Dựa trên kết quả khảo sát, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính) cùng các Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp vừa đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung vào dự thảo Nghị quyết chuẩn bị trình Chính phủ "về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19" một số nội dung cấp thiết hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Miễn đóng kinh phí công đoàn năm 2020
Theo Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 25/3/2020, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành công văn số 245/TLĐ hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện chính sách cho phép lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 6 tháng đầu năm 2020 đối với các doanh nghiệp có 50% số lao động thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội phải nghỉ việc.
Tuy nhiên, qua khảo sát doanh nghiệp diện rộng và qua trao đổi trực tiếp cùng các Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp hầu như không thực hiện được chính sách này.
Nguyên nhân là cho dù các doanh nghiệp hết sức khó khăn bởi chuỗi sản xuất kinh doanh đứt gãy trong dịch, nhiều ngành doanh thu gần như bằng không trong suốt thời gian dài nhưng vẫn cố gắng sản xuất cầm chừng, phân chia ca kíp, trả lương tối thiểu... để ổn định đời sống cho người lao động cũng như giảm gánh nặng và chi phí tuyển dụng lại cho chính doanh nghiệp. Bởi thế, doanh nghiệp hầu như không đạt tiêu chí “có 50% số lao động thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội phải nghỉ việc” dù thực tiễn hết sức khó khăn.
Bên cạnh đó, việc chứng minh thiệt hại cả về người và tài sản là hết sức phức tạp, đòi hỏi các quy trình hành chính mất rất nhiều thời gian, nhất là với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, vận tài hàng hóa đường bộ, logistics, du lịch, hàng không... Nếu cắt giảm 20% lao động thì đã có hàng chục thậm chí hàng trăm nghìn người mất việc.
[Công đoàn đồng hành cùng người lao động vượt qua đại dịch COVID-19]
Mặt khác, doanh nghiệp cho rằng nếu đã phải cho nghỉ việc 50% tổng số lao động đóng bảo hiểm xã hội, có nghĩa doanh nghiệp đã kiệt quệ, “chết lâm sàng," không thể thu xếp tài chính để chi trả cho các khoản phí như trên.
Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, các Hiệp hội kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để trình Chính phủ và trình Quốc hội (nếu thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội) phương án cho phép doanh nghiệp miễn đóng kinh phí Công đoàn trong năm 2020.
Chính sách này sẽ là biện pháp hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp cả về mục tiêu duy trì dòng vốn cũng như tiết giảm thời gian, công sức đối với các quy trình thủ tục hành chính, đồng thời cũng thể hiện được tinh thần "Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng doanh nghiệp và Chính phủ, vì việc làm bền vững, thu nhập ngày càng cao của người lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển bền vững đất nước” như công văn 245/TLĐ đã nêu.
Đề xuất chậm nộp bảo hiểm xã hội, các loại bảo hiểm bắt buộc khác đến 31/12/2020
Ngày 17/3/2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có công văn số 860/BHXH-BT để thực hiện Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chinh phủ, cho phép doanh nghiệp được tạm dừng đóng vào quỹ tử tuất, quỹ hưu trí trong 12 tháng nếu doanh nghiệp có “số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra."
Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, đây cũng là chính sách các doanh nghiệp không thực hiện được, đặc biệt đối với việc chứng minh thiệt hại tài sản vì rất khó có tiêu chí, thước đo cụ thể để làm hồ sơ.
Bên cạnh đó, thời gian cần để xác minh sẽ rất lâu vì nhiều thiệt hại không diễn biến hết ở những tháng trong dịch mà sẽ xảy ra ở những tháng kế tiếp (hàng tồn kho, các hợp đồng bị hoãn, hủy vô thời hạn, các đổ vỡ do chuỗi sản xuất dần đứt gãy...).
Để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì được dòng tiền, tập trung chi phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống người lao động, các Hiệp hội và doanh nghiệp đặc biệt đề xuất, mong sự chia sẻ từ phía Nhà nước với chính sách cho chậm nộp bảo hiểm xã hội và các khoản bảo hiểm bắt buộc khác đến hết 31/12/2020. Đây sẽ là một trong các chính sách tối quan trọng mang lại nguồn lực cho doanh nghiệp trong bối cảnh hết sức khó khăn hiện nay.
Bổ sung việc giảm giá nước sạch trong năm 2020
Theo kết quả khảo sát, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân đề xuất bổ sung vào phần I trong dự thảo Nghị quyết nội dung “Chính phủ xác nhận dịch COVID-19 là sự kiện bất khả kháng” để đồng nhất cách hiểu cho các bên và tránh tranh chấp phát sinh trong các thỏa thuận liên quan. Lý do là nhiều doanh nghiệp đã ký kết các hợp đồng trước khi dịch bệnh xảy ra và có nguy cơ mất toàn bộ tiền đặt cọc/tiền đã thanh toán nếu đại dịch này không được tính là một sự kiện bất khả kháng.
Với quy định về thuế giá trị gia tăng, Bộ Tài chính rằng đây là thuế gián thu, không ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp là chưa chính xác. Các doanh nghiệp hiện nay đang rất cần vốn lưu động để duy trì sản xuất kinh doanh và duy trì lao động, việc bỏ ra thêm 10% thuế VAT và phải đợi đến cuối năm mới được hoàn trả gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, khó để thực hiện các chính sách kích cầu tiêu dùng đối với các sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung ứng.
Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân và các Hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị giảm thuế xuất từ 10% xuống 5% để giảm chi phí cho người tiêu dùng nhằm kích cầu cho các ngành trong và ngay sau dịch.
Bên cạnh đó, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân đề xuất bổ sung quy định “Giảm 50% tiền thuê đất trong thời hạn 9 tháng đối với các doanh nghiệp lưu trú du lịch (khách sạn, khu nghỉ dưỡng...) do đây là ngành bị thiệt hại nặng nề nhất trong đại dịch và phục hồi chậm hơn các ngành khác.
Cho rằng quy định “Miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong năm 2020” sẽ tạo khả năng giảm giá nước sạch, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi cùng Bộ Công Thương để trình Chính phủ cho bổ sung việc giảm giá nước sạch trong năm 2020./.