Tăng cung ứng, không để thiếu hàng thiết yếu cho các tỉnh phía Nam

Theo báo cáo, hàng thực phẩm trong siêu thị dồi dào nhưng người dân vẫn khó khăn để vào mua hàng do các siêu thị hạn chế người vào cùng lúc do phải áp dụng quy tắc chống dịch 5K.
Thực phẩm tươi sống bày bán tại một siêu thị ở quận Ninh Kiều, Cần Thơ, ảnh chụp chiều 11/7. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Theo báo cáo của lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngày 12/7, tình hình cung ứng hàng hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục được cải thiện, hàng thực phẩm trong siêu thị dồi dào nhưng người dân vẫn khó khăn để vào mua hàng do các siêu thị hạn chế người vào cùng lúc do phải áp dụng quy tắc chống dịch 5K.

Nhiều siêu thị phát phiếu hẹn giờ để khách đến mua hàng, tránh tình trạng xếp hàng đông người.

Tại chợ truyền thống, các quầy bán thực phẩm tươi sống vẫn hoạt động nhưng phục vụ được ít người dân do áp dụng quy tắc 5K.

Các mặt hàng thực phẩm chế biến khác nguồn cung đầy đủ, giá ổn định so với ngày hôm qua.

Hiện không còn tình trạng bán rau, củ, quả bên lề đường như ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội.

[Cần Thơ: Thực phẩm tăng giá mạnh sau thông tin dừng chợ truyền thống]

Trong khi đó, tại thành phố Cần Thơ, sau khi có thông báo thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg tại quận Ninh Kiều và Cái Răng, đã có hiện tượng người dân đổ xô đến các siêu thị, cửa hàng thực phẩm tươi sống mua vét hết các loại thịt, cá, trứng.

Do cùng lúc người dân đến mua tăng đột biến, nhân viên siêu thị không kịp phân chia thịt lợn đưa lên kệ hàng khiến xảy ra hết hàng trên kệ.

Đến sáng 12/7, lượng rau, củ, quả thịt lợn trong siêu thị được cung ứng đầy đủ, người đến mua hàng giảm.

Theo báo cáo các siêu thị, lượng thịt, cá, củ, quả dự trữ, cung ứng tăng 200-300% nên không thiếu hàng.

Tại tỉnh Bình Dương, tình hình cung ứng hàng hóa, thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả, trứng, thịt, cá, .. các loại thực phẩm thiết yếu khác tại chợ truyền thống ngày 12/7 giá cả vẫn cao so với ngày 1/7 từ 50-200%. Nguyện nhân do trên địa bàn một số chợ bị phong tỏa toàn bộ hoặc một phần và một số chợ tự phát, các cơ sở bán lẻ ngưng hoạt động.

Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) lượng khách đến mua sắm vẫn tăng cao vào ngày 11/7 và sáng 12/7 do các chợ truyền thống bị phong tỏa, đóng cửa.

Chẳng hạn, tại siêu thị Big C, Coop mart Biên Hòa Tân Hiệp, Vinmart, Lotte, Bách Hóa xanh, Vinmart theo ghi nhận của Đoàn công tác Đội Quản lý thị trường số 1, nhiều mặt hàng như: các loại thực phẩm tươi sống, rau xanh, mỳ tôm, trứng gia cầm… là mặt hàng chủ yếu khách hàng chọn mua.

Mặc dù các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích đã tăng cường nguồn hàng đưa hàng về, nhất là mặt hàng rau xanh; trong đó, Mega market tăng 300% nhưng vẫn không đủ cung ứng trong ngày, trong khi các loại thịt, trứng, cá… vẫn còn nhưng số lượng không nhiều.

Tại các tỉnh, do tâm lý lo sợ dịch bệnh người dân mua hàng thực phẩm rất nhiều, các nhà bán lẻ, siêu thị đều tăng hàng cung ứng, dự trữ nên đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, giá ổn định.

Ngoài ra, các chợ truyền thống lượng mua cũng tăng nhưng hàng hoá dồi dào; giá trứng tăng, các loại thịt, rau củ, quả tăng nhẹ.

Về tình hình kiểm tra, chống đầu cơ, găm hàng, các Đội Quản lý thị trường (Cục Quản lý thị trường Đồng Nai) đã phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương tổ chức ký cam kết thực hiện niêm yết giá hàng hóa và bán đúng giá niêm yết, không đầu cơ, găm hàng tăng giá; không lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý.

Cục Quản lý thị trường thành phố Cần Thơ phối hợp với Thanh tra Sở Công Thương, Phòng PC03 Công an thành phố Cần Thơ ra quân kiểm tra việc chấp hành các quy định về, chống đầu cơ tăng giá quá mức đối với thực phẩm tại các chợ, trung tâm thương mại. Đồng thời, cử 3 công chức hỗ trợ địa phương trực chốt kiểm dịch mỗi ngày tại Bến xe khách Cần Thơ.

Cùng với đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cử cán bộ phối hợp cùng Ban Quản lý các chợ trên địa bàn giám sát giá cả, nguồn gốc hàng hóa; phối hợp với các phòng kinh tế giám sát và tuyên truyền đối với các cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu.

Đội Quản lý thị trường số 4, tỉnh Phú Yên tham gia Phòng Kinh tế-hạ tầng huyện Đồng Xuân tổ chức tuyên truyền, ký cam kết 7 cơ sở trong việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch.

Trong khi đó, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã cử kiểm soát viên tham gia 12 chốt kiểm soát người ra, vào thành phố từ ngày 9/7 đến nay.

Còn Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Phước được tỉnh giao chủ trì việc kiểm tra thị trường, chống đầu cơ, tăng giá bất hợp lý nên đã chủ trì với các ngành kiểm tra thị trường trên địa bàn; tỉnh Bình Dương, Long An, An Giang...cũng đều cử kiểm soát viên tham gia trạm kiểm soát dịch bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục