Ngày 27/5, Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) chính thức khởi động Chiến lược Nghiên cứu toàn cầu mới nhằm tăng cường an ninh lương thực và hiệu quả sinh thái tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Bộ, Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho hay, cơn lốc đô thị hóa, sức ép từ gia tăng dân số và sự tăng nhanh về giá trị tài sản của người tiêu dùng đang gây áp lực lên tài nguyên nông nghiệp trên toàn khu vực.
Bởi vậy, hoạt động nông nghiệp cần được cải thiện để giải quyết nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng cũng như hạn chế sử dụng tài nguyên, giảm thiểu những tác động xấu lên môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Ông Bộ, với kinh nghiệm làm việc cùng CIAT từ năm 1999, nhận định: "Sứ mệnh xóa đói giảm nghèo, cải thiện dinh dưỡng cho con người ở các vùng nhiệt đới thông qua nghiên cứu nhằm tăng hiệu quả sinh thái nông nghiệp của CIAT rất phù hợp với tình hình ở Việt Nam và khu vực."
Chiến lược mới của CIAT chỉ ra tầm quan trọng của cây sắn, các loại thức ăn chăn nuôi và việc quản lý đất bền vững để đạt mục tiêu hiệu quả sinh thái ở châu Á. Sắn là cây lương thực quan trọng đứng thứ 3 trong vùng nhiệt đới chỉ sau lúa và ngô. Nhiều giống sắn của CIAT đã được các cơ quan nghiên cứu trong khu vực chọn tạo và ngày nay đã được trồng trên hơn 50% diện tích trồng sắn ở khắp khu vực.
Ngoài sắn, nâng cao hiệu quả sản xuất cỏ làm thức ăn chăn nuôi cũng là một trọng tâm khác trong chiến lược của CIAT ở khu vực nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào thức ăn chăn nuôi nhập khẩu.
Hơn nữa, quản lý canh tác phù hợp các loại cỏ nhiệt đới có thể làm ổn định và cải thiện những vùng đất bị thoái hóa, tăng cường khả năng của hệ sinh thái, đẩy mạnh sản xuất sữa và thịt, và hạn chế các tác động của biến đổi khí hậu như khả năng cố định khí nitơ của các cây họ đậu.
Tiến sĩ Ruben Echeverria, Tổng giám đốc của CIAT cho hay, việc khởi động Chiến lược Nghiên cứu Toàn cầu mới của CIAT là dịp thể hiện những cam kết và sự hợp tác nghiên cứu mới với các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu Việt Nam. Đây cũng là dấu hiệu tăng cường quan hệ đối tác nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong khu vực.
“Nâng cao hiệu quả sinh thái trong ngành nông nghiệp có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo cung cấp cho người dân tại khu vực nông thôn và thành thị thực phẩm có chất lượng cao, giàu dinh dưỡng cho chế độ ăn cân bằng, đầy đủ năng lượng mà vẫn có thể bảo vệ môi trường và duy trì tăng trưởng kinh tế,” ông Ruben Echeverria nhấn mạnh./.
Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (International Center for Tropical Agriculture-CIAT) hoạt động trong lĩnh vực phát triển công nghệ, thiết bị và cung cấp tri thức để nông dân có thể đạt hiệu quả sinh thái nông nghiệp. Với trụ sở ở Cali, Colombia, CIAT tiến hành nghiên cứu để phát triển ở các vùng nhiệt đới như Mỹ La tinh, châu Phi, châu Á.
Ngân hàng gen của CIAT hiện đang lưu giữ bộ gen lớn nhất của loài đậu (gần 36.000 mẫu), sắn (gần 7.000 mẫu) và cả các loại cỏ nhiệt đới dùng làm thức ăn chăn nuôi (hơn 23.000 mẫu). Nguồn gen khổng lồ này đóng vai trò thiết yếu trong việc tạo ra các giống cây mới có khả năng chống chịu các tác động ngày càng tăng của môi trường, đặc biệt là sự biến đổi khí hậu.