Phát động thi đua thực hiện Chiến lược Phát triển thanh niên Việt Nam

Tăng cường đầu tư cho nguồn nhân lực trẻ, trao quyền cho thanh niên

Chiến lược Phát triển thanh niên là cơ sở quan trọng để đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật về thanh niên, tạo điều kiện để thanh niên tham gia quản lý nhà nước và xã hội.
Tăng cường đầu tư cho nguồn nhân lực trẻ, trao quyền cho thanh niên ảnh 1Chiến lược tạo điều kiện để thanh niên tham gia nhiều hơn nữa vào quản lý nhà nước và xã hội. (Ảnh: TTXVN)

Sáng 13/12, Bộ Nội vụ phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức Hội nghị phổ biến và phát động phong trào thi đua thực hiện Chiến lược Phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và có cầu nối trực tuyến tới các điểm cầu địa phương.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho biết bám sát quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả triển khai Chiến lược Phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược giai đoạn 2021-2030.

Chiến lược là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành, địa phương đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật về thanh niên trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; đồng thời, tạo điều kiện để thanh niên tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia vào quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật cho chính thanh niên.

Các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển thanh niên quy định tại Chiến lược được xây dựng trên cơ sở cụ thể 6 nhóm chính sách quy định tại Luật Thanh niên năm 2020, kế thừa một số chỉ tiêu của giai đoạn 2011-2020, phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lý và xu hướng phát triển thanh niên, chỉ số phát triển thanh niên toàn cầu và khu vực ASEAN, Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và của Việt Nam.

Để bảo đảm thực hiện hiệu quả Chiến lược, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gắn với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước theo phân công, phân cấp; đồng thời, huy động sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.

Thứ trưởng Triệu Văn Cường đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; cơ quan, tổ chức liên quan tăng cường phối hợp hiệu quả, trách nhiệm với Bộ Nội vụ trong triển khai thực hiện Chiến lược theo chức năng, nhiệm vụ được giao; bố trí nguồn lực thích đáng nhằm đầu tư, kiến tạo cho thanh niên môi trường thuận lợi để phát triển toàn diện, cống hiến vì tương lai Việt Nam phồn vinh và thịnh vượng.

Thứ trưởng Triệu Văn Cường đề nghị các tổ chức quốc tế tại Việt Nam quan tâm, hỗ trợ nguồn lực để Chính phủ Việt Nam, Bộ Nội vụ, các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Chiến lược đề ra.

[Xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện]

Chúc mừng Chính phủ Việt Nam về việc đã thông qua Chiến lược Phát triển thanh niên giai đoạn 2021-2030, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam Naomi Kitahara, đồng Trưởng nhóm Hành động vì vị thành niên, thanh niên của Liên hợp quốc tại Việt Nam, bày tỏ sự tin tưởng rằng sau hội nghị, nhiều chính sách và kế hoạch liên ngành sẽ được phát triển trên cơ sở chiến lược này, từ đó đáp ứng các nhu cầu của thanh niên.

Theo bà Naomi Kitahara, trong Chiến lược thanh niên 2030, Liên hợp quốc đã ghi nhận rằng Chiến lược sẽ không thể đạt được sứ mệnh nếu không phối hợp cùng thanh niên.

Thanh niên không chỉ cần được lắng nghe, mà còn cần được thấu hiểu; không chỉ cần được kết nối, mà còn cần được trao quyền; không chỉ đóng vai trò hỗ trợ, mà còn có thể dẫn dắt những nỗ lực toàn cầu.

Một tương lai phát triển bền vững sẽ được kết nối trực tiếp với việc thực hiện và đáp ứng các nhu cầu, nguyện vọng của vị thành niên và thanh niên.

Tại Việt Nam, Chiến lược Phát triển thanh niên giai đoạn 2021-2030 là một phần trong các chiến lược của nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội, phát triển nhân lực và chuyển giao công nghệ số quốc gia.

Chính phủ cũng nhấn mạnh đến việc cần trao quyền cho thanh niên, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương như thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên khuyết tật và thanh niên di cư, phát huy hết các tiềm năng của thanh niên để đóng góp cho sự tiến bộ của kinh tế và xã hội, từ đó góp phần đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.

Tăng cường đầu tư cho nguồn nhân lực trẻ, trao quyền cho thanh niên ảnh 2Thanh niên tình nguyện thu mua, vận chuyển tiêu thụ nông sản giúp bà con nông dân. (Ảnh: TTXVN phát)

Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam nêu rõ: Chúng ta cần nhiều công sức và nỗ lực để thực thi chiến lược quan trọng này tại các cấp, các địa phương, nhằm đảm bảo thanh niên, đặc biệt là thanh niên dễ bị tổn thương tiếp nhận được các thông tin, dịch vụ và những cơ hội quan trọng mà họ cần. Trong quá trình này, UNFPA sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam.

Theo cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Việt Nam có 20,4 triệu thanh niên độ tuổi 10-24, chiếm 21% dân số.

Bà Naomi Kitahara nhận định đây là tỷ lệ thanh niên cao nhất trong lịch sử quốc gia, tạo nên tiềm năng lợi tức nhân khẩu học. Để tối đa lợi thế về nhân khẩu học này, điều quan trọng cần làm là đảm bảo tăng cường đầu tư cho nguồn nhân lực trẻ thông qua các chính sách về phát triển thanh niên một cách toàn diện.

UNFPA cam kết hỗ trợ Bộ Nội vụ của Việt Nam cũng như các bộ, ban, ngành khác trong việc lập kế hoạch, triển khai, giám sát và đánh giá sử dụng Chỉ số Phát triển thanh niên quốc gia; hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng môi trường thuận lợi cho sự tham gia và phát triển toàn diện của thanh niên, kể cả trong các chính sách và chương trình quản lý thiên tai; thúc đẩy Chương trình hành động Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển, góp phần đảm bảo sự phát triển cân bằng, công bằng và bền vững, từ đó không ai bị bỏ lại phía sau, bao gồm nhóm thanh niên dễ bị tổn thương nhất.

Bà Naomi Kitahara cũng kêu gọi chính phủ Việt Nam phân bổ ngân sách phù hợp để giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, trong đó có cung cấp thông tin, giáo dục và dịch vụ cho thanh niên, đặc biệt là nhóm thanh niên dễ bị tổn thương, bao gồm cả thanh niên bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và những khủng hoảng nhân đạo khác.

Việc xây dựng một môi trường thuận lợi và các cơ chế năng động cho sự tham gia của thanh niên trong thực thi các chiến lược và chính sách thanh niên, giám sát và phản hồi là điều cần thiết ở cấp trung ương và địa phương, nhằm khuyến khích thanh niên tích cực tham gia vào chính sách và quá trình quyết định cho các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến họ.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ) Hoàng Quốc Long phổ biến các nội dung cơ bản của Chiến lược Phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030; chia sẻ kinh nghiệm về công tác chỉ đạo, xây dựng chương trình, đề án, dự án thực hiện chiến lược; kiến nghị, đề xuất các giải pháp để triển khai thống nhất, hiệu quả.

Bộ Nội vụ đã phát động phong trào thi đua thực hiện Chiến lược Phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Nhân dịp này, 4 tập thể, 6 cá nhân đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và 20 tập thể, 20 cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về thành tích xuất sắc trong thực hiện Chiến lược Phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục