Tân Hoa Xã: Thế giới bước vào năm 2021 với những điều khó đoán định

Những vấn đề liên quan dịch bệnh COVID-19 sẽ tiếp tục chi phối quyết sách của chính phủ các nước trong tương lai, mà gần nhất là năm 2021 khi thời khắc chuyển giao Năm mới sắp đến.
Nhiều khả năng thế giới vẫn chưa thể kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 trong năm 2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hãng tin Tân Hoa xã ngày 29/12 đã đăng bài viết tổng kết tình hình thế giới trong năm 2020 và đưa ra một số dự báo trong năm 2021.

Theo Tân Hoa xã, trong năm 2020, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã tác động tới mọi mặt trong đời sống con người, từ kinh tế-chính trị, văn hóa-thể thao và xã hội với quy mô ảnh hưởng toàn cầu. Do đó, những vấn đề liên quan dịch bệnh này sẽ tiếp tục chi phối quyết sách của chính phủ các nước trong tương lai, mà gần nhất là năm 2021 khi thời khắc chuyển giao Năm mới đang đến rất gần.

Hiện số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đã vượt con số 80 triệu người. Trong năm tới, nhiều tiến bộ trong bào chế vắcxin phòng ngừa và các liệu pháp điều trị bằng thuốc được cho là sẽ mang lại hy vọng chấm dứt đại dịch vốn đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người.

Nhiều nước đã triển khai các chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 ngay khi tiếp nhận các lô vắcxin đầu tiên. Tuy nhiên, sự xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Anh và đến nay đã được phát hiện ở một loạt quốc gia như Đan Mạch, Nigeria, Singapore,.... đã làm dấy lên những quan ngại mới về dịch bệnh này.

Nhiều người vẫn trông chờ vắcxin sẽ là "vũ khí tối thượng" chống lại virus corona chủng mới, nhưng việc có thực sự kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19 trong năm 2021 hay không vẫn là câu hỏi chưa lời giải đáp, khi thế giới vẫn mờ mịt với những điều không thể chắc chắn như tỷ lệ người được tiếp cận vắcxin, khả năng bảo vệ của kháng thể sẽ duy trì trong bao lâu và nguy cơ xuất hiện các biến thể mới.

[Hãng tin AFP bình chọn những sự kiện quốc tế nổi bật năm 2020]

Không phải ngẫu nhiên, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng dù thế giới đã có vắcxin nhưng đại dịch vẫn còn chặng đường dài phía trước.

Trong khi đó, các vấn đề quốc tế nổi cộm như tình hình chính trường Mỹ, mối quan hệ giữa Nga và phương Tây, cuộc khủng hoảng tại Trung Đông, mối quan hệ Anh-Liên minh châu Âu (EU) vẫn là mối quan tâm hàng đầu trong năm 2021.

Sau cuộc bầu cử phức tạp, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden sẽ nhậm chức vào ngày 20/1 và ưu tiên hàng đầu của chính quyền mới của Mỹ là cuộc chiến chống SARS-CoV-2 và phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, những thách thức quan trọng không kém đối với nhà lãnh đạo mới của Mỹ, đó là một xã hội phức tạp với những sự chia rẽ nội bộ. Suy thoái kinh tế, nợ nần chồng chất, sự đối đầu giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ có thể sẽ kéo dài sang năm tới.

Với mối quan hệ giữa Nga và phương Tây giảm xuống mức thấp mới sau cuộc khủng hoảng Ukraine, quan hệ của Nga với Mỹ và các quốc gia phương Tây khác có thể vẫn đóng băng trong năm tới khi ông Biden dường như coi Nga là "mối đe dọa" đối với an ninh của Mỹ.

Quan hệ Iran và Mỹ cùng các nước trong khu vực, việc Thổ Nhĩ Kỳ can dự vào các cuộc xung đột ở Libya và Nagorno-Karabakh, những căng thẳng ở Đông Địa Trung Hải... tất cả đều cho thấy một xu hướng bất ổn và có thể kéo dài sang năm mới.

Anh và EU cuối cùng cũng dã đi đến thỏa thuận thương mại hậu Brexit. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Về tình hình Brexit, Anh và Liên minh châu Âu (EU) ngày 24/12 cuối cùng đã đạt được một thỏa thuận thương mại tự do sau 9 tháng đàm phán giằng co. Thỏa thuận thương mại chắc chắn sẽ giúp tránh khỏi một kịch bản Brexit bế tắc vào ngày 1/1/2021. Mặc dù vậy, những thách thức vẫn còn hiện hữu khi Anh và EU sẽ là "những người bạn cũ" trong Năm mới.

Về mặt kinh tế, đại dịch đã đẩy kinh tế toàn cầu vào tình trạng suy thoái. Với những nỗ lực như tiêm chủng, nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ dần thoát khỏi cái bóng của SARS-CoV-2 trong năm tới, bất chấp những rủi ro liên quan đến vắcxin, sự bùng phát trở lại của các bệnh lây nhiễm và nợ công tăng.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới tháng 10/2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh dự báo kinh tế toàn cầu năm 2020, theo đó kinh tế thế giới sẽ giảm 4,4%, thu hẹp hơn so với mức dự báo trong bản cập nhật hồi tháng 6. Điều chỉnh trên được IMF cân nhắc dựa trên mức tăng trưởng thực tế của các nền kinh tế lớn khi dấu hiệu phục hồi đã nõ nét hơn.

Các nhà phân tích cho rằng trong ngắn hạn, việc tái áp dụng các biện pháp ngăn chặn COVID-19 ở một số quốc gia sẽ kìm hãm đà phục hồi kinh tế. Về lâu dài, đại dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, dẫn đến nợ nần gia tăng, đồng thời phá vỡ triển vọng tăng trưởng toàn cầu. Do đó, quá trình phục hồi có thể sẽ kéo dài, không đồng đều và không chắc chắn.

Bên cạnh đó, năm 2020 là năm hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công nghệ 5G diễn ra tích cực trên quy mô lớn. Hiện nhiều quốc gia từng bước hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng 5G, các ứng dụng 5G sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ vào năm 2021, điều này dường như báo trước sự ra đời của kỷ nguyên mới của Internet vạn vật (IoT).

Trong năm qua, 5G đã có sự bứt phá ngoạn mục, mở ra nhiều triển vọng mới trong nhiều lĩnh vực khác nhau và dần phát triển thành nền tảng chính cho sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số. Trong năm mới, với sự mở rộng của các ứng dụng 5G, tốc độ siêu cao, độ trễ cực thấp và các đặc tính kết nối cực lớn sẽ tạo sức mạnh cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của các ngành công nghiệp.

Ngoài ra, 5G cũng sẽ giúp kết nối hiệu quả các cơ sở hạ tầng mới trở thành trung tâm dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và Internet công nghiệp, đồng thời thúc đẩy việc thực hiện chuyển đổi và tối ưu hóa công nghệ mà công nghiệp số hóa, mạng và trí tuệ là các hướng phát triển chính./.

Công nghệ 5G dự kiến sẽ có thêm nhiều đột phá trong năm 2021. (Ảnh: Cisco)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục