Tận dụng thời cơ, nâng vị thế của ngành dệt may Việt Nam

Chiến lược dài hạn của dệt may Việt Nam là tích cực đa dạng hóa dòng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu nhiều phân khúc khách hàng khác nhau và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Sản xuất hàng may mặc tại Tổng Công ty May 10 tại Sài Đồng, Quận Long Biên, Hà Nội. (Ảnh: Anh Tuấn/ TTXVN)
Sản xuất hàng may mặc tại Tổng Công ty May 10 tại Sài Đồng, Quận Long Biên, Hà Nội. (Ảnh: Anh Tuấn/ TTXVN)

Dệt may Việt Nam đang chứng kiến sự phục hồi khả quan và có cơ hội bứt phá. Tuy nhiên các doanh nghiệp cũng đang đối mặt với những thách thức mới trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường, khách hàng.

Làm thế nào để tận dụng thời cơ nâng cao vị thế dệt may Việt Nam trên thị trường đang là bài toán mà các doanh nghiệp phải sớm tìm lời giải.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước tháng 8 ước đạt gần 4,3 tỷ USD, đưa kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm lên mức 28,3 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, xuất khẩu hàng may mặc đạt hơn 22 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ; xuất khẩu vải đạt 1,7 tỷ USD tăng hơn 8%; xuất khẩu xơ sợi đạt 2,9 tỷ USD tăng 1,5%.

Xuất khẩu phụ liệu dệt may đạt gần 900 triệu USD, tăng gần 10%; xuất khẩu vải không dệt tăng gần 19% đạt 528 triệu USD.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho biết ngành dệt may Việt Nam đang có cơ hội lớn cho phục hồi tăng trưởng và tạo nên cột mốc mới về xuất khẩu trong năm 2024.

Trong 8 tháng, các dòng sản phẩm xuất khẩu dệt may Việt Nam đã tăng trưởng từ 4-14%, có loại tăng trên 20%. Đây là kết quả đến từ việc dịch chuyển đơn hàng từ một số quốc gia khác sang Việt Nam trong thời gian gần đây do biến động của ở nhiều khu vực như chiến tranh thương mại giữa Mỹ-Trung Quốc, xung đột quân sự ở châu Âu và mới nhất là bất ổn nội bộ ở Bangladesh.

Theo ông Vũ Đức Giang, chiến lược dài hạn của dệt may Việt Nam là tích cực đa dạng hóa dòng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu nhiều phân khúc khách hàng khác nhau và mở rộng thị trường xuất khẩu.

TTXVN_1206xuatkhaudetmay.jpg
May hàng xuất khẩu tại Công ty may Tinh Lợi, Hải Dương. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Với bối cảnh hiện nay, dệt may Việt Nam vừa có cơ hội để bứt phá nhưng cũng đối mặt nhiều thách thức. Việc gia tăng đơn hàng và các đối tác mới cũng đi liền với yêu cầu đáp ứng các chiến lược mua hàng mới.

Kể từ sau đợt sụt giảm sức cầu hậu đại dịch COVID-19, các nhãn hàng, hệ thống phân phối hiện có xu hướng đặt hàng từ nhà máy và chuyển thẳng đến cửa hàng phân phối hoặc bán lẻ mà không qua kho như trước đây.

Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược sản xuất, không cần quá nhiều nhân công nhưng phải sản xuất được đơn hàng giao nhanh trong 1-2 tháng thay vì 6 tháng đến 1 năm như trước đây.

“Ngành dệt may cần đẩy mạnh liên kết chuỗi từ nguyên liệu, máy móc thiết bị, thiết kế đến thương mại sản phẩm để điều phối đơn hàng. Với hoạt động sản xuất, phải tận dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo để nâng cao năng suất, chất lượng cũng như tạo ra giá trị khác biệt cho sản phẩm. Nếu làm tốt ở giai đoạn chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu đang “dịch chuyển,” vị thế và thị phần của dệt may Việt Nam trên thị trường quốc tế sẽ được nâng lên đáng kể, tạo xung lực cho phát triển dài hạn,” ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến thông tin đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang rất tốt mặc dù xét về tổng cầu hàng dệt may thế giới không tăng nhiều.

Việc Việt Nam nhận được nhiều đơn hàng trong năm 2024 là do sự dịch chuyển đơn hàng từ các quốc gia khác, điển hình là Trung Quốc sang. Tuy nhiên, việc dịch chuyển đơn hàng không chỉ diễn ra giữa các quốc gia mà ngay ở chính các doanh nghiệp Việt Nam.

Cụ thể, khách hàng, đối tác cũng đẩy mạnh “thanh lọc” các nhà máy, xưởng gia công có thiết bị, công nghệ cũ để đặt hàng các nhà máy sản xuất xanh, đáp ứng tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị).

Song song đó, nhiều đối tác cũng chuyển từ phương thức đặt hàng sớm, số lượng lớn sang bán đến đâu đặt hàng đến đó để giảm tồn kho.“Những yêu cầu mới của khách hàng là chính đáng và theo đúng xu hướng chung của thế giới.

Doanh nghiệp nào nhanh chóng ứng dụng công nghệ, tự động hoá và xanh hoá nhà máy từ nguyên liệu, nhiên liệu sẽ tiếp tục nhận thêm nhiều đơn hàng và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.

Ngược lại, các nhà máy chậm thích ứng sẽ bị loại khỏi “cuộc chơi” chung. Đây là thách thức nhưng cũng là động lực thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất nói chung, dệt may nói riêng xanh hoá nhà máy,” ông Nguyễn Văn Hoàng chia sẻ.

Tại hội thảo “Ứng dụng AI và sản xuất thông minh thúc đẩy sản xuất ngành may mặc” do Vitas và Công ty Jack Technology tổ chức cuối tháng 8 tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Jimmy Qiu, Phó Chủ tịch Jack Technology nhận định ngành dệt may Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và có vị thế ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng may mặc toàn cầu.

Trong 3 năm trở lại đây, các nhà mua hàng, các thương hiệu dệt may có mạng lưới phân phối lớn, đặc biệt là nhà mua hàng tại Mỹ có sự dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á và Việt Nam là nhà cung ứng được ưu tiên nhờ tích cực chuyển đổi, ứng dụng công nghệ thông minh và xanh hóa nhà máy.

Các chuyên gia cũng chia sẻ trước những thay đổi nhanh chóng trong nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay, mô hình sản xuất linh hoạt với đa dạng mẫu mã, số lượng nhỏ, có thể kiểm soát theo chu kỳ là chìa khóa để ngành dệt may chuyển đổi.

Phía thương hiệu mong muốn giải quyết vấn đề tồn kho thông qua sản xuất đa dạng theo lô nhỏ, nhưng điều này đặt ra yêu cầu cao hơn về tốc độ phản hồi của dây chuyền sản xuất và chuỗi cung ứng. Việc áp dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông minh vào trong sản xuất và quản lý sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường của doanh nghiệp theo hướng hiệu quả hơn, thân thiện với môi trường và bền vững hơn.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng Jean, Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa chuyển đổi từ sản xuất gia công lên công nghiệp thời trang. Bởi cạnh tranh về giá không còn là mục tiêu và những yếu tố như nguồn lao động dồi dào, giá nhân công rẻ không còn là “lợi thế” lớn của Việt Nam.

Việc áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất và chuyển đổi số đang trở thành yêu cầu bắt buộc với ngành dệt may, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Mỹ có yêu cầu về xanh hóa sản xuất rất cao.

Theo ông Phạm Văn Việt, muốn xây dựng chuỗi cung ứng dệt-may trong nước, doanh nghiệp phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cho tất cả các khâu, từ sản xuất nguyên liệu sợi-dệt, thiết kế, may và xây dựng thương hiệu một cách hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi này đòi hỏi doanh nghiệp phải có đủ nguồn lực tài chính và nhân sự, đây là rào cản đối với phần lớn doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa hiện nay.

Do đó, để ngành dệt may thật sự chuyển đổi một cách đồng bộ cần có định hướng và chính sách phát triển công nghiệp thời trang thông qua hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho thiết kế. Đồng thời, phải đẩy mạnh hơn nữa hiệu ứng truyền thông, xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp và thương hiệu dệt may quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục