Tân Thủ tướng Séc Andrej Babis đã cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) rằng việc EU buộc các nước thành viên chấp thuận hạn ngạch nhập cư sẽ dẫn đến sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy và sức ép về nhập cư sẽ khiến người dân châu Âu lo sợ, bức xúc, tạo điều kiện để các đảng phái có tư tưởng cực đoan trỗi dậy.
Thủ tướng Babis cho rằng việc Brussels áp đặt hạn ngạch nhập cư với Cộng hòa Séc sẽ chỉ khiến các phe phái có tư tưởng cực đoan ở nước này trỗi dậy. Theo ông, EU cần tiến hành đàm phán về vấn đề người di cư và đưa ra các biện pháp khác nhau như bảo vệ biên giới hay hỗ trợ các nước khác vì Séc không muốn nhận thêm bất kỳ người tị nạn nào.
Ông Babis cảnh báo EU cần phải lưu ý tới đề xuất của Séc, nếu không ảnh hưởng của các phe phái cực đoan có mục tiêu phá hoại EU, như đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) của Đức hoặc phong trào Tự do và Dân chủ trực tiếp (SPD) của Séc, sẽ nhanh chóng lớn mạnh.
Trước đó, hôm 7/12 vừa qua, Ủy ban châu Âu đã tuyên bố kiện Hungary, Ba Lan và Séc ra Tòa án Công lý châu Âu vì các nước này không tuân thủ nghĩa vụ pháp lý đối với việc phân bổ hạn ngạch người di cư. Hungary và Ba Lan không tiếp nhận một người tị nạn nào trong hai năm qua. Cộng hòa Séc cũng không tiếp nhận thêm người tị nạn nào kể từ tháng 8/2016.
[EU đưa 3 nước thành viên ra tòa về hạn ngạch người tị nạn]
Năm 2015, làn sóng người tị nạn do chiến sự tại Syria, xung đột và nghèo đói tại Trung Đông cùng nhiều nước châu Phi đã làm bùng phát cuộc khủng hoảng người di cư lớn nhất tại châu Âu kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai với hơn 1 triệu người xin tị nạn. Kể từ đó đến nay, Hy Lạp và Italy là hai cửa ngõ tiếp nhận người di cư vượt biển nhằm tìm kiếm một tương lai an toàn và tốt đẹp hơn tại các nước Trung và Bắc Âu.
Sau khi các đường biên giới dọc hành lang các nước Balkan bị đóng cửa vào mùa Đông năm 2016, hơn 60.000 người di cư, tị nạn đã bị mắc kẹt tại Hy Lạp. Các nước đối tác EU đã cam kết giảm gánh nặng cho Hy Lạp và Italy, nhưng mục tiêu của chương trình tái phân bổ người di cư vẫn chưa được hoàn thành do vấp phải một loạt trở ngại, trong đó có sự phản đối của một số nước Đông Âu. Đến tháng Bảy vừa qua, chỉ có 24.000 trên tổng số 160.000 người tị nạn trong chương trình tái phân bổ người di cư của EU được chuyển từ Hy Lạp và Italy sang các nước thành viên khác./.