Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh với nạn buôn bán và vận chuyển trái pháp luật động vật hoang dã.
Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) hợp tác với Tổ chức FOUR PAWS International để bảo tồn các loài nguy cấp tại Việt Nam thông qua việc giảm thiểu tình trạng buôn bán bất hợp pháp, nghiên cứu bảo vệ sinh cảnh, tìm kiếm giải pháp phục hồi quần thể loài, đồng thời tăng cường kiến thức về loài để hỗ trợ xây dựng các quy định pháp luật về bảo vệ các loài hoang dã và đa dạng sinh học.
Nâng mức xử phạt
Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 đã sửa đổi các hành vi buôn bán, quảng cáo, tàng trữ động vật hoang dã và sản phẩm từ động vật hoang dã có thể bị xử phạt mức cao nhất lên tới 15 năm tù giam.
Ngay sau đó, ngày càng có nhiều vụ việc buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã được phát hiện, bắt giữ và xử lý.
Ngày 24/11/2017, Tòa án nhân dân huyện Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã tuyên phạt Phạm Văn Tân (thường trú tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, tạm trú tại khu dân cư số 7, huyện Côn Đảo) 10 tháng 17 ngày tù giam cho hành vi vận chuyển 116 quả trứng vích.
Ngày 27/12/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam nhóm 6 đối tượng ở địa phương về tội “vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.”
Ngày 4/6/2018, Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) đã tuyên phạt Hoàng Tuấn Hải (sinh năm 1972, trú tại phường Phước Long, thành phố Nha Trang) 4 năm 6 tháng tù giam về hành vi thu gom, chế tác và buôn bán trái phép hơn 10 tấn rùa biển.
[Buôn bán trái phép động vật hoang dã - Những hệ lụy đáng báo động]
Vụ án được cho là có số lượng rùa biển bị thu giữ lớn nhất trên thế giới. Đến nay, đây là mức phạt tù dài nhất liên quan đến các vi phạm về rùa biển ở Việt Nam, góp phần gia tăng niềm tin vào tính nghiêm minh của pháp luật.
Tháng 3/2019, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm 16 tháng tù, tăng 3 tháng tù so với bản án sơ thẩm đối với Nguyễn Mậu Chiến (sinh năm 1970, trú tại khu đô thị phường Văn Quán, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) - là đối tượng nghi cầm đầu đường dây buôn bán trái phép sừng tê giác, ngà voi và các sản phẩm khác từ động vật hoang dã từ châu Phi về Việt Nam.
Mới đây nhất, ngày 14/5/2019, Tòa án nhân dân thành phố Lào Cai đã tuyên phạt 3 đối tượng cùng trú tại huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc là Dương Văn Thành 8 năm 6 tháng tù giam, Dương Văn Sang 8 năm 9 tháng tù giam và Dương Văn Chiêm 10 năm 6 tháng tù giam vì buôn lậu hơn 20kg sừng tê giác.
Để giảm tình trạng vi phạm về động vật hoang dã, bên cạnh những công cụ mang tính chất ràng buộc và pháp lý quốc tế mà Việt Nam là thành viên như Công ước Đa dạng sinh học, Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, Việt Nam còn thúc đẩy các mối quan hệ với các đối tác để huy động sự hợp tác, phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế trong việc phòng chống buôn bán, tiêu thụ trái phép và bảo vệ các loài hoang dã; xây dựng các trung tâm bảo tồn gấu và các loài động vật hoang dã khác.
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã xây dựng được Hệ thống Cơ sở dữ liệu vi phạm về động vật hoang dã để cập nhật các vi phạm về lĩnh vực này.
Đây là cơ sở lưu giữ hồ sơ của tất cả các vụ việc được Trung tâm ghi nhận với đầy đủ các hoạt động được thực hiện để xử lý từng vụ việc bao gồm kết quả xử lý từ các cơ quan chức năng và quá trình giám sát độc lập của trung tâm.
Một trong những nỗ lực nhằm giảm thiểu vi phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam là việc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã xây dựng, thực hiện chương trình đánh giá mức độ phổ biến của các vi phạm về động vật hoang dã trên địa bàn các tỉnh, thành phố lớn, đánh giá hiệu quả xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng.
Từ năm 2013, Trung tâm đã xây dựng và thực hiện chương trình tại 42 quận, huyện của 9 tỉnh, thành phố lớn với tổng số 12.840 cơ sở kinh doanh đã được khảo sát.
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho biết, Trung tâm thực hiện Báo cáo đánh giá hiệu quả xử lý các vi phạm về động vật hoang dã theo từng giai đoạn, như một cơ chế cung cấp thông tin tới các tỉnh, thành phố về kết quả công tác giảm thiểu vi phạm về động vật hoang dã tại địa phương, trên tương quan so sánh với các tỉnh, thành khác.
Báo cáo cũng là phương tiện đánh giá phản hồi của các cơ quan chức năng trong xử lý vi phạm về động vật hoang dã, đặc biệt là các vụ việc liên quan tới động vật hoang dã còn sống do người dân thông báo.
Bên cạnh đó, Trung tâm triển khai hoạt động phối hợp với một số công ty quản lý những ứng dụng trên internet nhằm xóa bỏ và ngăn ngừa các vi phạm về động vật hoang dã; sản xuất các phim ngắn, giải chạy vì hổ, gấu được tổ chức nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ các loài động vật hoang dã.
Tăng cường các biện pháp kiểm soát
Thời gian tới, dựa trên kết quả thống kê, phân tích xác định phương thức thủ đoạn, quy luật hoạt động của các đối tượng, đường dây, ổ nhóm, các cơ quan chức năng sẽ xây dựng kế hoạch hành động, tăng cường thực thi pháp luật một cách hiệu quả, toàn diện.
Ngoài ra, một cơ quan đầu mối và hệ thống cơ sở dữ liệu chung về vi phạm liên quan đến động vật hoang dã cần được thiết lập để hỗ trợ các lực lượng, cơ quan chức năng truy xuất thông tin vi phạm về động vật hoang dã dễ dàng.
Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, công tác thống kê vi phạm về động vật hoang dã cần một mẫu biểu thông tin mang tính chất toàn diện và phần mềm hỗ trợ công tác thu thập, tổng hợp số liệu giúp cơ quan có thẩm quyền phân tích để đưa ra giải pháp tốt hơn.
Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn động vật hoang dã Nguyễn Văn Thá, lo ngại mất đa dạng sinh học, trong đó nguyên nhân chính từ hoạt động bẫy bắt, săn bắn bất hợp pháp trong các khu rừng ở Việt Nam, các tổ chức bảo tồn thiên nhiên trong nước và quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam đề xuất bổ sung một số quy định để bảo vệ động vật hoang dã.
Các tổ chức bảo tồn thiên nhiên đề nghị cần bổ sung các quy định xử phạt hành chính đối với hành vi vào rừng và lập lán trại trái phép trong rừng đặc dụng; xử phạt tăng nặng với các hành vi mang và sử dụng bẫy, dụng cụ săn bắt, chó săn vào khu vực rừng cấm săn bắt với số lượng lớn, góp phần răn đe những người săn bắt chuyên nghiệp trong rừng cấm săn bắt.
Bên cạnh đó, đối với các khu rừng đặc dụng, nên xây dựng phương án cho phép khai thác có kiểm soát một số sản phẩm lâm sản ngoài gỗ không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho rằng, cần thiết lập cơ chế hợp tác hiệu quả giữa người dân và các cơ quan chức năng trong công tác phòng chống vi phạm về động vật hoang dã, trong đó phản hồi kịp thời của các cơ quan chức năng là yếu tố quan trọng.
Việc tăng cường quản lý và kiên quyết không để các cơ sở có dấu hiệu vi phạm pháp luật về động vật hoang dã được nuôi nhốt hổ hay các loài nguy cấp quý hiếm khác vì bất cứ mục đích gì là góp phần bảo tồn các loài này trong tự nhiên.
Các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, để những đối tượng đang và có ý định sử dụng internet như một công cụ phạm pháp không thể tiếp tục coi thường pháp luật.
Bà Vũ Thị Quyên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên kêu gọi các trang thương mại điện tử và các ứng dụng mua bán trực tuyến tại Việt Nam xây dựng các cơ chế giám sát, gỡ bỏ các bài rao bán trái phép động vật hoang dã, trở thành các trang mua sắm lành mạnh, góp phần thể hiện trách nhiệm trong việc xử lý, hạn chế các hành vi phạm tội liên quan tới động vật hoang dã.
Mọi người hãy lên tiếng, cùng góp sức và hành động chống lại sự tuyệt chủng, thông báo vi phạm về động vật hoang dã đến cơ quan chức năng địa phương hoặc tới đường dây nóng miễn phí 1800-1522./.