Tận dụng hiệp định TPP, đa dạng thị trường xuất nhập khẩu

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, mục tiêu quan trọng nhất khi đàm phán TPP là tạo điều kiện cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế thâm nhập được với quy mô lớn hơn vào các thị trường trong khối TPP này.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, Vũ Huy Hoàng, Việt Nam đang đàm phán hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Việt Nam là đạt được các lợi ích cơ bản, đó là mở cửa thị trường hàng hóa, tạo điều kiện cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày và một số mặt hàng nông sản, thủy sản có thể thâm nhập được với qui mô lớn hơn và phạm vi rộng hơn vào các thị trường trong khối TPP này.

Bên lề Hội nghị "Bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản" do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức chiều qua (3/6), Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã có những giải đáp với phóng viên Vietnam+ một số giải pháp liên quan đến nội dung này.

- Thưa Bộ trưởng, xin ông cho biết những khó khăn và thách thức của nhóm hàng nông lâm, thủy sản trong năm nay?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Nếu nói riêng các mặt hàng nông sản, thủy sản 5 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng khá cao so với cũng kỳ năm trước, ước đạt 8,92 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên rất đáng quan tâm là xuất khẩu của tháng Năm lại thấp hơn tháng Tư, trong đó kim ngạch xuất khẩu của nhóm này tháng Năm ước đạt 1,83 tỷ USD, giảm 8,9% so với tháng trước. Đây cũng là chủ đề mà Chính phủ tập trung bàn để có giải pháp duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu trong đó có xuất khẩu nông sản và thủy sản, các sản phẩm nông nghiệp.

Theo tôi, nguyên nhân của vấn đề trên xuất phát từ việc tiêu thụ ở một số thị trường lớn là đối tác kinh tế của Việt Nam có dấu hiệu chậm lại do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế chưa được khắc phục triệt để, nhu cầu tiêu dùng không nhiều.

Nhưng quan trọng hơn là áp lực về cạnh tranh giữa hàng Việt Nam với các nước ngày càng gay gắt, việc mở rộng thêm các thị trường và tăng quy mô xuất khẩu rất khó khăn trong khi khả năng cạnh tranh của một số mặt hàng trong nước vẫn còn chưa đạt được yêu cầu.

Thêm vào đó, một số quốc gia có xu hướng quay trở lại việc bảo hộ mậu dịch bằng việc dựng lên các rào cản trá hình trong đó có cả hàng rào phi thuế quan mà chúng tôi cho rằng đây là một trong những khó khăn mà Việt Nam cần có các giải pháp vừa là trước mắt cũng vừa là lâu dài để giải quyết.

Tình hình Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông bằng việc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, theo đánh giá của Bộ Công Thương ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu thủy sản, bởi lẽ xuất khẩu hải sản của Việt Nam thông qua việc đánh bắt ở biển Đông cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể.

Đến thời điểm hiện tại, theo quan sát, quan hệ xuất nhập khẩu thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc 5 tháng vẫn diễn ra tương đối bình thường, kể cả xuất khẩu chính ngạch và tiểu ngạch. Tuy nhiên, vẫn cần phải được nghiên cứu và có những phân tích, dự báo để ứng phó kịp thời nếu tình hình tiếp tục phức tạp.

Chính vì vậy, trong cuộc họp mới đây, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành trong đó có Bộ Công Thương và Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ động trong việc tái cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, thị trường xuất khẩu theo hướng vừa khai thác sâu hơn thị trường truyền thống và tìm thêm thị trường mới, không quá phụ thuộc vào một thị trường duy nhất.

Riêng Trung Quốc, đây là một đối tác quan trọng của Việt Nam, năm 2013 xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch cả nước và ngược lại Việt Nam nhập khẩu từ thị trường này chiếm khoảng 23%, vì vậy việc duy trì và phát triển thương mại với Trung Quốc là một điều cần phải được tiếp tục.

Nhưng mặt khác do Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc lớn nên từ một số năm nay Chính Phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành tìm các biện pháp trong đó có việc đa dạng hóa thị trường để có thêm thị trường mới, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường.

Hiện chúng ta đã làm và tiếp tục làm, tôi nghĩ rằng đây cũng là dịp để các bộ ngành thực hiện một cách tích cực hơn, quyết liệt hơn chủ trương tái cơ cấu và mở rộng thị trường xuất khẩu.

- Việc đàm phán TPP có tác dụng gì cho việc mở rộng thị trường xuất khẩu thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Nếu chúng ta đàm phán thành công và kết thúc được TPP thì xuất khẩu một số mặt hàng Việt Nam có lợi thế bao gồm: dệt may, da giày, nông nghiệp, thủy sản... sẽ tăng lên là rất rõ rệt do được ưu đãi về thuế, được hưởng nhiều thuận lợi về thủ tục hành chính của các nước này.

Chính phủ cũng sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, trước hết là cơ chế chính sách cho sản xuất nông nghiệp vì lợi ích của bà con nông dân, tăng giá trị gia tăng, tăng khả năng xuất khẩu qua đó nâng đời sống và thu nhập của bà con theo hướng bền vững.

- Trong Hội nghị lần này, đại diện Hiệp hội thủy sản Việt Nam (VASEP) có kiến nghị là thị trường trong nước cũng đang hết sức khó khăn, vậy phía Bộ Công Thương đã có những chính sách hỗ trợ như thế nào thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Theo tôi việc kiến nghị của VASEP cũng đúng với thực tế hiện nay do thị trường trong nước cũng có những khó khăn nhất định.

Có thể thấy sức mua của thị trường trong nước 5 tháng đầu năm tăng khoảng 11%, đây cũng là biểu hiện của sức mua tăng dần, nhưng trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn thì bản thân các hộ gia đình, kể cả các cơ quan, doanh nghiệp cũng buộc phải xem lại chi phí của mình và có tiết kiệm, hạn chế trong tiêu dùng. Vì thế việc tiêu thụ các sản phẩm ở trong nước trong đó có sản phẩm nông nghiệp và thủy sản cũng hạn chế.

Vậy làm thế nào để tăng được sức mua và khả năng tiêu thụ ở trong nước? Việc đầu tiên là làm sao vực dậy được sức mua, nâng cao đời sống và thu nhập của người dân, của người lao động là điều cốt lõi, chỉ khi nào đời sống nâng lên, thu nhập nâng lên thì việc tiêu dùng mới tăng lên.

Các giải pháp tập trung vào cấn đề này có liên quan đến kích cầu, liên quan đến các biện pháp của ngân hàng và lao động tiền lương, đây cũng là các nhóm giải pháp mà Chính phủ đang chỉ đạo các bộ ngành tìm mọi cách để vừa tăng cường sản xuất nhưng đồng thời cũng tăng được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Về phía Bộ Công Thương cũng đang đẩy mạnh việc thực hiện chương trình Xúc tiến thương mại nội địa một cách có hiệu quả hơn. Một mặt mở rộng chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu vùng xa gắn với cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, chỉ có như vậy mới góp phần tăng sức mua và thúc đẩy xuất khẩu.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục