Tân Thủ tướng Ấn Độ trước thách thức giải bài toán kinh tế

Nhiều nhà đầu tư và người dân Ấn Độ ủng hộ và tin tưởng vào khả năng của tân Thủ tướng Modi trong việc dẫn dắt nền kinh tế lớn thứ ba châu Á phục hồi.
Tân Thủ tướng Ấn Độ trước thách thức giải bài toán kinh tế ảnh 1Tân Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi tại lễ tuyên thệ nhậm chức. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sau chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử quy mô lớn nhất thế giới với 800 triệu người tham gia vừa qua, tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên thệ nhậm chức đầu tuần này với nhiều thuận lợi khi nhiều nhà đầu tư và người dân nước này ủng hộ và tin tưởng vào khả năng của ông trong việc dẫn dắt nền kinh tế lớn thứ ba châu Á phục hồi.

Tuy nhiên, thách thức không nhỏ đối với ông Modi là giải thành công bài toán khó về kinh tế để thay đổi bộ mặt kinh tế nước này như đã tuyên bố, trong bối cảnh kinh tế nhịp độ tăng trưởng chỉ còn bằng phân nửa mức của năm 2010, lạm phát và thất nghiệp ở mức cao, môi trường kinh doanh được đánh giá không thuận lợi và nhất là phải đảm bảo năng lượng cho hơn 1,2 tỷ dân.

Thuận lợi và thách thức

Thuận lợi của tân Thủ tướng Ấn Độ là giành được lòng tin của các nhà đầu tư nước này. Triển vọng một chính phủ mới do ông Modi dẫn đầu đã đẩy thị trường chứng khoán Ấn Độ tăng 15% từ đầu năm tới nay và đồng rupee tăng 6% so với đồng USD sau một năm 2013 mất giá tồi tệ.

Tuy nhiên, sau chiến thắng, ông đứng trước công việc bộn bề để chấn hưng nền kinh tế. Đây là công việc không đơn giản, khi mà nhịp độ tăng trưởng của Ấn Độ chỉ là 4,9% trong tài khóa 2013, lạm phát trong tháng Tư là 8,59%, thâm hụt ngân sách ước khoảng 4,6% GDP trong tài khóa 2013, lĩnh vực chế tạo tăng chậm lại, thâm hụt ngân sách phình to và cải cách cơ cấu ì ạch do “không đả thông được” bế tắc về chính trị.

Giới phân tích cho rằng Ấn Độ trước mắt cần đơn giản bộ luật thuế, khuyến khích đầu tư nước ngoài và sắp xếp lại sản xuất nông nghiệp.

Thị trường đặt niềm tin nơi ông Modi, các nhà đầu tư và người dân tin tưởng ông, nhưng thực tế kinh tế là phạm trù khác, đòi hỏi tân Thủ tướng hành động nhanh để giải quyết các vấn đề tồn tại trên và cũng để thực hiện điều ông nói "không có giới hạn đỏ, mà chỉ có thảm đỏ."

Tạo đà để "cỗ máy kinh tế chạy trở lại” là thách thức đầu tiên đặt ra với cho ông Modi. Giới phân tích cho rằng điều ông cần làm ngay là thúc đẩy cải cách, tạo điều kiện và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài quay lại Ấn Độ cũng như tạo công ăn việc làm cho 10-15 triệu thanh niên gia nhập thị trường lao động hàng năm.

Để thu hút đầu tư nước ngoài, ngoài việc giảm lãi suất cho vay, cần đẩy nhanh việc đơn giản hóa các thủ tục kinh doanh. Theo bảng xếp hạng mới nhất của Ngân hàng Thế giới, Ấn Độ đã tụt xuống vị trí thứ 134 trên tổng số 189 quốc gia về tính phức tạp trong các thủ tục kinh doanh, thứ 182 về khó khăn trong xin giấy phép xây dựng, 179 về giấy phép thành lập doanh nghiệp và thứ 186 về thực hiện các hợp đồng.

Song song với đó, ông Modi cần trú trọng phát triển nền công nghiệp lớn mạnh, trong đó lấy ngành chế tạo làm chủ đạo và sử dụng lao động không có tay nghề để qua đó mang lại hàng trăm triệu lao động ở nông thôn.

Thứ nữa là xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết như đường sá, cầu, cảng, trường học, nguồn điện và nước sạch để phục vụ tăng trưởng kinh tế. Tình trạng lãng phí và thất thoát trong quá trình chuyển tải và phân phối điện đã làm GDP của Ấn Độ mất đi 68 tỷ USD. Ước tính, việc cải thiện và nâng cấp hệ thống điện Ấn Độ sẽ giúp nước này tăng 1,1% GDP.

Thách thức lớn đối với ông Modi là giải quyết nạn quan liêu tham nhũng nghiêm trọng ở Ấn Độ. Một khi tháo gỡ được “cái gai” này, tình trạng thâm hụt ngân sách sẽ giảm đi đáng kể.

Bên cạnh đó, giới phân tích nhấn mạnh nguyên tắc tài chính nên được xếp ở vị trí ưu tiên hàng đầu. Tân Chính phủ Ấn Độ cần nhanh chóng thảo luận Dự thảo luật tài chính Ấn Độ và thông qua thành luật. Bởi việc thiếu các nguyên tắc tài chính đang gây tổn thất lớn cho nền kinh tế.

Ấn Độ cũng đang đứng trước sức ép lớn phải đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu để giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại, lên tới 191 tỷ USD trong tài khóa 2013. Việc triển khai chính sách thương mại quốc tế 2014-2019 cần được tính toán kỹ lưỡng.

Đảm bảo an ninh năng lượng - Thách thách chủ yếu

Đối với ông Modi, đảm bảo nhu cầu năng lượng cho Ấn Độ, một nước thuộc hàng đông dân nhất thế giới với trên 1,2 tỷ dân, trong ba thập niên tới là một trong những thách thức lớn nhất đối với ông trong nhiệm kỳ này. Bản thân ông cũng đã xác định năng lượng là “vấn đề an ninh quốc gia” trong chính sách của mình, đồng thời nỗ lực sao cho không để các vấn đề cung cấp năng lượng ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế.

Thách thức này đẩy ông vào tình thế vừa phải cạnh tranh lẫn hợp tác với Trung Quốc, Mỹ và Nga. Đây là ba trong số những nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, trong đó Ấn Độ đứng ở vị trí thứ tư. Đối với tất cả những nước này, an ninh năng lượng là một mục tiêu bất biến, thôi thúc họ phải tìm kiếm các nguồn tài nguyên mới, công nghệ mới cũng như các cơ hội đầu tư mới trên toàn cầu.

Ấn Độ có thể mua than ở Australia, Indonesia và châu Phi, hay dầu khí ở Trung Đông và châu Mỹ. Tuy nhiên, Công ty dầu khí Ấn Độ (ONGC) sẽ phải cạnh tranh với Công ty dầu mỏ quốc gia Trung Quốc (CNPC) nhiều tiềm lực hòng nắm giữ các cơ hội khai thác dầu khi có nhiều triển vọng.

Theo Báo cáo năng lượng thế giới mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc trong thập niên 2020 trở thành nước đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trưởng nhu cầu năng lượng toàn cầu. Theo đó, vào năm 2025, Ấn Độ sẽ trở thành nước nhập khẩu than lớn nhất thế giới.

Tại nhiều vùng ở Ấn Độ, hiện hơn 300 triệu người vẫn trong tình trạng thiếu điện. Trong đợt cúp điện trên diện rộng hồi tháng 7/2012, khoảng 600 triệu người tại các khu vực miền Bắc, Đông và miền Trung Ấn Độ không có điện trong hai ngày. Ấn Độ cũng vấp phải vấn đề kinh niên về cơ sở hạ tầng phục vụ năng lượng.

Tại Ấn Độ, than dự kiến sẽ vẫn giữ vai trò chính trong sản xuất năng lượng tối thiểu cho đến năm 2025, mặc dù vai trò năng lượng tái sinh như năng lượng Mặt Trời và phong điện dự kiến sẽ tăng dần song song với việc nước này tiếp tục sử dụng dầu mỏ, khí đốt, thủy điện và điện hạt nhân.

Các nguồn năng lượng trong nước không đáp ứng được nhu cầu, buộc nước này phải nhập khẩu từ các nước khác, như nhập than từ Australia và Indonesia, dầu và khí đốt từ Trung Đông và châu Phi, và urani từ Nga, Pháp và Kazakhstan. Dự kiến đến cuối năm nay, nguồn năng lượng của Ấn Độ sẽ được bổ sung thêm khí hóa lỏng tự nhiên từ Bắc Mỹ.

Chính vì vậy, đa dạng hóa các loại nhiên liệu và các nguồn cung cấp là chìa khóa chính trong giải pháp an ninh năng lượng của ông Modi. Chính sách năng lượng của ông có vẻ khá rõ ràng khi ông chủ chương đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng cũng như đặt việc tăng khả năng cung cấp năng lượng trong nước là ưu tiên hàng đầu.

Tân Thủ tướng Ấn Độ đang cân nhắc tìm thêm các lựa chọn, trong đó đáng chú ý là đường ống dẫn khí đốt từ Nga. Tuy nhiên, hai đề xuất về đường ống dẫn khí đốt đưa ra nhiều năm qua đều vấp phải trở ngại do cả hai đường ống này đều chạy qua Pakistan, một nước mà Ấn Độ có quan hệ chính trị “cơm không lành canh không ngọt.”

Đề xuất thứ nhất là đường ống dẫn khí đốt TAPI được ấp ủ trong gần 20 năm, theo đó đưa khí đốt từ quốc gia Trung Á Turkemenistan qua Pakistan và Afghanistan. Một đề xuất nữa là đường ống dẫn khí chạy từ Iran qua Pakistan.

Để củng cố nguồn năng lượng trong nước, các công ty Ấn Độ như Reliance Industries và GAIL đã đầu tư vào lĩnh vực khí đá phiến của Mỹ nhằm học hỏi các công nghệ mới rồi sau đó áp dụng trở lại ngành khai thác khí đá phiến còn non trẻ của Ấn Độ.

Những tín hiệu đầu tiên từ Ấn Độ khá tích cực, khi ngay trong ngày làm việc đầu tiên, ngày 27/5 sau khi tuyên thệ nhậm chức, tân Thủ tướng Ấn Độ đã triển khai một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như thành lập một bộ chịu trách nhiệm về phát triển kỹ năng và doanh nghiệp, thành lập một đội điều tra đặc biệt chịu trách nhiệm điều tra “tiền đen,” mở cuộc họp về kinh tế vĩ mô và nợ nước ngoài...

Giới phân tích trông chờ những nỗ lực khôi phục lòng tin của nhà đầu tư và kiềm chế lạm phát mà Bộ trưởng tài chính nước này vừa công bố cũng như các bước đi tiếp theo sẽ đưa kinh tế Ấn Độ lấy lại quỹ đạo tăng trưởng mạnh như trước đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục