Tăng cường giám sát, phòng chống dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk, tình hình bệnh sởi tại Đắk Lắk đang có những diễn biến phức tạp về số ca mắc và đối tượng mắc.
Bác sỹ chăm sóc cho bệnh nhân mắc sởi. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk, ca sởi đầu tiên trên địa bàn được phát hiện tại huyện Buôn Đôn vào đầu tháng 10/2018, đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 44 trường hợp mắc sởi.

Các ca bệnh tập trung tại một số huyện như Buôn Đôn (34 trường hợp), Ea Kar (5 trường hợp), Ea Súp 2 (trường hợp)...

Tình hình bệnh sởi tại Đắk Lắk đang có những diễn biến phức tạp về số ca mắc và đối tượng mắc. Trong 44 ca mắc sởi có 10 ca trên 15 tuổi (độ tuổi ít mắc sởi), 7 ca dưới 9 tháng tuổi (độ tuổi chưa được tiêm vắcxin phòng sởi), vì vậy, ngành y tế tỉnh thay đổi phương pháp phòng chống để khống chế dịch bệnh.

[Cần 90.000 đơn vị máu để phục vụ nhu cầu cấp cứu và điều trị]

Trước tình hình trên, Sở Y tế Đắk Lắk chỉ đạo cơ sở y tế các huyện, thị xã, thành phố triển khai biện pháp phòng chống bệnh sởi.

Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2018, tính đến cuối tháng 9, toàn quốc có 37 tỉnh, thành phố ghi nhận gần 1.000 trường hợp mắc sởi dương tính, 1 trường hợp tử vong tại Hưng Yên.

Các tỉnh hiện có số ca bệnh sởi cao chủ yếu tập trung ở khu vực miền Bắc như Hà Nội, Lào Cai, Thanh Hóa, Sơn La, Quảng Ninh, Điện Biên...

Số trẻ em chưa được tiêm chủng hoặc một số trẻ đã tiêm chủng nhưng không có miễn dịch phòng bệnh tích lũy qua các năm. Khi số lượng này đủ lớn, trong điều kiện virus sởi lưu hành có thể gây dịch.

Việc duy trì tỷ lệ tiêm 2 mũi vắcxin sởi ở trẻ dưới 2 tuổi đạt 95% là yếu tố cơ bản để loại trừ bệnh sởi.

Sởi và rubella là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus sởi và virus Rubella gây ra. Bệnh có thể gây các biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của trẻ.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng

Ở Việt Nam, tại một số nơi vùng sâu, vùng xa và những đô thị có số trẻ di biến động lớn có nhiều trẻ còn chưa được tiêm vắcxin sởi đầy đủ nên có nguy cơ cao ghi nhận các trường hợp mắc và các ổ dịch sởi tại cộng đồng.

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra và là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Tiêm vắcxin sởi là một biện pháp hiệu quả phòng bệnh sởi.

Giáo viên hướng dẫn cho trẻ rửa tay bằng xà phòng để phòng ngừa dịch bệnh. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Để chủ động phòng bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt việc chủ động đưa trẻ từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắcxin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắcxin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắcxin phòng sởi.

Người dân khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi. Các bậc phụ huynh cũng nên hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.

Bộ Y tế cũng cảnh báo, bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi, vì vậy người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

WHO đưa ra khuyến cáo: Rửa tay là biện pháp đơn giản nhất, rẻ tiền nhất và cũng hiệu quả nhất trong kiểm soát nhiễm khuẩn, do đó cần tăng cường sự tuân thủ rửa tay.

Theo các bác sỹ, mỗi người dân cần thực hiện việc rửa tay vào 5 thời điểm quan trọng: Sau khi sử dụng nhà vệ sinh (đi tiểu, đi đại tiện); Sau khi ra ngoài đường; Sau khi tiếp xúc hoặc chăm sóc người bệnh; Sau khi ho, hắt hơi hoặc sổ mũi làm dính các chất dịch tiết trên đôi bàn tay; Trước khi vào bữa ăn, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn cho gia đình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục