Tận dụng EVFTA: Nâng tầm doanh nghiệp để tham gia chuỗi giá trị

Để doanh nghiệp Việt Nam có thể kết nối được với EU và tận dụng tối đa các cơ hội mang lại, cần chú ý việc tương thích dần về các tiêu chuẩn kỹ thuật, đầu tư cho việc truy suất nguồn gốc, xuất xứ...
Tận dụng EVFTA: Nâng tầm doanh nghiệp để tham gia chuỗi giá trị ảnh 1Tọa đàm: “Liên kết với doanh nghiệp EU, tận dụng hiệu quả EVFTA,” do Tạp chí Công Thương tổ chức. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) qua 3 năm thực thi (từ 1/8/2020) đã mang lại nhiều kết quả nổi bật cho doanh nghiệp hai nước.

Về phía Việt Nam, không chỉ hưởng lợi trong hoạt động xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đã tăng cường nhập khẩu nhiều loại hàng hóa, đặc biệt là máy móc, thiết bị, nguyên liệu từ EU, đồng thời, đẩy mạnh hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ để ứng dụng các giải pháp hiện đại vào sản xuất kinh doanh, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp EU.

Tuy vậy, thực tế, còn nhiều doanh nghiệp chưa nắm bắt tốt cơ hội trong liên kết với các doanh nghiệp, đối tác từ EU để tận dụng thuế quan ưu đãi, tiếp cận nguồn nguyên liệu và công nghệ chất lượng, tham gia vào chuỗi cung ứng từ một trong những khu vực kinh tế hàng đầu thế giới.

Đây cũng là nội dung chính của Tọa đàm: “Liên kết với doanh nghiệp EU, tận dụng hiệu quả EVFTA,” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 6/10, tại Hà Nội.

Cơ hội nhiều, cạnh tranh cũng gay gắt

Hiện nay, EU là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 . Chỉ riêng năm 2022 kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 62,24 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2021 và chiếm tỷ trọng 8,5% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

[Xây dựng thương hiệu: Cơ hội để nông sản bứt phá tại thị trường lớn]

Riêng ngành càphê, EU chiếm khoảng 40% lượng càphê xuất khẩu của Việt Nam. Theo ông Lương Văn Tự, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương Mại, Nguyên Trưởng đoàn đàm phán kinh tế thương mại Chính phủ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), với hiệp định EVFTA, khi thuế đối với càphê rang xay, càphê hòa tan và các sản phẩm khác của càphê xuống đến 0% sẽ tạo điều kiện cho chế biến và nâng cao giá trị của càphê Việt Nam để bán vào EU và nâng cao kim ngạch xuất khẩu.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn càphê ra thị trường thế giới trong năm 2022 với kim ngạch thu về hơn 4 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 32% về trị giá so với năm 2021.

Riêng thị trường EU, xuất khẩu càphê của Việt Nam sang thị trường này trong năm 2022 đạt 689.049 tấn, trị giá gần 1,5 tỷ USD, tăng 25,8% về lượng và tăng 45,4% về trị giá so với năm 2021.

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phúc Sinh Group chia sẻ, EU là thị trường lớn nhất của Phúc Sinh, chiếm từ 45% đến 55% tổng doanh thu của doanh nghiệp. Tuy vậy, ông cho rằng, khi EVFTA được thực thi, không chỉ doanh nghiệp Việt mà nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam cũng tận dụng việc giảm thuế từ Việt Nam sang châu Âu để xuất khẩu, do đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh rất nhiều trong cùng một mặt hàng xuất khẩu.

“Hiệp định này mang lại rất nhiều thuận lợi cho cả hai bên. Tuy vậy, mang lại thuận lợi lớn thì cạnh tranh cũng rất nhiều,” ông Thông nói.

Tận dụng EVFTA: Nâng tầm doanh nghiệp để tham gia chuỗi giá trị ảnh 2Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư bài bản để xuất khẩu thành công vào các thị trường khó tính. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Dẫn chứng thêm việc này, theo đại diện Phúc Sinh Group, trước đây phần nguyên liệu hầu như các doanh nghiệp châu Âu ít đầu tư, nhưng sau khi có EVFTA, họ quay lại đầu tư để cạnh tranh với các doanh nghiệp Việt Nam

“Đây là điều thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi quản lý, thay đổi sáng tạo, thay đổi cách làm để phù hợp có thể cạnh tranh được với một thị trường mở,” ông Phạm Minh Thông bầy tỏ.

Đầu tư bài bản- cơ hội tham gia chuỗi giá trị

Nếu như trước đây, khi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên vào Việt Nam thì hầu hết theo hình thức liên doanh với một doanh nghiệp Việt Nam, ví dụ giải phóng mặt bằng, quan hệ công quyền, giải quyết các vấn đề chính sách… thì đối tác Việt Nam lo, còn doanh nghiệp FDI lo về khâu sản xuất kinh doanh, bán hàng, các khâu về công nghệ.

Với hình thức này, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhìn nhận, lúc đấy lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam rất bình đẳng với doanh nghiệp nước ngoài, song tồn tại là chưa nâng cấp được các doanh nghiệp Việt lên để xứng tầm khi làm liên doanh với đối tác nước ngoài.

Dẫn chứng từ đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các chuyên gia, đại diện VAFIE cho hay, hiệu ứng lan tỏa thấp dẫn đến rất nhiều bất lợi cho Việt Nam, tức là lúc đấy không có chuyển giao công nghệ, tham gia chuỗi giá trị thấp, sản phẩm hỗ trợ không tham gia được nhiều hoặc ở phân khúc công nghệ thấp…

“Tất cả những chuyện như vậy dẫn đến thua thiệt, tức là vừa tham gia chuỗi giá trị chúng ta được lợi nhiều, giá trị đem lại cho Việt Nam, lợi nhuận cho Việt Nam nhiều và phát triển được nguồn nhân lực,” ông nói.

Tại tọa đàm, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), hiện đã bước vào năm thứ ba thực thi EVFTA, các dòng thuế cũng được cắt giảm sâu, tiệm cận dần mức độ 0-5% sẽ tiếp tục mở thêm nhiều cơ hội kinh doanh cho Việt Nam và cả EU.

Song để doanh nghiệp Việt Nam có thể kết nối được với EU và tận dụng tối đa các cơ hội mang lại, ông cho rằng, doanh nghiệp cần chú ý việc tương thích dần về các tiêu chuẩn kỹ thuật, bởi muốn tham gia chuỗi cung ứng của EU thì trình độ quản trị, trình độ kỹ thuật phải tăng lên. Cùng đó là đầu tư cho việc truy suất nguồn gốc, xuất xứ, sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường, phát triển bền vững…

“Nếu làm được thì cơ hội để chúng ta tham gia vào chuỗi cung ứng EU trong thời gian tới sẽ rất mạnh,” ông Ngô Chung Khanh nói.

Tận dụng EVFTA: Nâng tầm doanh nghiệp để tham gia chuỗi giá trị ảnh 3Kết nối doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, trong tuần tới, lãnh đạo Bộ Công Thương sẽ chủ trì một hội nghị lãnh đạo các Sở Công Thương trên toàn quốc để rà soát lại, đánh giá lại việc thực thi các hiệp định thương mại và đặc biệt chia sẻ các kinh nghiệm thành công trong việc kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp EU nói chia riêng sẽ được chia sẻ và từ đó các tỉnh học lẫn nhau để lan tỏa.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tập trung các hoạt động xúc tiến thương mại để giúp doanh nghiệp hiểu khách hàng, thị trường, từ đó, có hướng đi bài bản để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục