Danh mục các sản phẩm tiêu dùng thế mạnh của cả hai nước còn rất nhiều, nhu cầu thị trường Việt Nam và Bungaria vẫn rất tiềm năng và dư địa phát triển lớn trong thời gian tới.
Vì vậy, tại “Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm hàng tiêu dùng Việt Nam-Bulgaria 2020” tổ chức ngày 10/9 với sự tham dự của hơn 70 đại diện các cơ quan, doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh đây chính là cơ hội để các bên đẩy mạnh hợp tác, thúc đẩy thương mại.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, Bulgaria là thị trường tiềm năng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt thị trường và doanh nghiệp Bulgaria đã biết tới hàng Việt Nam.
Hơn nữa, Bulgaria là một thành viên chính thức của Liên minh châu Âu (EU) trong khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam-EU đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020 mở ra nhiều ưu đãi về thuế quan cho sản phẩm hai bên.
[Tổng thống Rumen Radev: Việt Nam là đối tác quan trọng của Bulgaria]
Do đó, để nâng tầm các cơ hội hợp tác, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định Chính phủ và Bộ Công Thương, cùng Thương vụ Việt Nam tại Bungari sẽ nỗ lực hết sức để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam về thông tin thị trường, làm cầu nối với các đối tác Bungaria, hỗ trợ giải quyết khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thâm nhập thị trường và kinh doanh.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ lựa chọn những doanh nghiệp có thực lực, quyết tâm và khát vọng để kết nối đối tác với doanh nghiệp Bungaria.
Với EVFTA, theo đại diện Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), những ưu đãi dành cho nhau về mở cửa thị trường sẽ giúp mở rộng "cửa" hơn nữa cho hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm hai bên có thế mạnh.
Trong khuôn khổ hội nghị, Cục Xúc tiến thương mại (VIETRADE) và Cục Xúc tiến doanh nghiệp vừa và nhỏ Bulgaria đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm tăng cường phối hợp các biện pháp, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hai nước Việt Nam-Bulgaria kết nối kinh doanh./.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, giá trị thương mại hai chiều giữa hai nước duy trì ở mức trên 100 triệu USD. Tính đến tháng 7/2020, Bungaria có 9 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 31,1 triệu USD, đứng thứ 66 trong số 130 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Bungari các mặt hàng tiêu dùng truyền thống như dệt may, da giày, cao su, nông sản, gồm: càphê, gạo, điều, thủy sản..., máy tính, điện thoại... và nhập khẩu từ Bungari các mặt hàng như nông sản, thực phẩm (lúa mì, dầu ăn, hoa quả khô, rượu...). |