Tận dụng cơ hội và khả năng thích ứng linh hoạt của nền kinh tế

Chính phủ xác định tiếp tục củng cố trạng thái bình thường mới, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, vừa sẵn sàng phòng chống dịch, coi việc bảo đảm an toàn là cơ sở để phát triển kinh tế-xã hội.
Tận dụng cơ hội và khả năng thích ứng linh hoạt của nền kinh tế ảnh 1Quang cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội sáng 20/10. Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã nghe: Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025; Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, định hướng giai đoạn 2021-2025; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Tận dụng các cơ hội và khả năng đa dạng hóa, thích ứng linh hoạt của nền kinh tế

Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đã xuất hiện và bùng phát trên phạm vi toàn cầu. Trong khi đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, chúng ta đã kiểm soát, khống chế được dịch bệnh, không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng; đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hỗ trợ kịp thời nhiều nước trong phòng chống dịch. Thành công bước đầu này thể hiện sự quyết tâm cao, ý chí thống nhất, hành động quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; thể hiện sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái của toàn dân tộc; củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; khẳng định tính ưu việt của hệ thống chính trị và bản chất tốt đẹp của chế độ ta; đồng thời tạo môi trường an toàn để cả nước tập trung phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế-xã hội, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Tận dụng cơ hội và khả năng thích ứng linh hoạt của nền kinh tế ảnh 2Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2-3%; là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới nhờ nội lực, tận dụng tốt các cơ hội và khả năng đa dạng hóa, thích ứng linh hoạt của nền kinh tế.

Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015 (theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN); GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD. Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30-35%).

Trong năm 2021 và những năm đầu của giai đoạn 2021-2025, Chính phủ tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội trong trạng thái bình thường mới.

[Xác định phương hướng, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội]

Chính phủ trình Quốc hội 12 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; trong đó: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%...

Trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến có 15 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5-7%; đến năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt 4.700-5.000 USD; tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 20% GDP…

Thủ tướng Chính phủ trình bày một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra.

Theo đó, trong thời gian đầu của giai đoạn 2021-2025 khi còn dịch bệnh, Chính phủ tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép,” tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch; chủ động xây dựng, triển khai các kịch bản phòng, chống tương ứng với các cấp độ của dịch; hoàn chỉnh quy trình phòng, chống dịch; kiểm soát phù hợp người nhập cảnh, ngăn chặn hiệu quả nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài, bảo đảm phòng dịch từ sớm, từ xa. Đồng thời, các biện pháp phòng, chống dịch cần được tính toán kỹ lưỡng, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân.

Tiếp tục củng cố trạng thái bình thường mới, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, vừa sẵn sàng phòng chống dịch trong tất cả các ngành, lĩnh vực và ở tại tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng; coi việc bảo đảm an toàn với dịch bệnh là cơ sở để phát triển kinh tế-xã hội. Chú trọng đẩy nhanh nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong phát triển vắcxin và có giải pháp để nhân dân tiếp cận, sử dụng vắcxin phòng dịch sớm nhất…

Hoàn thiện thể chế, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, định hướng giai đoạn 2021-2025. Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với kết quả đạt được như Báo cáo của Chính phủ.

Năm 2020, dự kiến có 8/12 chỉ tiêu đạt và vượt, GDP tăng trưởng dương (ước đạt trên 2%) là một điểm sáng trong khu vực và thế giới. Nhiều giải pháp, chính sách đã được ban hành, hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân bước đầu vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển các hoạt động kinh tế-xã hội. Lãi suất điều hành đã 3 lần giảm trong 9 tháng để kích thích kinh tế. Dù gặp khó khăn, công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng tăng 4,6%. Một số nhóm ngành dịch vụ thích ứng tốt hơn với bối cảnh mới. Nông nghiệp khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, xây dựng nông thôn mới về đích trước 1,5 năm. Hoạt động đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhất là trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA 41 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Tận dụng cơ hội và khả năng thích ứng linh hoạt của nền kinh tế ảnh 3Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Để nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn kết quả đạt được và hạn chế của năm 2020 và 5 năm 2016-2020, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá rõ hơn kết quả, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội; làm rõ khó khăn, vướng mắc; nghiên cứu bổ sung các giải pháp thực hiện mục tiêu phòng, chống đại dịch COVID-19 và hỗ trợ phục hồi kinh tế những tháng cuối năm 2020 và giai đoạn tiếp theo; đánh giá thêm hiệu quả của liên kết vùng trong phát huy thế mạnh của các vùng kinh tế, các đô thị lớn chưa trở thành động lực cho tăng trưởng và phát triển; về công tác xây dựng quy hoạch và phương án bảo đảm an ninh năng lượng. Năm 2020, đánh giá rõ thêm về khả năng thu, tình hình hụt thu và việc giảm chi theo quy định và mức bội chi hợp lý; những tác động đến nợ công, kinh tế vĩ mô.

Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, chất lượng giáo dục các cấp được nâng lên. Tuy nhiên, cơ sở vật chất trường lớp nhiều nơi xuống cấp; đào tạo chưa gắn chặt với thị trường lao động. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn còn chồng chéo; phân luồng đào tạo chưa có nhiều chuyển biến, cần tiếp tục có giải pháp khắc phục.

Những ngày gần đây, mưa lũ kéo dài gây sụt lở tại các tỉnh miền Trung gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của nhân dân. Tình trạng ô nhiễm không khí, bụi mịn ảnh hưởng sức khỏe người dân một số thành phố lớn. Ủy ban Kinh tế đề nghị tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, giám sát thiên tai, bảo đảm kịp thời, đủ độ tin cậy, hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả sau thiên tai; kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải vào các con sông gây ô nhiễm môi trường; báo cáo, làm rõ mức độ hoàn thành, hiệu quả của các nhóm giải pháp ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu...

Để có cơ sở vững chắc, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 thận trọng; giải trình đầy đủ cơ sở khi áp dụng cách tính GDP mới và trình Quốc hội xem xét quyết định; hoàn thiện thể chế, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số; đẩy nhanh xây dựng khung chính sách, pháp luật đối với xây dựng chính quyền điện tử hướng tới Chính phủ số; tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thông thoáng; xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ cao, kinh tế hộ gia đình...

Bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ sản xuất kinh doanh

Tiếp theo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Từ sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.365 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước thông qua các Đoàn đại biểu Quốc hội, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên.

Tại kỳ họp này, trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch kiến nghị 5 vấn đề. Cụ thể, Đoàn Chủ tịch đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách, biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Có các giải pháp để nâng cao năng lực và hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các loại dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não do virus, bệnh bạch hầu.

Tận dụng cơ hội và khả năng thích ứng linh hoạt của nền kinh tế ảnh 4Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Các bộ, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giải quyết vướng mắc trong thủ tục hành chính; tiếp tục đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công, chú trọng đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho các dự án lớn, đồng thời quan tâm đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng, vùng kinh tế trọng điểm.

Đoàn Chủ tịch đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tăng cường đôn đốc, giám sát chặt chẽ, thường xuyên việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế-xã hội, về triển khai các dự án đầu tư, công trình trọng điểm quốc gia; theo dõi sát sao việc giải quyết các vụ án lớn, phức tạp, nhất là các vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, những vụ án phức tạp, kéo dài gây bức xúc trong nhân dân.

Đoàn Chủ tịch đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc mua sắm trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập để chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm; rà soát, sửa đổi quy định pháp luật để khắc phục ngay những "lỗ hổng" về cơ chế xã hội hóa tại các cơ sở y tế công.

Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tăng cường công tác thanh tra đối với những lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng, các dự án thua lỗ kéo dài; ngành Thanh tra và chính quyền các cấp tập trung thanh tra, kiểm tra giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, nhất là liên quan đến đất đai; thực hiện nghiêm việc công khai các kết luận thanh tra.

Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, triệt phá các băng nhóm giang hồ, xã hội đen, các hành vi buôn bán ma túy, lừa đảo, đánh bạc và tội phạm công nghệ cao, vi phạm về môi trường, quản lý tài nguyên.

Cấp ủy, chính quyền các cấp phát huy trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác cán bộ; rà soát chặt chẽ, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.

Kết thúc Phiên khai mạc, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục