Hãng nước giải khát Tân Hiệp Phát đang chuẩn bị bán đi một lượng cổ phần thiểu số trong một thỏa thuận có thể có giá trị lên đến 2 tỷ USD.
Theo tờ Wall Street Journal, công ty thuộc sở hữu tư nhân của doanh nhân Trần Quý Thanh sẽ bán cổ phần cho một nhà đầu tư nước ngoài để có vốn mở rộng các kế hoạch kinh doanh. Công ty đã thuê một ngân hàng đầu tư nước ngoài làm cố vấn cho kế hoạch này.
Tân Hiệp Phát là một trong những công ty tư nhân sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam, với những sản phẩm nước đóng chai nổi tiếng như Trà xanh Không độ, Trà thảo dược Dr. Thanh hay nước tăng lực Number 1.
Thành lập năm 1994 với trụ sở ở Bình Dương, công ty Tân Hiệp Phát đã bán sản phẩm tới các nước như Australia, Canada và Trung Quốc. Hiện công ty có hơn 4.000 nhân viên và 4 nhà máy vận hành tại Việt Nam.
Nếu thành công, thỏa thuận bán cổ phần này sẽ nối dài thêm chuỗi hoạt động sáp nhập và mua bán tại Việt Nam, nơi đã chứng kiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của các công ty hàng tiêu dùng.
Theo số liệu của Dealogic, những thương vụ trị giá tới 1,8 tỷ USD đã xuất hiện trên thị trường Việt Nam trong năm nay.
Hồi cuối năm ngoái, tập đoàn Singha của Thái Lan đã trở thành công ty rót vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam tính tới thời điểm đó sau khi mua cổ phần của một số công ty con của tập đoàn Masan, một trong những công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam. Singha đã trả 1,1 tỷ USD để mua cổ phần chiến lược của Công ty tiêu dùng Masan và Công ty đồ uống Masan.
Bất chấp những vật lộn kinh tế, Việt Nam vẫn được coi là một trong những thị trường tăng trưởng tiềm năng nhất châu Á. Hưởng lợi từ dân số trẻ và bùng nổ xuất khẩu đang thu hút nhiều doanh nghiệp lớn, nhất là các doanh nghiệp Trung Quốc, nền kinh tế Việt Nm được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm nay - cùng tốc độ với năm 2015.
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng là một trong những thị trường có diễn biến ấn tượng nhất Đông Nam Á hồi năm ngoái, với tăng trưởng lên đến 6%./.