm nhận được những chuyển biến thông qua những tấm gương người tốt, việc tốt, qua những hình thức giáo dục, việc thực hiện kiểm điểm, phê bình... Đó là hàng loạt công việc liên quan đến xây dựng Đảng về đạo đức. Theo Báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương về thăm dò dư luận xã hội, riêng lĩnh vực này, nhân dân đánh giá, kết quả đạt được trong lĩnh vực ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tự diễn biến, tự chuyển hóa, là đáng phấn khởi, tỷ lệ người dân ủng hộ, tin tưởng tăng từ 39% năm 2018 lên đến 59% năm 2019.

- Công tác cán bộ được Đảng đặc biệt quan tâm ngay từ Đại hội XII, được coi là "then chốt của then chốt". Đến nay, công tác này được triển khai như thế nào, thưa Phó Giáo sư, Tiến sỹ? Để công tác cán bộ được triển khai đúng định hướng, lựa chọn được những cán bộ vừa có đức vừa có tài, chúng ta cần có những giải pháp gì?

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn: Nhiệm kỳ vừa qua, chúng ta có nhiều nghị quyết, chủ trương về vấn đề cán bộ xứng tầm với công tác cán bộ, được coi là "then chốt của then chốt." Những văn bản quan trọng ban hành rất kịp thời của Đảng trong nhiệm kỳ này có thể kể đến là Nghị quyết số 26 ngày 19/5/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Kết luận số 75 về phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIII; Quy định 89 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Quy định 90 của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; hay như Quy định 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền...

Rõ ràng, nhìn vào công tác cán bộ, chúng ta thấy có nhiều chuyển biến. Chúng ta đã cơ bản thành công trong công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp, thể hiện qua việc "quy trình 5 bước” được tiến hành nghiêm túc, khoa học, khách quan hơn và tỷ lệ phiếu bầu rất cao; đồng thời phát huy được dân chủ, giới thiệu được người đủ đức, đủ tài, đủ tầm, đủ uy tín vào cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng. Cùng với đó, công tác luân chuyển, điều động, bố trí cán bộ trong diện quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cũng được thực hiện bài bản, từ đó các đồng chí này đều khẳng định được mình, trở thành những cán bộ có năng lực, đứng đầu địa phương, các cấp, các ngành.

Có thể nói thêm một vấn đề nữa, như trong hàng loạt vấn đề liên quan đến "chạy" từng được dư luận đề cập như: "Chạy tuổi, chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy luân chuyển, chạy tội...", đến nay đã có những vấn đề không còn nữa như: Chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân, huy chương, chạy luân chuyển... Điều đó nhờ vào các nghị quyết, quy định cụ thể, nghiêm túc, khoa học của Đảng về công tác cán bộ nhiệm kỳ qua. Do đó, kết quả của đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cho thấy công tác cán bộ đã thực sự có chuyển biến.

- Đại hội XIII của Đảng sẽ tiếp nối và phát triển những thành tựu của nhiệm kỳ Đại hội XII. Phó Giáo sư, Tiến sỹ kỳ vọng gì vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở nhiệm kỳ mới?

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, không thể một chút buông lơi. Do đó, việc phát huy vai trò người đứng đầu là rất quan trọng, để có cam kết đối với Đảng, với nhân dân về chống tham nhũng nói chung và chống chạy chức, chạy quyền trong cán bộ. Tôi nghĩ rằng, đối với lãnh đạo mới được tín nhiệm bầu giữ chức vụ quan trọng, bản thân họ phải là người tiếp tục giữ được ngọn lửa chiến đấu với tham nhũng, chống chạy chức, chạy quyền.

Bài học lịch sử và ngay cả nhiệm kỳ qua đã cho thấy, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người-phẩm giá, nhân cách của người lãnh đạo. Người đứng đầu trước hết phải "sạch," ở mỗi cơ quan lãnh đạo hay toàn Đảng cũng vậy, khi cá nhân trong sạch, người đó không có tì vết gì thì mới dám quyết liệt để chống tham nhũng. Đó chính là cái gốc của mọi vấn đề. Tôi tin tưởng và đặt kỳ vọng vào đội ngũ cán bộ như hiện nay.

Ngoài ra, trước đòi hỏi của nền dân chủ, sức mạnh của nhân dân và dư luận xã hội cũng như thông tin đa chiều hiện nay, tôi cho rằng, cán bộ ngày càng khó có thể làm những điều sai trái được; công cuộc chống tham nhũng sẽ vẫn được tiếp diễn.

Cùng với đó là yêu cầu phải hoàn thiện các quy định về pháp luật của Nhà nước, các thiết chế của Đảng - không hề đơn giản và khó có thể hoàn tất một sớm một chiều. Việc hoàn thiện các thiết chế, quy định theo hướng chặt chẽ, không để lọt những kẽ hở lớn, càng tạo điều kiện thuận lợi cho việc chống chạy chức, chạy quyền - vấn đề chưa hết nhức nhối trong xã hội hiện nay.

- Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư, Tiến sỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục