Tăng cường dự báo thị trường lao động, kết nối cung-cầu nguồn nhân lực

Phân tích, dự báo về thị trường lao động, tăng cường kết nối với các đơn vị có nhu cầu tuyển dụng, đào tạo nghề là những giải pháp được các địa phương thực hiện để hỗ trợ người lao động tìm việc làm.
(Ảnh minh họa: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên quy mô toàn cầu, tại nhiều địa phương vốn có hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động như vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, tình trạng lao động bị mất việc hoặc phải giãn, nghỉ việc luân phiên đang diễn ra.

Phân tích, dự báo cụ thể về thị trường lao động, tăng cường kết nối với các đơn vị có nhu cầu tuyển dụng, đào tạo nghề là những giải pháp được các địa phương thực hiện đồng bộ để thiết thực hỗ trợ người lao động tìm việc làm phù hợp, ổn định cuộc sống.

Thị trường lao động nhiều biến động

Thị trường lao động tại nhiều địa phương đã và đang có những biến động mạnh, tác động bất lợi đến người lao động do ảnh hưởng của dịch COVID-19 là nhận định của nhiều chuyên gia lĩnh vực lao động-việc làm.

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2020, nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố giảm 28% so với cùng kỳ năm 2019.

Các doanh nghiệp một số ngành như lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải, dệt may, giày da, chế biến thực phẩm, xây dựng... gặp  khó khăn, điều này ảnh hưởng đến việc làm của người lao động.

Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các giải pháp tạm thời như cắt giảm lao động, cho lao động nghỉ việc không lương hoặc giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm lương và thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh.

[Việt Nam ở vị thế tốt hơn để vượt qua thách thức kinh tế và việc làm]

Dự báo nhu cầu tuyển dụng của các danh nghiệp ở thành phố trong thời gian tới, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra hai kịch bản:

Nếu dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, các khu vực kinh tế chịu tác động lớn là khu vực dịch vụ, công nghiệp-xây dựng. Trong trường hợp này, 6 tháng cuối năm, các doanh nghiệp ở thành phố cần khoảng 105.000-115.000 chỗ làm việc.

Nếu dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tích cực, tình hình doanh nghiệp khởi sắc trong những tháng cuối, đặc biệt là thời điểm gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ lễ, Tết sẽ giúp hạn chế tình trạng lao động ngừng việc, mất việc.

Tuy nhiên khu vực dịch vụ, công nghiệp vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các hoạt động giao thương (xuất-nhập khẩu) bị gián đoạn.

Với tình huống này, từ nay đến hết năm, các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh cần khoảng 115.000-135.000 việc làm.

Tương tự, tại Bình Dương - địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Phòng Phân tích dự báo và thông tin thị trường lao động (Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương) đưa ra thông tin: Nhu cầu tuyển lao động trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp ở Bình Dương giảm hơn 63% so với cùng thời điểm năm 2019.

Trong khi đó, lượng người tìm việc lại tăng 16% so với cùng thời điểm năm 2019.

Một số doanh nghiệp bắt đầu tuyển dụng lại lao động sau khi dịch COVID-19 bước đầu được khống chế thành công. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, trong quý 3/2020, nguồn cầu lao động có biến động theo chiều hướng tích cực khi một số doanh nghiệp đã bắt đầu tuyển dụng lại lao động.

Theo đánh giá của các chuyên gia về kinh tế, Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong việc một số nước trên thế giới chọn làm đích đến trong đầu tư mới. Đây chính là tín hiệu tốt cho những lao động đang gặp khó khăn trong tìm việc làm.

Trong khi đó, ở phía nguồn cung lao động, dự báo trong quý 3, tại Bình Dương, lượng lao động đăng ký tìm việc có xu hướng giảm vì đa số doanh nghiệp bắt đầu có những đơn hàng mới, công việc cũng dần đi vào ổn định.

Cùng thời điểm, thị trường lao động còn có thêm nguồn sinh viên mới tốt nghiệp. Đây là lực lượng lao động năng động, có trình độ, tuy nhiên do vừa ra trường nên cần một thời gian để thích nghi, tìm việc phù hợp bản thân cũng như xu hướng tuyển dụng hiện nay của thị trường lao động.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, thực tế thị trường lao động quốc gia và các tỉnh, thành phố nhất là tại thành phố lớn, khu vực phát triển đô thị của nước ta vẫn còn thiếu trầm trọng lao động chất lượng cao trình độ đại học và giáo dục nghề nghiệp, có kỹ năng thực hành.

Kết nối, hỗ trợ người lao động tìm việc

Chung tay tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho người lao động tìm việc, nhất là những lao động vừa phải nghỉ việc sớm quay trở lại thị trường lao động, các địa phương đang tăng cường kết nối với các đơn vị tuyển dụng hoặc đào tạo nghề, tổ chức các hoạt động  tư vấn, ngày hội giới thiệu việc làm, sàn giao dịch việc làm...

Thông tin từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy trong 6 tháng đầu năm, thành phố có gần 328.000 người lao động bị mất việc làm. Đến đầu tháng 7/2020 tại thành phố, trên 90.000 người đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Kịp thời giới thiệu việc làm cho người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi Trẻ thành phố vừa phối hợp tổ chức chương trình “Tiếp sức người lao động và sàn giao dịch việc làm” với gần 15.000 vị trí làm việc được giới thiệu tuyển dụng.

Một phiên giới thiệu việc làm cho người lao động. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Tại Bình Dương, đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương và Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau đã ký biên bản ghi nhớ về việc liên kết trong giới thiệu việc làm, tuyển dụng lao động giai đoạn 2020-2025.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương hỗ trợ cung cấp các thông tin về việc làm như: thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp ở Bình Dương; hỗ trợ đưa sinh viên, học viên đi thực tập tại các doanh nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động từ Cà Mau về Bình Dương…

Trung tâm Dịch vụ tỉnh Cà Mau thực hiện công tác tuyên truyền đến người lao động để được tư vấn đi làm việc tại các doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương; trực tiếp liên hệ với doanh nghiệp và bố trí, sắp xếp đưa lao động đến Bình Dương làm việc.

Tại Cần Thơ, đô thị trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ tổ chức “Ngày gặp gỡ nhà tuyển dụng dành cho người thất nghiệp tại thành phố,” cung cấp thông tin, tư vấn về các cơ hội học nghề, cơ hội việc làm, tư vấn kỹ năng tìm việc cho người lao động có nhu cầu tìm việc.

Trên 30 đơn vị tuyển dụng với khoảng 740 việc làm cần tuyển ở các ngành nghề, vị trí việc làm như: nhân viên kinh doanh, kế toán, bán hàng, giao hàng, kỹ sư xây dựng, nhân viên thiết kế, lao động phổ thông đã được giới thiệu đến người lao động có nhu cầu tìm việc.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Loan, Phó trưởng Phòng Đào tạo-Việc làm (Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ), dịp này, Trung tâm còn tổ chức một số hoạt động với chủ đề “Xuất khẩu lao động chuyển mình sau mùa dịch” để tái khởi động hoạt động xuất khẩu lao động, chuẩn bị tốt nguồn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài sau khi các nước mở cửa trở lại; tư vấn, giải đáp thắc mắc của người lao động về điều kiện, quy trình tham gia chương trình đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục