Tăng cường biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại nơi làm việc

Công đoàn tích cực phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp thường xuyên tự đánh giá, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, chủ động tập huấn, xây dựng kịch bản ứng phó.
Tăng cường biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại nơi làm việc ảnh 1Vệ sinh phòng chống COVID-19. (Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN)

Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng, đã bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là tại các quốc gia trong khu vực châu Á, gần và có chung đường biên giới với Việt Nam như Campuchia, Lào, Thái Lan, Ấn Độ.

Trong nước, nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại luôn thường trực, nhất là từ nguồn nhập cảnh trái phép; đã có tình trạng lơ là, chủ quan, thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; xuất hiện hiện tượng ngại tiêm vắc xin phòng bệnh.

Để duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thực hiện thành công mục tiêu kép, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có công văn yêu cầu công đoàn các cấp triển khai thực hiện ngay một số biện pháp phòng, chống COVID-19. Theo đó, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh nhất là trong các ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 cũng như chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa XV, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu công đoàn các cấp kịp thời điều chỉnh quy mô, hình thức tổ chức các hoạt động Tháng Công nhân-Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2021 để quan tâm, chăm lo cho người lao động phù hợp với tình hình thực tế.

Đặc biệt, các cấp công đoàn coi một trong những nội dung quan trọng của Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động là phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại nơi làm việc, cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và nơi tập trung đông công nhân lao động.

Công đoàn các cấp có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương, người sử dụng lao động tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại nơi làm việc; thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế, nhất là đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, nơi làm việc, tại các sự kiện có tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng.

[Phát động cuộc thi phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc]

Công đoàn phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở lao động, doanh nghiệp thường xuyên tự đánh giá việc thực hiện yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch theo Quyết định 2194/QĐ-BCĐQG; chủ động xây dựng các phương án, kịch bản phòng, chống dịch tại cơ quan, doanh nghiệp; tổ chức đào tạo, tập huấn, diễn tập và cập nhật kết quả tự đánh giá trên hệ thống bản đồ chống dịch.

Trong thời gian này, các cấp công đoàn hạn chế tổ chức các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết; trường hợp tổ chức, phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch theo đúng quy định.

Công đoàn các địa phương nơi có đường biên giới, đặc biệt là biên giới Tây Nam phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, tăng cường kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh trên các tuyến biên giới; vận động đoàn viên, người lao động cùng tham gia phát hiện, chủ động khai báo với cơ quan chức năng khi phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép, kiến nghị xử lý nghiêm theo pháp luật./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục