Thói quen mua sắm thông qua các nền tảng thương mại số của người Việt không ngừng gia tăng. Cùng với đó, nhiều hình thức mua sắm mới phát triển mạnh mẽ (qua các hoạt động livestream và đa kênh) đã mang đến doanh thu “khủng” cho các nhà bán hàng.
Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều thách thức và đòi hỏi những giải pháp hiệu quả hơn trong công tác quản lý thuế, nhằm đảm bảo công bằng và minh bạch trên thị trường bán lẻ.
Tìm cách chống thất thu thuế
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ thời gian qua đơn vị này đã chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện quản lý thu thuế trên các sàn thương mại điện tử. Theo đó, ngành Thuế đã tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn người nộp thuế đồng thời thực hiện mở Cổng thông tin điện tử của sàn thương mại xuyên biên giới. Cùng với đó, Bộ Tài chính đã chủ trì và phối hợp quyết liệt với các bộ, ngành (như Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước), trong đó đã kết nối khoảng 663.200 lượt cơ sở dữ liệu dân cư do Bộ Công an quản lý. Mặt khác, Bộ Tài chính chia sẻ thông tin với Bộ Công thương về 929 sàn thương mại điện tử, trong đó đã kiểm tra đối chiếu trên 360 sàn để thực hiện kết nối và quản lý thu. Ngoài ra, Bộ đã cung cấp 144 triệu tài khoản (khoảng 10 triệu tài khoản của các tổ chức và 134 triệu tài khoản cá nhân tại 96 ngân hàng) với Ngân hàng Nhà nước.
Gần 2 tỷ đồng phạt, tịch thu và tiêu hủy các vụ vi phạm về thương mại điện tử
Sau hơn 2 tháng chính thức hoạt động, Tổ Thương mại điện tử đã kiểm tra, xử lý 09 vụ vi phạm trên các nền tảng thương mại điện tử với tổng số tiền phạt, trị giá hàng tịch thu, tiêu hủy gần 2 tỷ đồng.
Kết quả, thu ngân sách từ thuế của các sàn thương mại điện tử trong năm 2022 đạt 83.000 tỷ đồng, năm 2023 là 97.000 tỷ đồng và riêng 5 tháng đầu năm của năm 2024, công tác thu thuế đã đạt 50.000 tỷ đồng. Hiện, ngành Thuế ghi nhận 96 nhà cung cấp nước ngoài (như Facebook, Google, Microsoft, TikTok…) đã đăng ký và nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính về hoạt động thương mại xuyên biên giới với số tiền nộp 15.600 tỷ đồng.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh ngành Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thu thuế đối với giao dịch trên môi trường điện tử để đảm bảo công bằng về thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.
Gần đây, Chính phủ đã ra Công điện số 56/CĐ-TTg (ngày 6/6) chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương phải quyết liệt chỉ đạo tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Công điện nêu rõ yêu cầu đối với Bộ Tài chính nghiên cứu, rà soát cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi trong việc thực hiện kê khai, nộp thuế. Hơn nữa, ngành Tài chính cần tối ưu hóa quy trình thông quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử, song đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả thực hiện nghĩa vụ thuế đồng thời tăng cường triển khai các giải pháp thu-chống thất thu thuế và xử lý nghiêm các vi phạm.
Bên cạnh đó, nội dung Công điện nhấn mạnh Bộ Tài chính cần xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế, áp dụng các công nghệ hiện đại, phương pháp quản lý rủi ro đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Đặc biệt là từng bước kiểm soát chặt chẽ hóa đơn đầu vào, nhằm đảm bảo việc kê khai, nộp thuế đúng quy định pháp luật. Công điện chú trọng yêu cầu về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động livestream bán hàng. Trong đó, các trường hợp tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, nhận hoa hồng (từ việc quảng cáo, bán hàng) có dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ phải chuyển cơ quan chức năng để xử lý theo đúng quy định.
Thanh tra mạnh, xử lý nghiêm
Cơ quan Thuế cho biết hiện nay, toàn ngành quản lý khoảng 124.000 người nộp thuế kinh doanh thương mại điện tử. Tuy nhiên, công tác quản lý thu thuế đối với những cá nhân kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, như livestream bán hàng là rất khó khăn.
Báo cáo từ Nền tảng số liệu về thương mại điện tử-Metric, cho hay trong quý 1/2024, doanh số của 5 "ông lớn" thương mại điện tử tại Việt Nam (Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop, Sendo) đạt 71.000 tỷ đồng và dự báo doanh số của Top 5 này trong quý 2 sẽ đạt mức 84.870 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Metric cũng lưu ý trong năm 2023, thị trường chứng kiến hơn 105.000 nhà bán hàng trên các sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo) rời khỏi thị trường do tính cạnh tranh khắc nghiệt. Song, “cuộc chơi”-livestream đã nổi lên với sự xuất hiện của trên 95.000 nhà bán mới trên sàn TikTok.
Đồng tình với quan điểm này, Nền tảng AccessTrade cũng đưa ra dự báo năm 2024, bình quân mỗi tháng sẽ có khoảng 2,5 triệu phiên bán hàng livestream tại Việt Nam với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán hàng.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, cho biết những người bán hàng trực tiếp trên nền tảng trực tuyến sẽ thực hiện nộp thuế trực tiếp thông qua các sàn thương mại điện tử. Song, các hoạt động bán hàng qua livestream có doanh thu rất lớn đặt ra “bài toán” cho Cơ quan Thuế phải quản lý thu như thế nào cho hiệu quả.
Theo bà Cúc, các cá nhân bán hàng livestream trực tiếp cần phải nộp thuế với một số hình thức khác nhau như: Cá nhân không đăng ký kinh doanh hộ và bán hàng hưởng hoa hồng cho nhãn hàng sẽ nộp thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần (được giảm trừ gia cảnh); những người đăng ký hộ kinh doanh thì sẽ nộp thuế trên doanh thu.
Về giải pháp trong thời gian tới, ông Đỗ Xuân Tám, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Thái Nguyên chia sẻ ngành Thuế đã sửa đổi chính sách theo hướng là quy định các sàn thương mại điện tử thực hiện kê khai, nộp thay cho các cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, nền tảng số. Đồng thời, chính sách quy định các cá nhân kinh doanh thực hiện nộp thuế theo phương pháp kê khai và phải xuất hóa đơn điện tử khi bán hàng.
Trên cơ sở đó, ngành Thuế phối hợp thường xuyên cùng với các ngành khác (như Cơ quan Quản lý thị trường, các Sở Công Thương, Cơ quan Công an) và kiên quyết xử lý triệt để những trường hợp không kê khai nộp thuế, trong đó các trường hợp có số thuế lớn sẽ chuyển hồ sơ sang Cơ quan Công an để khởi tố.
Ngoài ra, ông Tám cho hay Bộ Tài chính sẽ tăng cường chống thất thu thuế và tạo môi trường kinh doanh công bằng trên thị trường số thông qua thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động thương mại điện tử đồng thời quyết liệt, thường xuyên với các chế tài nghiêm khắc./.