Tan hoang rừng đồi vì lỗ hổng trong quản lý tài nguyên khoáng sản

Những vùng đất giàu khoáng sản có thể coi là tin vui cho bất cứ địa phương nào, thế nhưng tại tỉnh Phú Thọ, vàng trắng cao lanh lại đang là nguyên nhân dẫn tới hàng loạt quả đồi bị đào bới tan hoang.
Một quả đồi bị đào bới tan hoang để khai thác cao lanh tại xã Tân Phương, Thanh Thủy, Phú Thọ. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Những vùng đất giàu khoáng sản có thể coi là tin vui cho bất cứ địa phương nào, thế nhưng tại tỉnh Phú Thọ, câu chuyện lại khác. “Vàng trắng” hay còn gọi là cao lanh, một loại khoáng sản đang là nguyên nhân dẫn tới thảm cảnh hàng loạt quả đồi chuyên trồng cây lâm nghiệp bị chặt hạ, đào bới tan hoang.

Bằng thủ tục đơn giản, hàng chục quả đồi đã liên tiếp bị hạ cốt mặt bằng, “hô biến” thành những chuồng trại chăn nuôi gà, khu vực trồng cây dược liệu để tận thu quặng cao lanh trái phép, làm thất thoát một lượng không nhỏ nguồn tài nguyên khoáng sản của quốc gia.

Và, đằng sau đó là cả câu chuyện dài về một loạt thủ thuật “phù phép” để bao che, thậm chí có nghi vấn “bảo kê” cho thế lực ngầm ngang nhiên dỡ đồi, khai thác cao lanh trái phép trong suốt thời gian.

Bài 1: ‘Để khai thác được cao lanh, cần phải có quan hệ’

Trong thời gian dài, tại các xã Tân Phương, Đào Xã, Sơn Thủy, Thạch Khoán… thuộc tỉnh Phú Thọ, hàng chục quả đồi rừng đã bị đào bới tan hoang, có nơi bị bới sâu tới 30-40m để khai thác quặng cao lanh trái phép.

Sau khi chính quyền sở tại tự tin nói rằng trên địa bàn không có tình trạng hạ cốt đồi khai thác khoáng sản trái phép, phóng viên đã có chuyến thâm nhập thực tế các “điểm nóng” nghi khai thác trái phép cao lanh lớn nhất ở khu vực miền Bắc.

“Ở vùng này thổ phỉ đầy”

Một buổi chiều đầu tháng 3/2018, phóng viên VietnamPlus có mặt tại huyện Thanh Thủy để bắt đầu hành trình tiếp cận vào lãnh địa quặng cao lanh. Sau một thời gian dò hỏi, cuối cùng thông tin về các điểm khai thác “vàng trắng” cao lanh trái phép cũng đã được một số doanh nghiệp, người dân và các đầu nậu hé lộ.

“Ở đất Phú Thọ này, khai thác cao lanh chui, nói thẳng là thổ phỉ đầy. Chúng tôi đi họp sẽ biết ngay trên địa bàn này có bao nhiêu doanh nghiệp được cấp phép, con số rất ít, còn thực tế khai thác chui lớn hơn nhiều,” chủ một doanh nghiệp khai thác cao lanh có phép trên địa bàn huyện Thanh Thủy chia sẻ.

Từ tỉnh lộ 316 đi vào các điểm mỏ, các ôtô tải nườm nượp ra vào, với các gương mặt phu đào đặc trưng. Chúng tôi mất nhiều ngày lượn khắp các điểm khai thác dò hỏi, lấy các mẫu cao lanh rồi thử ngã giá. Khi đã có niềm tin, lọt qua hàng rào bảo vệ, camera giám sát, chúng tôi tự tin xâm nhập vào những điểm mỏ bụi bặm, ồn ã.

Điểm đầu tiên chúng tôi tiếp cận là một quả đồi tại xã Tân Phương, do Tuấn “lộ,” chủ một cơ sở sản xuất cao lanh “mua” của người dân. Theo lời những người công nhân làm việc cho Tuấn, thì “ông trùm” này có “cơ to” nên mới có thể ngang nhiên khai thác quặng như vậy.

“Nói chung, khai thác được cao lanh mà không cần giấy phép ở khu vực này phải nhắc đến Tuấn lộ. Thường thì nó làm theo lịch trình, như lúc này xe chạy ầm ầm, nhưng thực ra nó báo hết cho công an từ hôm qua rồi. Cấp trên cao không biết, chứ cấp xã, huyện nó chơi hết,” anh T., một người làm công trong khu vực này hé lộ.

Cũng theo lời anh T., mặc dù mua đồi của dân để khai thác quặng cao lanh thổ phỉ, nhưng Tuấn “lộ” lại rất được lòng người dân vì ông chịu đầu tư làm đường. Thứ hai là ông này mua rất nhiều quả đồi của bà con với giá cao nên không ai phản đối.

[Năm 2018: Thanh tra lao động với 500 doanh nghiệp khai thác khoảng sản]

“Ở đây, đất đồi người dân trồng cây, làm nương chẳng ăn thua gì, trong khi bán cho Tuấn ‘lộ’, thì có một khoản tiền lớn, nên họ cứ thế bán thôi,” anh T., cũng tiết lộ phần lớn đồi của người dân được Tuấn ‘lộ’ mua với mục đích làm chuồng trại nuôi gà, trồng cây, nhưng thực tế là mua đồi để khai thác quặng cao lanh trái phép.

Quả đúng như lời anh T., tiết lộ, trong suốt gần 3 tháng điều tra, tìm hiểu thực tế, có ít nhất 5-6 hộ gia đình ở xã Tân Phương đã khẳng định với chúng tôi rằng, họ đã “bán” những quả đồi trồng cây lâm nghiệp cho ông trùm Tuấn “lộ,” với số tiền từ 50 triệu đến hơn 1 tỷ đồng, tùy vào diện tích đất đồi.

Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 quy định, người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê đất khi có các điều kiện sau: Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đất không có tranh chấp; việc chuyển nhượng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai; và phải được chính quyền cấp xã, huyện xác nhận.

Quy định là vậy, thế nhưng tại huyện Thanh Thủy, việc chuyển nhượng, cho thuê đất đồi lại được thực hiện nhanh gọn bằng tờ giấy viết tay với nội dung “Hợp đồng thuê đất” do hai bên (chủ đất và người mua) tự thỏa thuận. Thậm chí, có những trường hợp, việc chuyển nhượng đất đồi chỉ cần thỏa thuận… bằng mồm.

Khi được hỏi việc mua bán đất, cho thuê mặt bằng đất đồi có phải thông qua xã, hay huyện, tỉnh gì không?. Câu trả lời chúng tôi nhận được từ các hộ dân bán đất ở xã Tân Phương là: Không. Việc mua bán đất đồi này do hai bên tự thỏa thuận giá cả.

“Vừa rồi tôi bán đứt một góc đồi rừng cho ông Tuấn (Tuấn “lộ”) được 100 triệu, sau ông ấy khai thác quặng luôn. Việc mua bán này thỏa thuận bằng mồm thôi, chứ không có giấy tờ gì,” ông N., một người dân xóm Giáo, xã Tân Phương nói.

Khi nghe chúng tôi đề cập đến chuyện muốn mua đất đồi rừng để khai thác quặng cao lanh, ông N., chia sẻ: “Các anh muốn mua đất đồi thì tôi bán cho, nhưng nói thật là để khai thác được cao lanh thì cần phải có quan hệ, chứ không đơn giản đâu. Ở đây, khai thác được kiểu thổ phỉ, chỉ có mỗi ông Tuấn làm được.”

Hoạt động dỡ đồi khai thác quặng cao lanh. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

“Đó là cách người ta thỏa thuận ngầm”

Mang thông tin trên đến gặp lãnh đạo chính quyền địa phương, ông Lê Văn Dũng - Phó Chủ tịch xã Tân Phương tỏ ra khá bất ngờ và một mực khẳng định: “Trên địa bàn không có tình trạng khai thác quặng cao lanh trái phép, tuyệt đối không có.”

Ông Dũng cũng cho biết, hiện tại chính quyền xã Tân Phương chỉ nắm được trên địa bàn có 3 doanh nghiệp được nhà nước cấp phép khai thác quặng cao lanh. Tuy nhiên hai doanh nghiệp đang khai thác, trụ sở không nằm trên địa bàn, doanh nghiệp còn lại thì mấy năm nay không thấy khai thác.

Trước thông tin người dân “tự ý” bán đồi cho các chủ mỏ khai thác quặng cao lanh trái phép, ông Dũng khẳng định theo quy định của Luật Đất đai, người dân không được quyền bán đất đồi cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Nếu khai thác khoáng sản phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, cấp phép.

“Việc người dân bán đất đồi, cho thuê mặt bằng đất đồi ở trên địa bàn có thể có, nhưng bán với giá thế nào thì chúng tôi không nắm được. Đó là cách họ thỏa thuận ngầm,” ông Dũng nói thêm rằng vì địa bàn rộng nên chính quyền xã cũng không quản lý hết được.

[Tái diễn tình trạng khai thác, bán đất mặt trái phép ở Cà Mau]

Khẳng định không nắm được việc người dân tự ý bán đất đồi để các chủ mỏ khai thác quặng cao lanh trái phép, nhưng ông Dũng cũng thừa nhận, người dân có thể làm thủ tục xin cấp sổ đỏ, hay chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác.

“Với việc này, trên địa bàn xã đã có khoảng vài trăm trường hợp làm thủ tục để cấp quyền sử dụng đất đồi. Tuy nhiên, chúng tôi chưa phát hiện có trường hợp nào khai thác quặng cao lanh trái phép. Chắc chắn không có,” ông Dũng nhấn mạnh.

Trái ngược với khẳng định dõng dạc trên, ngay sau khi chúng tôi cung cấp một số đoạn hình ảnh về một loạt các quả đồi bị đào bới tan hoang vì “vàng trắng” cao lanh, ông Dũng im lặng một lúc rồi cầm điện thoại đứng dậy đi ra ngoài.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với lãnh đạo xã Tân Phương cũng được ông Lê Văn Dũng - Phó Chủ tịch xã gác lại ngay sau đó với lý do: “Tôi có việc bận phải đi.”

Sau thời điểm cuộc gặp với lãnh đạo xã Tân Phương một tuần, chúng tôi tiếp tục thâm nhập khu vực này để tìm hiểu những bản “hợp đồng” mua bán đất đồi được viết bằng tay, cũng như lộ trình xin “hạ cốt” mặt bằng để khai thác cao lanh. Tất cả được thực hiện bằng một vòng quay khép kín./.

Bài 2: Phù phép ‘rừng vàng’ thành những công trường khai thác cao lanh

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục