Tăng cường đấu tranh chống tội phạm mua bán người

Nhằm ngăn chặn tình hình tội phạm mua bán người ngày càng diễn biến phức tạp, Bộ Công an đã có công điện gửi các địa phương.
Trước tình trạng tội phạm mua bán người diễn biến ngày càng phức tạp, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ vừa có công điện chỉ đạo việc tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn loại hình tội phạm này.

Cụ thể, theo công điện số 617, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm mua bán người, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc luật phòng, chống mua bán người.

[VN-Campuchia hợp tác phòng chống buôn bán người]

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị phải phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho nhân dân, tăng cường cảnh giác phòng ngừa và tự giác, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Lực lượng chức năng chủ động phối hợp các cơ quan truyền thông tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật, phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm; kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt, các điển hình trong phòng, chống tội phạm mua bán người.

Công điện cũng chỉ đạo phải tăng cường công tác quản lý nhân, hộ khẩu thông qua quản lý cư trú; tăng cường kiểm  tra các cơ sở sản xuất, nhất là các cơ sở sản xuất hàng thủ công nghi vấn sử dụng lao động trẻ em để phát hiện nạn nhân bị bóc lột sức lao động và giải cứu kịp thời. Chủ động nắm tình hình, phát hiện và xử lý triệt để các trung tâm môi giới về hôn nhân có yếu tố nước ngoài, xuất khẩu lao động, cho- nhận con nuôi trái pháp luật.

Ngoài ra, các đơn vị nghiệp vụ cần tập trung đấu tranh làm rõ các vụ án mua bán người, đặc biệt là các vụ án có tổ chức, xuyên quốc gia; truy bắt đối tượng phạm tội, nhất là đối tượng chủ mưu, cầm đầu; đảm bảo mọi hành vi phạm tội mua bán người đều được phát hiện và xử lý nghiêm minh.

Bên cạnh đó, các địa phương có đường biên giới duy trì giao ban, gặp gỡ, đàm phán, thiết lập đường dây nóng với các đơn vị, địa phương của các nước láng giềng nhằm chủ động trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, truy bắt tội phạm, giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; tổ chức các diễn đàn truyền thông chung về phòng, chống mua bán người.

Theo báo cáo của Công an các địa phương, riêng trong 9 tháng đầu năm 2012 trên toàn quốc đã phát hiện 309 vụ mua bán người với 378 đối tượng, 490 nạn nhân. So với cùng kỳ năm 2011 tăng 30 vụ (20%)./.

Sơn Bách (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục