Nhằm xây dựng bản đồ chung sống an toàn, chủ động phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc, đảm bảo sức khỏe, an toàn, vệ sinh lao động và ổn định sản xuất, kinh doanh, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tăng cường triển khai đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong các cơ sở lao động.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực chỉ đạo các doanh nghiệp nghiêm túc triển khai việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 theo Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG. Quyết định này cũng hướng dẫn cụ thể về phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động. Trường hợp không nghiêm túc thực hiện có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, đặc biệt là ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao hướng dẫn, phổ biến và kiểm tra việc triển khai Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG tại các doanh nghiệp, cơ sở lao động. Ngoài ra, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện báo cáo tình hình thực hiện hàng tháng về Cục An toàn lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) trước ngày 5 của tháng liền kề để tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 và tổ chức xây dựng bản đồ chung sống an toàn với COVID-19.
Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG hướng dẫn cụ thể việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. Theo đó, việc đánh giá được thực hiện thông qua bộ chỉ số nhằm xác định các mức độ nguy cơ lây nhiễm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh để có các biện pháp khắc phục, phòng chống lây nhiễm, đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh.
[Đẩy mạnh kiểm soát rủi ro về an toàn lao động tại nơi làm việc]
Bộ chỉ số gồm các tiêu chí: Số lượng lao động làm việc tập trung; mật độ lao động tại các phân xưởng; nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ người lao động; thông khí nhà xưởng; tổ chức thời gian làm việc; tỷ lệ người lao động được quan sát thấy có kiểm tra thân nhiệt trước khi vào phân xưởng; sử dụng khẩu trang tại nơi làm việc; điều kiện vệ sinh cá nhân cho người lao động; tổ chức bữa ăn ca, đưa đón người lao động; bố trí dung dịch sát khuẩn tay tại các vị trí có tiếp xúc chung như cây ATM, bình nước uống công cộng, máy bán hàng tự động, thang máy…
Sau khi đánh giá, chấm điểm theo bộ chỉ số, doanh nghiệp sẽ được xếp loại nguy cơ lây nhiễm theo 5 nhóm: Rất ít nguy cơ, nguy cơ lây nhiễm thấp, nguy cơ lây nhiễm trung bình, nguy cơ lây nhiễm cao và nguy cơ lây nhiễm rất cao. Nếu có nguy cơ lây nhiễm cao hoặc rất cao thì doanh nghiệp có thể phải tạm dừng hoạt động.
Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG hướng dẫn cụ thể về phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 là cơ sở để các doanh nghiệp kiểm tra định kỳ, có ngay giải pháp khắc phục các hạn chế ở những chỉ số cao nhất, giảm thiểu nguy cơ./.