Mặc dù do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Năm nhích 0,16% so với tháng Tư và tăng 1,43% so với tháng 12/2020. Theo đó, CPI chỉ tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, bình quân năm tháng, CPI cả nước đã tăng 1,29% so với cùng kỳ và đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản năm tháng có mức nhẹ tăng 0,82%.
Theo phân tích từ Tổng cục Thống kê, việc giá nguyên-nhiên-vật liệu đầu vào lên đã ảnh hưởng đến chi phí sản xuất làm cho giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng. Bên cạnh đó, giá xăng dầu trong nước cũng nhích theo giá thế giới đồng thời giá điện, nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm tăng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng.
So với tháng trước, trên thị trường có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ giá tăng và 3 nhóm hàng giá giảm. Cụ thể, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 0,76% (làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào ngày 27/4 và 12/5 làm chỉ số giá xăng tăng 2,12%, dầu diezen tăng 2,8%.
Bên cạnh đó, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng có mức tăng 0,4% (làm CPI chung tăng 0,08 điểm phần trăm) do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 2,93% tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu. Thêm vào đó, chỉ số giá điện, nước sinh hoạt lần lượt tăng 2,54% và 1,27% do nhu cầu tiêu dùng tăng và giá dầu hỏa tăng 5,07%.
Ngoài ra, nhóm đồ uống và thuốc lá và nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình cùng tăng 0,09% chủ yếu do thời tiết nắng nóng khi vào hè làm nhu cầu giải khát và tiêu dùng các mặt hàng như tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, quạt điện tăng.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,04% cũng tác động làm CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm. Trong khi mặt hàng lương thực giảm 0,09%, thực phẩm giảm 0,05% thì nhóm hàng ăn uống ngoài gia đình vẫn tăng 0,31% (chủ yếu do trong tháng có kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5).
Số liệu thống kê cũng cho thấy nhóm giáo dục tăng 0,03%, trong đó giá văn phòng phẩm tăng 0,25%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01% chủ yếu do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp lan rộng tại nhiều địa phương, người dân tăng mua các loại thuốc tăng cường hệ miễn dịch làm giá các loại thuốc tăng 0,03%, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác cũng tăng 0,06%.
Với các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá điều chỉnh. Cụ thể nhóm văn hóa, giải trí và du lịch chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 giảm 0,23%, khi giá dịch vụ du lịch trọn gói giảm 0,7%. Bên cạnh đó, giá nhóm cây, hoa cảnh giảm 2,05% nhờ vào thời tiết thuận lợi và đang rộ vào mùa. Ngoài ra, nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,15% chủ yếu do các doanh nghiệp đẩy mạnh chương trình khuyến mại giảm giá đối với các sản phẩm điện thoại mẫu mã cũ. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,01%.
Về giá vàng, xu hướng trong nước cùng chiều với thế giới. Cụ thể, bình quân giá vàng thế giới đến ngày 25/5 tăng 4,38% so với tháng Tư. Các đồng tiền kỹ thuật số sụt giá mạnh, dòng tiền có xu hướng đổ vào thị trường vàng. Do đó, chỉ số giá vàng tháng Năm trong nước đã tăng 1,68% so với tháng trước song giảm 0,88% so với tháng 12/2020 và tăng 13,02% so với cùng kỳ năm trước.
Mặt khác, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu, vì vậy chỉ số giá USD chỉ giảm 0,21% so với tháng Tư, xuống 0,02% so với tháng 12/2020 và lùi 1,15% so với cùng kỳ năm trước.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Công văn số 3025/VPCP-KTTH ngày 8/5/2021 về công tác điều hành giá năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Tài chính có công văn đề nghị Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn.
Cụ thể, các địa phương thực hiện theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường trên địa bàn, qua đó kịp thời có biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật, nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu của người dân, hàng hóa thiết yếu là đầu vào cho sản xuất trên địa bàn như vật tư y tế phòng dịch, các sản phẩm nông nghiệp tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19....
Địa phương phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong công tác lưu thông phân phối hàng hóa để tránh hiện tượng sốt giá cục bộ do khan hiếm hàng hóa hoặc sụt giảm giá bất lợi đối với hàng nông sản do bị ùn tắc trong lưu thông, phân phối; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc báo cáo kịp thời Ban Chỉ đạo điều hành giá (qua Bộ Tài chính) để có chỉ đạo.
Ngoài ra, các địa phương cũng tăng cường công tác quản lý kê khai giá, niêm yết giá, nhất là đối với vật tư y tế phòng chống dịch, hàng hóa thiết yếu trên địa bàn. Các cấp quản lý kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách Nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công...
Các cơ quan chức năng cần triển khai công tác kiểm tra chuyên ngành, chuyên đề về giá, giám sát giá cả thị trường, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về giá. Từ đó, các đơn vị chủ động tính toán, xây dựng phương án giá đối với các mặt hàng do Nhà nước định giá thuộc thầm quyền quy định giá của địa phương trong đó đánh giá kỹ liều lượng, mức độ điều chỉnh cho phù hợp từng giai đoạn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Thông báo của Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời về tình hình thị trường giá cả; công khai, minh bạch thông tin về giá, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá để hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát, tránh các tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả thị trường, đời sống người dân.
Bộ cũng lưu ý các đơn vị chức năng tiếp tục tăng cường công tác tổng hợp, phân tích, dự báo thị trường giá cả, thực hiện chế độ báo cáo kịp thời theo quy định.
“Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện, trong quá trình thực hiện có vướng mắc báo cáo về Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá xem xét chỉ đạo thực hiện,” công văn nêu rõ./.