Tháng Công nhân năm 2022 sẽ diễn ra nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, hướng đến mục tiêu chăm lo, bảo vệ cho người lao động sau hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đã chia sẻ với TTXVN những nội dung nổi bật mà tổ chức Công đoàn đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, đảm bảo sự công bằng trong quan hệ lao động.
- Thưa ông, Tháng Công nhân năm 2022 sẽ triển khai các hoạt động nổi bật gì để động viên, khích lệ tinh thần người lao động?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Tháng Công nhân năm nay diễn ra trong bối cảnh vừa phòng, chống dịch, vừa tập trung khôi phục, phát triển sản xuất khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát rất tốt. Do vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đưa ra định hướng gồm 10 hoạt động lớn để các địa phương, các ngành và từng công đoàn cơ sở căn cứ vào điều kiện thực tế của đơn vị mình để tổ chức.
Một trong những hoạt động chính được triển khai rộng khắp là thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ, chăm lo cho người lao động về việc làm và thu nhập, từ đó tạo nên sự quan tâm của cả xã hội, nhất là hệ thống chính trị, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân, đóng góp của giai cấp công nhân trong bối cảnh mới.
Một trong những nội dung được các cấp công đoàn chú trọng là tham mưu cho lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tổ chức gặp gỡ, đối thoại để giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc của công nhân, nhất là những khó khăn được dồn nén từ nhiều năm.
Tháng Công nhân năm 2022 cũng là dịp để tuyên truyền và khẳng định vị thế của tổ chức, hình ảnh của người công nhân Việt Nam trong thời đại mới: Đó là những người thực sự tiên phong, trách nhiệm sáng tạo và đi đầu trong việc phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện khát vọng dân tộc.
[Đẩy mạnh các hoạt động đối thoại trong Tháng Công nhân năm 2022]
Tổ chức công đoàn sẽ triển khai các hoạt động theo hướng mở, tùy theo điều kiện của từng đơn vị, địa phương. Tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, các đơn vị có thể tổ chức các hoạt động đông người để hỗ trợ chăm lo, giúp đỡ cho công nhân, lao động nhiều hơn. Ở địa phương nào dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì sẽ lựa chọn các hình thức phù hợp hơn, kết hợp cả trực tiếp, trực tuyến để đem lại hiệu quả cao nhất.
Một điều đặc biệt nữa là cuối Tháng Công nhân năm nay, chúng tôi sẽ chính thức ấn nút phát động một chương trình giải trí, truyền hình mang tên: Giờ thứ 9+. Đây là một điểm mới, một trong những diễn đàn giúp cho việc chăm lo đời sống tinh thần của công nhân, lao động được tốt hơn, nhưng cũng là một trong những loại hình giải trí nhằm tuyên truyền các chính sách, pháp luật đến với công nhân một cách gần gũi, dễ dàng, thuận lợi hơn.
- Ông có thể chia sẻ kỳ vọng của Tổng Liên đoàn khi phát động Chương trình 1 triệu sáng kiến?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Chương trình 1 triệu sáng kiến sẽ được tổ chức công đoàn triển khai trong năm 2022 và 2023 để hướng tới chào mừng Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII. Trong chỉ đạo, chúng tôi yêu cầu tất cả các cấp công đoàn phải căn cứ vào điều kiện thực tế để triển khai, đồng thời giúp công nhân, lao động thông qua các sáng kiến của mình đóng góp tích cực cho sự phát triển của doanh nghiệp. Đây cũng chính là cơ hội để tăng thêm thu nhập cho người lao động, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
“Chương trình 1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19" được lãnh đạo Trung ương, mà trực tiếp là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, nhằm góp phần khôi phục kinh tế đất nước sau đại dịch COVID-19. Do đó, lãnh đạo Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành phải quán triệt đúng ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để có trách nhiệm, thái độ quyết liệt thực hiện.
- Ông có thể cho biết nỗ lực của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc thuyết phục Hội đồng Tiền lương quốc gia quyết định tăng lương tối thiểu vùng?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Trước khi chúng tôi ngồi vào bàn đàm phán, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phân công bộ phận về các doanh nghiệp để khảo sát, đánh giá tình hình đời sống, việc làm của người lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp, thậm chí lấy ý kiến của chủ doanh nghiệp.
Trên cơ sở tập hợp những ý kiến từ thực tiễn đó, cùng với sự chuẩn bị toàn diện những cơ sở lý luận cả về chính trị, kinh tế xã hội, chúng tôi đã phân công trách nhiệm cho các thành viên để từng người đưa ra tiếng nói và lập luận của mình; đồng thời vận động đông đảo anh em cán bộ công đoàn cung cấp các thông tin cần thiết để làm căn cứ tổng hợp, trình bày tại Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Đặc biệt, Hội đồng Tiền lương quốc gia năm nay có sự tham gia của 2 thành viên độc lập là chuyên gia, nhà khoa học về lao động, tiền lương và kinh tế-xã hội, góp phần có được những góc nhìn toàn diện, khách quan. Qua hai phiên thảo luận, Hội đồng đã đưa ra quyết định rất sáng suốt, bao gồm trong đó cả sự sẻ chia và hướng tới quan hệ lao động hài hòa, đó là tăng 6% lương tối thiểu vùng cho người lao động từ ngày 1/7/2022.
Hiện Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chính thức có văn bản gửi Chính phủ, trong đó đề xuất việc xây dựng Nghị định này theo trình tự rút gọn để đảm bảo thời gian nhanh nhất, giúp cho người lao động có thể được hưởng lương từ ngày 1/7.
Chúng tôi tin tưởng với thực tế đời sống của người lao động và khả năng phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp, cũng như những lập luận rất thuyết phục từ các bên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định theo hướng đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia.
- Những mô hình sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch cũng như hỗ trợ đoàn viên, người lao động trong hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã phát huy hiệu quả. Xin ông cho biết thời gian tới tổ chức công đoàn sẽ tiếp tục có những hoạt động như thế nào để hỗ trợ công nhân, lao động tìm kiếm việc làm bền vững và ổn định tâm lý trong cuộc sống?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Trong định hướng chung của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thời gian tới, chúng tôi tập trung dành nhiều nguồn lực hơn nữa trong việc chăm lo bảo vệ người lao động. Đồng thời, hướng tới những hoạt động thực chất gắn với cơ sở, đặc biệt quan tâm đến những người lao động yếu thế là lao động nữ, lao động ở những vùng đặc biệt khó khăn.
Trên cơ sở định hướng như vậy, chúng tôi nghĩ rằng các giải pháp đang được đưa ra rất tổng thể và khả thi khi Chính phủ đang bước vào giai đoạn thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế. Trong việc tham gia các chính sách, chúng tôi luôn chú trọng việc gửi gắm những mong muốn, tâm tư của người lao động để giúp họ thực sự vừa là chủ thể của sự sáng tạo, tạo ra của cải vật chất, nhưng cũng là đối tượng được thụ hưởng xứng đáng.
Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục thiết kế, xây dựng các mô hình, đặc biệt là mô hình phát triển phúc lợi ở cơ sở để giúp người lao động được tiếp cận với nội dung đã ký kết với các đối tác; sử dụng các nguồn quỹ để hỗ trợ những người lao động khó khăn.
Đặc biệt, thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát để đảm bảo quyền lợi của người lao động; đồng thời tiếp tục phối hợp với người sử dụng lao động để tăng cường đối thoại, thương lượng nhằm đạt được thỏa thuận: Khi kinh tế phát triển, doanh nghiệp ngày càng lợi nhuận, càng cần sự sẻ chia với người lao động, đảm bảo sự công bằng trong quan hệ lao động./.
- Trân trọng cảm ơn ông!