Tăng cường hiệu quả, minh bạch trong thực thi pháp luật về cạnh tranh

Đa số đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cạnh tranh nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Trần Hồng Nguyễn phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Theo chương trình làm việc, sáng 15/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Điều chỉnh hành vi hạn chế cạnh tranh bên ngoài lãnh thổ Việt Nam

Qua thảo luận, đa số đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cạnh tranh nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng; tăng cường hiệu quả, hiệu lực và tính minh bạch trong thực thi pháp luật về cạnh tranh, phù hợp với các cam kết quốc tế; nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Các đại biểu nhấn mạnh, sửa đổi Luật Cạnh tranh là một bước quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ và giải pháp về “hoàn thiện thể chế về cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch về độc quyền Nhà nước” nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần của Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Đa số ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, quy định phạm vi rộng hơn so với Luật Cạnh tranh hiện hành.

Theo đó, dự án Luật không chỉ giới hạn hành vi hạn chế cạnh tranh được xác lập, thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam mà còn điều chỉnh cả hành vi hạn chế cạnh tranh thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường Việt Nam.

Nhiều đại biểu đánh giá, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh như vậy là phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Trong thời gian gần đây, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đều quy định nghĩa vụ thực thi luật và chính sách về cạnh tranh nhằm bảo đảm điều chỉnh các hành vi phản cạnh tranh gây ảnh hưởng đến quan hệ thương mại, đầu tư, phúc lợi người tiêu dùng tại các nước thành viên.

Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh tạo cơ sở pháp lý cho Cơ quan cạnh tranh Việt Nam hợp tác với các Cơ quan cạnh tranh của các nước khác trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh.

Đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) đánh giá, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh như trong dự thảo Luật là cách tiếp cận mới, phù hợp với nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Để tạo cơ sở pháp lý thực hiện quy định này, dự thảo Luật cũng dành 2 điều về hợp tác quốc tế trong quá trình tố tụng cạnh tranh (Điều 111) và nguyên tắc hợp tác quốc tế trong quá trình tố tụng cạnh tranh (Điều 112). Tuy nhiên, đại biểu Trần Hồng Nguyên băn khoăn với tính khả thi của nội dung này.

Dẫn chứng qua 12 năm thi hành Luật Cạnh tranh, mặc dù Bộ Công Thương đã chủ động tiến hành hoạt động điều tra tiền tố tụng đối với nhiều ngành, lĩnh vực có tính chất quan trọng, nhạy cảm trong nền kinh tế nhưng số vụ việc được phát hiện, xử lý còn rất khiêm tốn, đại biểu Trần Hồng Nguyên cho rằng, nếu đề nghị mở rộng phạm vi nhưng ban soạn thảo lại chưa cung cấp đầy đủ thông tin về các hành vi hạn chế cạnh tranh thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam như đã xảy ra bao nhiêu trường hợp, thuộc lĩnh vực nào hoặc gây tác hại, có khả năng gây tác động đến hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường Việt Nam ra sao thì rất khó để thực hiện.

“Thực tiễn cho thấy, việc điều tra, xử lý hành vi hạn chế cạnh tranh được xác lập, thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam đã rất khó khăn, kết quả đem lại còn khiêm tốn trong khi đó việc điều tra, xử lý hạn chế hành vi cạnh tranh thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam sẽ phức tạp hơn nhiều,” đại biểu nêu.

Từ thực tế này, đại biểu Trần Hồng Nguyên đề nghị, cơ quan soạn thảo cần đánh giá cụ thể hơn về các hành vi hạn chế cạnh tranh thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam để có cơ sở cho việc chuẩn bị về tổ chức, con người thực thi nhiệm vụ.

Đồng thời, dự thảo Luật cần bổ sung quy định cụ thể, chi tiết hơn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết và thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh xảy ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam có gì khác so với xử lý vụ việc cạnh tranh xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam để có căn cứ áp dụng.

[Nâng cao cạnh tranh quốc gia cần cơ quan quản lý độc lập]

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) lưu ý, cơ quan soạn thảo cần quy định rõ hơn nội dung hành vi hạn chế cạnh tranh diễn ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, nhằm khắc phục bất cập, hạn chế trong thời gian qua, tạo hành lang pháp lý để điều tra, xử lý toàn diện mọi hành vi cạnh tranh dù xảy ra tại đâu nhưng có tác động hoặc có khả năng gây tác động tiêu cực đối với thị trường Việt Nam.

Nhiều ý kiến khác nhau về mô hình Cơ quan cạnh tranh Quốc gia

Tại phiên thảo luận sáng 15/11, nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là mô hình Cơ quan cạnh tranh Quốc gia.

Theo Tờ trình của Chính phủ, quy định về cơ quan cạnh tranh trong dự thảo Luật được tiếp cận theo hướng nâng cao tính độc lập và thẩm quyền của cơ quan cạnh tranh, đảm bảo khả năng thực thi hiệu quả Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Theo đó, Cơ quan cạnh tranh Quốc gia là cơ quan duy nhất thực thi Luật Cạnh tranh (sửa đổi) trên cơ sở hợp nhất 2 cơ quan hiện hành, gồm cơ quan quản lý cạnh tranh (Cục Quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương) và Hội đồng cạnh tranh. Cơ quan cạnh tranh Quốc gia là cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương đồng thời, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan cạnh tranh Quốc gia.

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) chỉ rõ, Cục Quản lý cạnh tranh ngoài thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về cạnh tranh còn thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng và phòng vệ thương mại. Trong khi đó, Hội đồng cạnh tranh là cơ quan phối hợp liên ngành tập hợp 11 thành viên là đại diện cho 11 bộ do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Với cách tổ chức như vậy, cơ quan quản lý cạnh tranh không đảm bảo vai trò độc lập, mặt khác Cục Quản lý cạnh tranh lại thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trên cả 3 lĩnh vực dẫn đến quá tải, vì thế việc xây dựng cơ quan duy nhất có chức năng, nhiệm vụ, vị trí pháp lý rộng hơn, bao quát hơn về cạnh tranh là phù hợp.

Tuy nhiên, đại biểu vẫn băn khoăn với phương án Chính phủ đề xuất là cơ quan này trực thuộc Bộ Công Thương. “Bộ Công Thương ngoài chức năng quản lý Nhà nước thì cũng trực tiếp quản lý nhiều doanh nghiệp trực thuộc Bộ. Trong khi đó, hiện nay, chúng ta đang có chủ trương thu gọn đầu mối; số lượng cơ quan trực thuộc Chính phủ cũng đã được quyết định cụ thể từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội,” đại biểu phân tích.

Do vậy, để xử lý vấn đề này, đại biểu Thắng đề nghị, dự thảo Luật quy định rõ hơn những hành vi bị cấm đối với cơ quan Nhà nước, đặc biệt là những lĩnh vực có các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương tham gia. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần tính toán và quy định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan này để không xảy ra tình trạng cạnh tranh bất bình đẳng do cơ cấu tổ chức đặt ra.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị quy định Cơ quan cạnh tranh Quốc gia độc lập thuộc Chính phủ hoặc thuộc Quốc hội để bảo đảm tính độc lập, khách quan trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh. Vì độc lập là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả, hiệu lực của Cơ quan cạnh tranh Quốc gia.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) lại không đồng tình với việc thành lập Cơ quan cạnh tranh Quốc gia. Đại biểu dẫn ra 4 bất cập nếu thành lập cơ quan này, cụ thể: Tăng thêm độ lòng vòng của việc xử lý; tăng thêm tổ chức bộ máy biên chế; có khả năng dẫn đến việc đi trái nguyên tắc thực hiện quyền lực Nhà nước là có phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực và đi ngược với cải cách tư pháp.

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, vụ việc cạnh tranh bao gồm 2 loại: một là vi phạm thỏa thuận cạnh tranh nhưng không vi phạm pháp luật và điều này được xử lý bằng việc khởi kiện ra tòa án kinh tế. Trong trường hợp vi phạm pháp luật cạnh tranh thì tùy tính chất, mức độ có thể xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.

“Với cách phân loại như thế, chúng ta thấy phù hợp với cơ chế nào thì giải quyết theo cơ chế đó chứ không nên thành lập Cơ quan cạnh tranh. Cơ quan này nếu thành lập sẽ không phù hợp với hệ thống pháp luật,” đại biểu Nhưỡng chỉ rõ.

Tại phiên thảo luận, các nội dung về chính sách của Nhà nước về cạnh tranh, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; nội dung tập trung kinh tế… cũng được các đại biểu phân tích, cho ý kiến cụ thể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục