Tận dụng tối đa nguồn nước ngọt về Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 12/4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã có Chỉ thị về việc tăng cường lấy nước, tích trữ nước phục vụ sản xuất, dân sinh cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Hồ chứa thủy điện An Khê, mực nước đã xuống thấp 3-4m. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)

Ngày 12/4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã có Chỉ thị số 2890/CT-BNN-TCTL về việc tăng cường lấy nước, tích trữ nước phục vụ sản xuất, dân sinh cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Chỉ thị được đưa ra ngay sau khi có thông tin của các cơ quan chuyên môn, dòng chảy sông Mê Kông về khu vực này đang tăng, từ ngày 12/4 đến ngày 25/4/2016 vùng các cửa sông Cửu Long cách biển từ 25-40km trở lên có nguồn nước ngọt khá dồi dào, nhất là khi triều thấp, chân triều.

Theo đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn. Đồng thời tổ chức kiểm tra, đo đạc, dự báo độ mặn tại từng cửa lấy nước, tranh thủ thời gian độ mặn cho phép, vận hành ngay các công trình thủy lợi để lấy nước, tích trữ nước tối đa vào hệ thống kênh mương, ao, đầm, khu trũng phục vụ sản xuất, dân sinh trong thời gian tới.

Đối với sản xuất lúa, tranh thủ nguồn nước ngọt để tưới lúa Hè Thu sớm đã xuống giống, đặc biệt tưới đủ nước trong các lần bón phân và giai đoạn làm đòng, trỗ; tập trung gieo trồng vụ Hè Thu chính vụ ở những vùng có nguồn nước ngọt ổn định.

Với các vùng chưa có nguồn nước ngọt ổn định, có thể xem xét xuống giống trong tháng 4, tháng 5 trên cơ sở rà soát, đánh giá nguồn nước, chỉ xuống giống khi có phương án bảo đảm đủ nước tưới; các vùng đang bị nhiễm mặn và không có nguồn nước ngọt phải chờ mưa mới xuống giống.

Cùng với việc triển khai vụ Hè Thu, các địa phương cần chuẩn bị các điều kiện đẩy mạnh sản xuất vụ Thu Đông nhằm bù đắp sản lượng lúa bị thiệt hại trong vụ Đông Xuân; trong đó, phải triển khai sớm việc tu bổ, gia cố hệ thống đê bao, bờ bao, bảo đảm bảo vệ tuyệt đối cho lúa trong mùa lũ.

Đối với các diện tích trồng cây lâu năm ở vùng chưa có nguồn nước ngọt ổn định, các địa phương trên cần lắp đặt bổ sung các trạm bơm dã chiến, tranh thủ vận hành khi có nước ngọt để tích trữ và tưới; lưu ý các biện pháp tủ gốc để giữ ẩm nhằm tránh bốc thoát nước trong điều kiện nắng nóng.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu Tổng cục Thuỷ lợi tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, kịp thời cảnh báo cho các địa phương và cơ quan liên quan; chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các giải pháp lấy nước phục vụ sản xuất và dân sinh.

Cùng với đó, tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông phổ biến kịp thời các thông tin về hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng các chương trình chuyên đề hướng dẫn phòng, chống xâm nhập mặn, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Trồng trọt theo dõi, chỉ đạo sát sao tình hình xuống giống vụ Hè Thu và chuẩn bị tốt vụ Thu Đông, Mùa 2016, đặc biệt ở các địa phương thiếu nguồn nước ngọt; kịp thời khuyến cáo, hướng dẫn các địa phương bố trí hợp lý lịch xuống giống, thời vụ trong năm, sử dụng cơ cấu giống lúa ngắn ngày, bổ sung giống có khả năng chống chịu phèn, mặn; đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện nguồn nước, thích ứng với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục