Ngày 27/3, Thương vụ Việt Nam tại Algeria đã tổ chức Phiên tư vấn trực tuyến về xuất khẩu và đầu tư sang Algeria cho 42 doanh nghiệp trong nước hoạt động trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản, thực phẩm, đồ uống, cao su, logistics, vận tải quốc tế, bao bì, in ấn, dược phẩm, nội thất, thiết bị đào tạo, công nghệ nano ứng dụng...
Tại sự kiện, Tham tán Thương mại Việt Nam đã giới thiệu về tình hình kinh tế của Algeria, chính sách ngoại thương, đầu tư, hội nhập, quan hệ Việt Nam-Algeria, tình hình xuất nhập khẩu song phương, hợp tác về đầu tư, lao động giữa hai nước, những thuận lợi, khó khăn và giải pháp khi thâm nhập thị trường này, các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu, những lưu ý về tìm kiếm, xác minh đối tác, tập quán kinh doanh, phương thức thanh toán, cách thức giải quyết tranh chấp phát sinh với khách hàng, cũng như cung cấp những thông tin hữu ích khác.
Đại diện Thương vụ cũng trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp về một số ngành hàng tiềm năng xuất khẩu vào Algeria, thuế nhập khẩu, chính sách thu hút đầu tư, các hiệp định thương mại tự do mà Algeria tham gia, cách thức phòng ngừa rủi ro, những biện pháp hỗ trợ, đồng hành của cơ quan chức năng với doanh nghiệp Việt Nam trong tìm kiếm đối tác và những địa chỉ cần liên hệ.
Nhân dịp này, Thương vụ cũng giới thiệu một số sự kiện thương mại, giao thương sắp diễn ra tại Algeria như Triển lãm quốc tế chuyên ngành công nghiệp thực phẩm Algeria (Djazagro 2024) từ ngày 22-25/4, Hội chợ quốc tế Algiers (FIA 2024) từ ngày 24-29/6, Hội chợ quốc tế đồ gỗ (Algeria Woodtech) vào tháng 9, Triển lãm quốc tế về dệt may, da giày (TexStyle-Expo) vào tháng 11, Hội nghị giao thương trực tuyến Việt Nam-Algeria… và mời các doanh nghiệp quan tâm đăng ký tham dự.
Theo Thương vụ Việt Nam, Algeria nằm ở Bắc Phi, là nước có nền kinh tế lớn thứ 4 châu Phi, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 đạt khoảng 190 tỷ USD, dự trữ ngoại hối đạt 85 tỷ USD.
Dân số Algeria tương đối đông, hơn 46 triệu người, trong khi GDP bình quân đầu người là hơn 4.100 USD với sức mua khá lớn.
Algeria có trữ lượng khí tự nhiên đứng thứ 7 và trữ lượng dầu mỏ đứng thứ 14 trên thế giới.
Kim ngạch xuất khẩu dầu khí chiếm đến 90% tổng giá trị xuất khẩu của nước này. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa nói chung của Algeria đạt 40 tỷ USD năm 2023.
Mặc dù Algeria đang chủ trương đa dạng hóa nền kinh tế, song nước này vẫn phải nhập khẩu hầu hết các mặt hàng trong đó có 50% là lương thực, thực phẩm.
Thị trường Algeria có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt là nông sản như càphê thô, hạt tiêu, hạt điều, cơm dừa, thủy sản nước ngọt…
Theo thống kê của Hải quan Algeria, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt khoảng 300 triệu USD năm 2023, tăng 68% so với năm 2022.
Do chưa phải là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nên thuế nhập khẩu vào Algeria còn duy trì ở mức cao, trung bình là 30%.
Chủ trương của Chính phủ Algeria là đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển sản xuất trong nước, đa dạng hóa nền kinh tế và tăng cường xuất khẩu, nhất là những mặt hàng phi dầu khí./.
Thị trường Algeria ưa chuộng các sản phẩm càphê của Việt Nam
Sau khi dùng thử càphê Việt Nam, nhiều nhà nhập khẩu của Algeria cho biết sẽ đến Việt Nam gặp gỡ đối tác ngay sau tháng Ramadan (khoảng giữa tháng 4/2024).