Tăng cơ hội sử dụng các loại thuốc kháng virus HIV mới ở Việt Nam

Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho hay hiện nay là thời cơ chín muồi để người có HIV ở Việt Nam có thêm cơ hội lựa chọn loại thuốc mới với nhiều sự tiện lợi hơn.
Nhân viên y tế tư vấn về công tác phòng chống HIV/AIDS tại Hà Nội. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Việt Nam đang đẩy mạnh vận động chính sách, lấy ý kiến đóng góp về kết quả nghiên cứu từ các bên liên quan, thảo luận định hướng và đưa ra các khuyến nghị sử dụng thuốc kháng virus mới có tác dụng kéo dài điều trị và dự phòng HIV.

Phó giáo sư Phan Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã nhấn mạnh như vậy tại hội thảo báo cáo kết quả của nghiên cứu “Tính khả thi và chấp nhận thuốc kháng virut tác dụng kéo dài trong điều trị và dự phòng HIV tại Việt Nam,” do Cục Phòng, chống HIV/AIDS (VAAC) phối hợp với CDC Hoa Kỳ và Tổ chức Hợp tác Phát triển Y tế Việt Nam (HAIVN) tổ chức ngày 6/6 tại Hà Nội.

Thời cơ chín muồi

Thông tin đưa ra tại hội thảo cho thấy trong dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), 2 loại thuốc mới đã có trên thế giới bao gồm thuốc cabotegravir dạng tiêm tác dụng kéo dài (CAB-LA) và vòng đặt âm đạo có chứa dapivirine (DPV-VR). Với điều trị HIV, thuốc tiêm tác dụng kéo dài có chứa cabotegravir kết hợp rilpivirine (CAB/RPV) đã có mặt ở một số quốc gia như một phương pháp điều trị thay thế cho thuốc uống kháng HIV (ARV).

Rất nhiều thử nghiệm lâm sàng lớn trên thế giới đã chứng minh được hiệu quả của những loại thuốc này. CAB-LA và DPV-VR được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị sử dụng cho điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) với chiến lược lấy con người làm trung tâm.

[Qũy Toàn cầu: Việt Nam cần lồng ghép nhiều dịch vụ phòng chống HIV]

Phó giáo sư Phan Thị Thu Hương cho hay hiện nay là thời cơ chín muồi để người có HIV ở Việt Nam có thêm cơ hội lựa chọn loại thuốc mới với nhiều sự tiện lợi hơn. Thuốc ARV tiêm tác dụng kéo dài là một phác đồ ARV điều trị HIV được dùng mỗi tháng một lần hoặc hai tháng một lần thay cho việc thuốc uống hàng ngày.

Phó giáo sư Phan Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

“Đây là phác đồ điều trị rất tiện lợi cho các bệnh nhân, bởi trước đây các nhân viên y tế luôn phải lo lắng để làm sao các bệnh nhân nhớ uống thuốc hàng ngày. Vì vậy, thuốc mới dùng dùng mỗi tháng một lần hoặc hai tháng một lần có thể giúp cải thiện tuân thủ điều trị đối với một số bệnh nhân và có thể cải thiện chất lượng sống cho những người mệt mỏi vì uống thuốc mỗi ngày. Ngoài ra, bệnh nhân điều trị ARV qua đường tiêm có thể bớt lo sợ về việc vô tình tiết lộ tình trạng nhiễm HIV của mình và do đó phải đối mặt với sự kỳ thị của xã hội,” Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS phân tích.

Theo Phó giáo sư Hương, các thuốc kháng virus tác dụng kéo dài là những sáng kiến mới nhất trong điều trị và dự phòng HIV sẽ là một cơ hội để cho 200.000 bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc ARV tại Việt Nam nghiên cứu, tìm hiểu về một lựa chọn mới điều trị song hành.

Chính vì vậy, dựa trên những nghiên cứu ban đầu và căn cứ vào thực tiễn, các tổ chức quốc tế đang vận động để giúp Việt Nam có thể sửa Hướng dẫn quốc gia về điều trị và chăm sóc HIV/AIDS để đưa các thuốc mới này vào danh mục thuốc điều trị từ nguồn của bảo hiểm y tế để giảm giá thành thuốc cho người sử dụng.

Cách tiếp cận bổ sung giúp kiểm soát dịch HIV

Ông Minesh Shah - Cố vấn trưởng về y tế, Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá những năm qua, quan hệ hợp tác giữa CDC Hoa Kỳ với Cục Phòng, chống HIV/AIDS, các đối tác thực hiện, đại diện các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các cơ sở y tế và các tổ chức cộng đồng trong việc cung cấp các chương trình điều trị và dự phòng HIV chất lượng cao khá chặt chẽ.

Ông Minesh Shah - Cố vấn trưởng về y tế, Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Các đối tác nỗ lực giúp Việt Nam kiểm soát dịch HIV thông qua việc mở rộng các dịch vụ HIV cho các nhóm đích có nguy cơ, vận động cho các sáng kiến mới trong dự phòng và điều trị HIV cũng như các chiến lược mới nhằm tăng cường tính công bằng trong y tế.

“Việt Nam gần đây đã cập nhật Hướng dẫn Quốc gia về điều trị và chăm sóc HIV/AIDS trong đó bao gồm các cách tiếp cận dựa trên bằng chứng mới nhất, phù hợp với định hướng của WHO, CDC Hoa Kỳ và các tổ chức khoa học khác. Quy trình chỉnh sửa hướng dẫn hiện tại giúp mang đến cơ hội mở rộng các lựa chọn trong dự phòng và điều trị HIV trong đó bao gồm các thuốc tiêm kháng virus HIV (ARV) tác dụng kéo dài. Điều này cho thấy Việt Nam đạt được thành công lớn với thuốc ARV đường uống đã được chứng minh là dung nạp tốt, an toàn và hiệu quả cao trong việc giúp Việt Nam đạt được tỷ lệ cao chưa từng có về ức chế tải lượng virus và sử dụng thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP),” ông Minesh Shah cho hay.

Các thử nghiệm quốc tế có quy mô lớn gần đây đã phát hiện ra là các thuốc ARV dạng tiêm tác dụng kéo dài có thể đạt hiệu quả cao khi sử dụng cho cả dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) và điều trị HIV. Để cập nhật những tiến bộ khoa học này, WHO, CDC Hoa Kỳ, châu Âu và một số quốc gia khác đã đưa một số lựa chọn mới này vào trong các hướng dẫn về HIV gần đây nhất của họ.

Ông Todd Pollack - Giám đốc Y khoa của HAIVN cho hay các thuốc kháng virus tác dụng kéo dài có tác dụng quan trọng giúp người dùng vượt qua những khó khăn khi phải uống thuốc hàng ngày và cải thiện chất lượng cuộc sống. Nghiên cứu thu thập quan điểm, ý kiến của người dùng và nhân viên y tế đối với tính khả thi và chấp nhận thuốc kháng virus tác dụng kéo dài, từ đó giúp mọi người hiểu được vai trò của thuốc mới trong dự phòng và điều trị HIV tại Việt Nam.

Nhận thấy nhu cầu cần có dữ liệu trong nước để hiểu rõ hơn về vai trò của các thuốc ARV tác dụng kéo dài tại Việt Nam, HAIVN và Cục Phòng, chống HIV/AIDS cùng CDC Hoa Kỳ đã thực hiện một nghiên cứu về tính khả thi và chấp nhận thuốc mới sẽ được trình bày hôm nay. Nghiên cứu này đặc biệt ở chỗ thu thập ý kiến của người có HIV, nhóm nguy cơ cao âm tính với HIV và nhân viên y tế để hiểu được khả năng chấp nhận cũng như những lợi ích và thách thức tiềm ẩn đối với việc sử dụng thuốc kháng virus tác dụng kéo dài trong điều trị và dự phòng HIV tại Việt Nam.

Ông Todd Pollack - Giám đốc Y khoa của HAIVN. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Nghiên cứu được thực hiện ở 4 tỉnh/thành phố vào năm 2022 bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương. Nghiên cứu đã phỏng vấn 506 người lớn có HIV đang điều trị ARV và 495 người đại diện các nhóm nguy cơ cao có HIV âm tính, một nửa trong số họ (222 người) hiện đang sử dụng PrEP để dự phòng HIV.

Kết quả chính của nghiên cứu cho thấy 96% người có HIV chắc chắn hoặc có thể sẽ sử dụng thuốc ARV tiêm tác dụng kéo dài nếu thuốc sẵn có và 85% ưu tiên thuốc tiêm hơn thuốc ARV uống nếu được lựa chọn; 92% nhóm MSM và người chuyển giới nữ chắc chắn hoặc có thể sẽ dùng thuốc PrEP tiêm tác dụng kéo dài nếu thuốc sẵn có và 81% ưu tiên thuốc tiêm hơn thuốc PrEP uống nếu được lựa chọn…

Phác đồ ART tiêm tác dụng kéo dài đầu tiên gần đây đã được phê duyệt sử dụng ở một số quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ vào năm 2021 nhưng hiện chưa được phê duyệt để sử dụng hoặc sẵn có tại Việt Nam.

Vì vậy, ông Todd Pollack cho rằng các kết quả của nghiên cứu sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc thiết kế các chính sách và các lựa chọn cung cấp dịch vụ các thuốc ARV tác dụng kéo dài hiệu quả như một cách tiếp cận bổ sung giúp kiểm soát dịch HIV./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục