Tân Tổng Thư ký ASEAN nêu bật 6 ưu tiên trong thời gian tới

Tân Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn cho rằng hiệp hội cần tiếp tục ưu tiên cho việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực, cho đây là điều “có ý nghĩa sống còn” đối với ASEAN.
Tân Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn (trái) và ông Lim Jock Hoi tại cuộc gặp bên lề AMM-55 hồi tháng 8/2022. (Nguồn: Twitter)

Ngày 9/1, ông Kao Kim Hourn đã chính thức nhậm chức Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sau khi được bổ nhiệm tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40 tại Phnom Penh (Campuchia) vào tháng 11 năm ngoái.

Trong phát biểu nhậm chức Tổng Thư ký ASEAN, Tiến sỹ Kao Kim Hourn, người Campuchia, đã nhấn mạnh 6 ưu tiên chính trong thời gian tới.

Trước hết, tân Tổng Thư ký ASEAN cho rằng hiệp hội cần tiếp tục ưu tiên cho việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực, cho đây là điều “có ý nghĩa sống còn” đối với ASEAN.

Tiếp đó, ông cho rằng ASEAN cần tập trung xây dựng dựa trên sự thịnh vượng - điều mà ASEAN cũng như các nước thành viên đã đạt được cho đến nay và luôn cho thấy ý nghĩa quan trọng.

Ba là, ASEAN cần tập trung vào các nỗ lực bảo vệ Hành tinh Xanh, đặc biệt là các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và nền kinh tế xanh - điều vốn đã đạt được những động lực lớn trong những năm gần đây.

Bốn là, trao quyền cho người dân - đặc biệt là giới trẻ, thông qua việc tăng cường hơn nữa xây dựng Cộng đồng ASEAN, hội nhập ASEAN và giao lưu nhân dân.

Năm là, tăng cường các mối quan hệ đối tác trong ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài vẫn là yêu cầu cấp thiết đối với hiệp hội.

Cuối cùng, ông Kao Kim Hourn khẳng định rằng việc biến các lĩnh vực tiềm năng thành các lợi ích và lợi thế thực sự cũng có ý nghĩa quan trọng đối với ASEAN.

[Trách nhiệm khẳng định tầm vóc mới của ASEAN trong năm 2023]

Trước đó, trong bài phát biểu từ nhiệm, cựu Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi đã nêu bật những thành tựu của ASEAN đạt được trong 5 năm qua, trong đó có việc ký kết và thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), các nỗ lực phục hồi hậu đại dịch với các sáng kiến nhằm cải thiện hệ thống y tế và phát triển nguồn nhân lực của khu vực.

Theo người đứng đầu Ban Thư ký ASEAN nhiệm kỳ 2018-2022, ASEAN đã đầu tư vào giới trẻ và các nhà lãnh đạo tương lai, cũng như tăng cường chuyển đổi kỹ thuật số trong khu vực thông qua việc triển khai Lộ trình Bandar Seri Begawan và Chiến lược hợp nhất cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để giúp ASEAN sẵn sàng cho tương lai.

Ngoài ra, ASEAN cũng đã thực hiện một số biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa năng lực và sự sẵn sàng của khu vực trong việc ứng phó với các thảm họa và tình huống khẩn cấp trong tương lai, theo đuổi phát triển bền vững, chuyển đổi công nghệ xanh và năng lượng được phản ánh trong việc thông qua Khung Kinh tế Tuần hoàn cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục