Làm thế nào để thúc đẩy thương mại và đầu tư quốc tế trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng cũng như các cam kết trong khuôn khổ WTO và các FTA thế hệ mới có hiệu lực là chủ đề chính của hội thảo “Tiến bộ công nghệ và bối cảnh mới đối với thương mại và đầu tư quốc tế.”
Hội thảo do Trường Đại học Ngoại thương tổ chức chiều nay, 9/1.
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng như đại sứ đặc mệnh toàn quyền các nước Philippines, Singapore, Indonesia.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương nhấn mạnh tiến bộ công nghệ là động lực chính của sự phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập và mức sống nhân dân. Trong bối cảnh mới về thương mại và đầu tư quốc tế, các vấn đề phi thương mại trong các FTA thế hệ mới và tác động của việc thực thi những cam kết này đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như vai trò của các cơ sở giáo dục đại học trong việc nâng cao năng lực thích ứng với bối cảnh mới có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
“Xuất phát từ thực tiễn đó, trên cơ sở bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và trong khuôn khổ Chương trình WTO Chair Programme Phase III (WCP)-FTU, Trường Đại học Ngoại thương đã có sáng kiến tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề này,” ông Tuấn cho hay.
Theo đó, Phó Giáo sư Bùi Anh Tuấn kỳ vọng hội thảo sẽ là diễn đàn mở cho các nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên và sinh viên trao đổi, thảo luận và xúc tiến các ý tưởng nhằm phát huy vai trò tiến bộ công nghệ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số đến hoạt động thương mại và đầu tư. Từ đó kết nối các chủ thể ngành, cơ quan nhà nước, cơ sở giáo dục đào tạo đồng thời nâng cao năng lực thích ứng của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh thực thi các cam kết trong khuôn khổ WTO và các FTA thế hệ mới.
[Việt Nam kêu gọi tăng cường sức chống chịu của các nền kinh tế APEC]
Hội thảo được chia thành hai phiên. Phiên 1 với chủ đề “Tiến bộ công nghệ và thương mại quốc tế,” phiên hai với chủ đề “Bối cảnh mới đối với thương mại và đầu tư quốc tế.”
Cũng trong chiều nay, Trường Đại học Ngoại thương đã ra mắt website Chương trình FTU WTO Chair tại địa chỉ https://wcp.ftu.edu.vn. Theo đó, website sẽ trở thành kênh truyền thông chính thức cập nhật các thông tin, sự kiện về Chương trình FTU WTO Chair tại Trường Đại học Ngoại thương, góp phần đưa các hoạt động của chương trình tiếp cận gần hơn tới các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội ngành hang, các doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục… Thông qua đó góp phần nâng cao hiểu biết về thương mại quốc tế, nâng cao nặng lực và hợp tác của các bên liên quan, thúc đẩy thực thi hiệu quả thương mại quốc tế và tác động đến quá trình hoạch định chính sách để áp dụng thành công các cam kết quốc tế.
Trường Đại học Ngoại thương là cơ sở giáo dục duy nhất của Việt Nam và là một trong 17 cơ sở giáo dục được lựa chọn từ 126 cơ sở giáo dục tại 54 quốc gia trên thế giới tham gia Chương trình WTO Chair giai đoạn ba (từ năm 2022 đến 2026) – một chương trình do Ban thư ký Tổ chức Thương mại Thế giới khởi động từ năm 2010. Chương trình nằm nâng cao tri thức và hiểu biết về hệ thống thương mại thế giới trong giới chuyên gia, học giả và các nhà hoạch định chính sách tại các quốc gia đang phát triển. Trường Đại học Ngoại thương triển khai các hoạt động trong chương trình với ba trụ cột chính là nghiên cứu, phát triển chương trình đào tạo và truyền thông lan tỏa tới cộng đồng với sự hỗ trợ trực tiếp từ WTO và các bên liên quan.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thu Hương, mục tiêu Chương trình WTO Chair tại Trường Đại học Ngoại thương không chỉ dừng lại ở những sản phẩm về nghiên cứu, chương trình sẽ hướng tới tham gia ngày càng sâu hơn và việc tư vấn, hoạch định chính sách, góp phần cùng các cơ quan hữu quan giải quyết các thách thức, tăng cường hiệu quả thực thi các cam kết thương mại để mang lại lợi ích cho tất cả các bên./.