Tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và trọng trách đặc biệt

Ông Fumio Kishida từng nhấn mạnh “kỹ năng của tôi là lắng nghe người dân,” cam kết nỗ lực vì “một tương lai tươi sáng cho Nhật Bản.”
Tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và trọng trách đặc biệt ảnh 1Tân Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền Nhật Bản Fumio Kishida (giữa) được Quốc hội bầu làm Thủ tướng mới, tại Tokyo, ngày 4/10/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Reuters/AFP/asia.nikkei.com đưa tin Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Nhật Bản đã bầu cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida làm nhà lãnh đạo mới của đảng cầm quyền vào ngày 29/9 và chính thức trở thành tân Thủ tướng Nhật Bản vào ngày 4/10 vừa qua.

Dù chỉ nhận được sự ủng hộ ở mức tương đối và không quá nổi bật, nhưng ông Kishida có được sự hậu thuẫn của một số nhân vật có ảnh hưởng trong LDP, từ đó kiềm chế động lực của “ngôi sao đang lên” Taro Kono, một chính trị gia nổi tiếng thẳng thắn và hiện là bộ trưởng phụ trách việc triển khai vaccine ngừa COVID-19.

Đại diện cho sự tiếp nối

Không rõ hồ sơ không mấy nổi bật của ông Kishida có thể gây rắc rối cho LDP trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào ngày 28/11 hay không.

Trong cuộc họp báo đầu tiên, chính trị gia này đã nhấn mạnh sự tập trung vào các vấn đề dân túy - như sự cần thiết phải thúc đẩy chủ nghĩa tư bản kiểu mới và thu hẹp bất bình đẳng trong sở hữu của cải.

[Nhật Bản: Tỷ lệ ủng hộ nội các của tân Thủ tướng lên tới 55%]

Ông nói: “Chúng ta không thể đạt được tăng trưởng mạnh mẽ nếu sự giàu có tập trung vào một nhóm nhỏ người,” đồng thời nhắc đến sự cần thiết của việc tạo dựng một "chu kỳ đạo đức" về tăng trưởng và phân phối của cải.

Tân lãnh đạo LDP nói thêm: "Chúng tôi sẽ nỗ lực đạt được tăng trưởng kinh tế và phân chia của cải, đồng thời hứa hẹn những hỗ trợ về nhà ở và giáo dục để giải quyết chênh lệch thu nhập. Ông cũng đã đề xuất một gói chi tiêu hơn 30 nghìn tỷ yên (270 tỷ USD) và cho biết các biện pháp kích thích phải được triển khai trước cuối năm nay."

Là cựu cố vấn chính sách của LDP, ông Kishida tìm cách tận dụng sự bất bình của dư luận về cách Thủ tướng Suga phản ứng trước dịch bệnh, điều khiến tỷ lệ ủng hộ đối với chính phủ sụt giảm mạnh chưa từng có.

Ông Kishida trao đổi với báo giới: “Chúng ta cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 bằng mọi cách. Tôi cần tạo dựng một môi trường nơi chúng ta có thể cùng nhau thảo luận về cuộc khủng hoảng.”

Về chính sách đối ngoại, ông cam kết “bảo vệ các giá trị căn bản định hướng dân chủ” và “thể hiện sự hiện diện bằng cách đóng góp cho các thách thức toàn cầu, với trọng tâm là các vấn đề môi trường."

Cá tính không quá nổi bật của ông Kishida được cho là bắt nguồn từ việc ông khá kín tiếng, và các chính sách của ông phản ánh sự kế thừa hơn là thay đổi. Tuy nhiên, chính điều này đã giúp ông có được sự ủng hộ trong nội bộ đảng, những người e ngại phong cách trực diện và xu hướng cải cách của Kono.

Chuyên gia Jesper Koll, Tập đoàn Monex, cho rằng kết quả ngày 29/9 là “chiến thắng đối với giới lãnh đạo. Ông Kishida đại diện cho sự ổn định, tránh xáo trộn, và quan trọng hơn là ông ấy làm những gì giới chóp bu kỹ trị yêu cầu.”

Brad Glosserman, cố vấn cấp cao Diễn đàn Thái Bình Dương, nói với hãng tin AFP: “Những người nắm quyền trong LDP có nhiều lý do để quyết định rằng Kishida là ván cược chắc ăn hơn cho ổn định, lâu dài, và nhiều thứ khác. Họ đã từng đặt cược như vậy... (Đối với Kishida), không có nhiều kỳ vọng, và điều đó có thể là tốt...  bởi khi kỳ vọng quá nhiều, họ có thể sẽ bị thất vọng.”

Đối thủ của ông Kishida, Kono - một người nói tiếng Anh thông thạo với lượng tài khoản theo dõi khá cao trên Twitter,  nổi tiếng thẳng thắn và cứng rắn - được nhìn nhận như một chính khách độc lập, bởi vậy không được coi là lựa chọn hàng đầu của một số nhà môi giới quyền lực trong  LDP.

Kono tự gạt mình ra khỏi xu hướng chủ đạo của giới lãnh đạo đảng trong nhiều vấn đề xã hội khi ủng hộ luật hôn nhân đồng tính - điều mà ông Kishida bác bỏ.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, ông Kishida khó có khả năng đưa ra các chính sách mang tính bước ngoặt trong bối cảnh Nhật Bản vừa tìm cách đối phó với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán vừa phải nỗ lực hồi sinh một nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Ông cùng chung quan điểm với đồng thuận rộng rãi về sự cần thiết phải thúc đẩy năng lực phòng thủ cho Nhật Bản và củng cố quan hệ an ninh với Mỹ cũng như những đối tác khác trong Nhóm Bộ tứ, trong khi vẫn duy trì quan hệ thương mại với Trung Quốc.

CGTN, kênh truyền thông tiếng Anh của truyền hình nhà nước Trung Quốc CGTV, bình luận rằng ông Kishida là “lựa chọn khả thi nhất đối với Bắc Kinh,” và chiến thắng của ông chính là cơ hội để hai nước cải thiện quan hệ.

Tờ Nikkei cho rằng với việc lựa chọn ông Kishida, LDP cho thấy họ không hướng đến thay đổi, mà muốn tập trung vào sự thống nhất trong đảng.

Một bài viết trên asia.nikkei.com có đoạn: “Nhiều nhà lập pháp LDP, lo ngại về cuộc bầu cử Hạ viện sắp tới, đã thở phào nhẹ nhõm khi Thủ tướng Yoshihide Suga tuyên bố không tái tranh cử chức chủ tịch đảng. Sự ra đi của một nhà lãnh đạo không được ủng hộ thực tế lại giúp chính đảng này gia tăng sự hậu thuẫn của dư luận.”

Sự ngạo mạn sai lầm của LDP?

Tuy nhiên, theo Nikkei, nhiều thành viên LDP cũng ủng hộ mạnh mẽ Bộ trưởng phụ trách cải cách hành chính và chiến dịch tiêm chủng Taro Kono.

Dù con số này chỉ chiếm 1% cử tri Nhật Bản, song lá phiếu dành cho một ứng cử viên có xu hướng phi đảng phái rõ ràng phản ánh một cuộc khủng hoảng đối với hiện trạng và nhu cầu đòi hỏi những thay đổi.

Ông Kishida, người chiến thắng Kono trong vòng đối đầu trực diện, cần phải nhận thức được tâm lý này.

Tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và trọng trách đặc biệt ảnh 2Tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (phải) tuyên thệ nhậm chức trước Nhật hoàng Naruhito (trái) tại thủ đô Tokyo ngày 4/10/2021. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Trong chiến dịch tranh cử, không ai trong số 4 ứng cử viên trong cuộc bỏ phiếu lãnh đạo LDP đưa ra một lộ trình rõ ràng để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ 6 ở Nhật Bản.

Hãng Nikkei nhấn mạnh việc thiếu một kế hoạch rõ ràng dường như xuất phát từ sự ngạo mạn, đặc biệt là niềm tin rằng LDP sẽ có kết quả khả quan trong cuộc bầu cử Hạ viện miễn là họ có một gương mặt lãnh đạo mới.

Thay vì “gọt giũa” các chính sách để thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Nhật Bản trên thế giới, đảng cầm quyền lại đặt vị thế của mình lên hàng đầu bằng cách chỉ tập trung vào sự thể hiện trong các cuộc thăm dò.

Đại dịch bộc lộ nhiều điểm yếu trong cách quản trị của Nhật Bản. Các cơ quan hành pháp phản ứng chậm trễ khi thủ tướng yêu cầu cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe kém hiệu quả.

Thực tế chất lượng của các quan chức ngày càng giảm sút trong những năm qua, trong khi chính quyền quốc gia và địa phương đổ lỗi cho nhau khi mọi việc diễn ra không như ý muốn.

Cùng với những chậm trễ khi áp dụng công nghệ kỹ thuật số, hỗn loạn đã nhấn chìm hệ thống chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản khi phải vật lộn với COVID-19.

Quản trị yếu kém trở thành rào cản đối với tất cả các chính sách quốc gia, từ ngoại giao, an ninh đến kinh tế và thương mại. Việc phớt lờ vấn đề này sẽ chỉ khiến Nhật Bản tụt hậu hơn so với phần còn lại của thế giới.

Xuất thân từ một gia đình có truyền thống làm chính trị tại Hiroshima, Kishida đã nhắm tới vị trí thủ tướng từ nhiều năm, và năm ngoái từng trượt mất ghế lãnh đạo LDP trước ông Yoshihide Suga.

Ông Kishida nhấn mạnh “kỹ năng của tôi là lắng nghe người dân,” cam kết nỗ lực vì “một tương lai tươi sáng cho Nhật Bản.”

Lắng nghe dư luận và đảm bảo rằng tất cả các hộ gia đình có thể đảm bảo phúc lợi tối thiểu là yêu cầu cơ bản đối với bất kỳ nhà lãnh đạo quốc gia nào.

Tuy nhiên, câu hỏi lớn hơn là nhà lãnh đạo đó rút ra được điều gì từ những quan sát ấy, và làm thế nào để biến chúng thành các chính sách phù hợp.

Chính quyền thay đổi đem đến một cơ hội để hoàn thành công việc, và đôi khi là một động lực đầy quyết liệt. Nó phản ánh quyết tâm của nhà lãnh đạo mới trong việc giải quyết những thách thức khó khăn.

Tuy nhiên, những người lãnh đạo bằng sự đồng thuận thường cuối cùng sẽ lại lựa chọn giữ nguyên hiện trạng. Nhật Bản không thể để mất thêm thời gian trong việc giải quyết dịch COVID-19 và vô số những trở ngại khác.

Ở vị trí lãnh đạo, trách nhiệm lớn nhất của ông Kishida không phải là đảm bảo sự ổn định trong LDP.

Thay vào đó, ông phải đương đầu với các cuộc khủng hoảng và kiên quyết hướng dẫn những cải cách cần thiết để đạt được kết quả thực tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục