Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA),Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)… không chỉ tạo lợi thế cho hàng hóa Việt Nam nâng cao kim ngạch xuất khẩu mà còn tạo động lực giúp các doanh nghiệp nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đây là một trong những nhận định được đưa ra tại Hội thảo Xuất khẩu vào các thị trường FTA, giải bài toán phát triển bền vững, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 18/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tạo sức bật từ các FTA
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát triển sản xuất Thương mại Sài Gòn (Sadaco), cho rằng trong điều kiện nền kinh tế đang gặp nhiều thách thức, các FTA vẫn mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp.
Với thức tế như Sadaco, ông Mạnh dẫn chứng, năm 2014 xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào thị trường Mỹ không đáng kể. Nhưng tới nay, xuất khẩu vào thị trường này đang chiếm khoảng 60% trong tổng lượng xuất khẩu đi các thị trường.
“Hiệp định CPTPP đã giúp các doanh nghiệp đi sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và từng doanh nghiệp điều hòa cùng nhịp thở của doanh nghiệp thế giới. Nhờ đó, đến nay sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có thương hiệu tại các thị trường lớn, thị trường mới nổi,” đại diện Sadaco cho hay.
[Thương mại Việt Nam-New Zealand hướng tới 2 tỷ USD vào năm 2024]
Đánh giá về các FTA, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục công thương phụ trách khu vực phía Nam (Bộ Công Thương) cho rằng, các hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA... sau một thời gian thực thi đã phát huy hiệu quả tích cực, không chỉ thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường này cũng ghi nhận tăng trưởng cao.
Đơn cử, nhờ CPTPP, xuất khẩu hàng hóa sang Canada, Mexico và Peru đều có mức tăng trưởng từ 25-30%/năm. Còn với EU, sau khi hiệp định EVFTA thực thi, năm 2021, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 63,6 tỷ USD, tăng trưởng 14,8% so với năm 2020. Riêng 9 tháng năm nay, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này ước đạt 39,4 tỷUSD, tăng 22,3%.
- Việt Nam đang xuất siêu sang thị trường EU:
Trong khi đó, bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) cũng nhấn mạnh hiệu ứng tích cực từ khi thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Lấy ví dụ từ hiệp định EVFTA, bà Hiền cho hay, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào EU có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa khi không chỉ các mặt hàng chủ lực đạt tốc độ tăng ấn tượng như: máy móc-thiết bị (43%), giày dép (54%), dệt may (44%), mà kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản cũng đang tăng ở mức rất cao, đáng kể như: càphê (43,4%), thủy sản (31,6%), rau quả (23,5%), gạo (12,2%)…
Hơn nữa, cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam-EU cũng phần nhiều mang tính bổ trợ, không cạnh tranh trực tiếp. Do vậy, bà Hiền khẳng định dư địa thị trường còn tương đối lớn để các doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác trong thời gian tới.
Đáp ứng các yêu cầu cao của thị trường
Mặc dù tiềm năng và thời cơ rất lớn, song để tận dụng tối đa ưu đãi từ các FTA mang lại, đặc biệt trong bối cảnh tình hình quốc tế dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là xu hướng EU siết chặt các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường/khí hậu, phát triển bền vững… ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham cho rằng, điều quan trọng nhất là cần phải cung cấp thông tin đầy đủ cho cộng đồng doanh nghiệp để khai thác tốt nhất những quy định đã có.
Cũng theo chuyên gia này, thị trường EU đang có xu hướng dịch chuyển rất mạnh mẽ sang tiêu dùng hàng hóa xanh, sạch và đáp ứng tiêu chuẩn về lao động, về môi trường… Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần xây dựng thương hiệu riêng cho mình, hạn chế xuất khẩu thô, nâng cao năng lực chế biến.
Đại diện Euro Cham cũng đưa ra một số lưu ý cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU, trong đó hàng hóa phải đáp ứng ứng các biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS ) và rào cản kỹ thuật (TBT) liên quan đến sản phẩm, đồng thời sản phẩm phải đáp ứng các quy tắc xuất xứ.
Về phía Bộ Công Thương, bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ cũng lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nắm bắt, điều chỉnh kế hoạch sản xuất và kinh doanh bài bản để kịp thời thích nghi với các yêu cầu, quy định mới của thị trường, tham gia hiệu quả, bền vững vào chuỗi cung ứng.
Theo đó, cần tập trung đổi mới công nghệ, đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến các tiêu chí sản xuất xanh, sạch, thân thiện môi trường và đảm bảo các điều kiện cho người lao động...
Liên quan đến phát triển xuất khẩu bền vững, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030.
Theo chiến lược này, định hướng xuất khẩu hàng hoá yêu cầu phát triển xuất khẩu bền vững, phát huy lợi thế so sánh và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hợp lý theo chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường sinh thái và giải quyết tốt các vấn đề xã hội.
“Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng xây dựng Chương trình hành động để tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược đảm bảo thiết thực, hiệu quả, để hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững của đất nước. Tuy nhiên, hướng tới mục tiêu này vẫn còn một chặng đường rất dài với nhiều vấn đề đặt ra và cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp,” bà Hiền nhấn mạnh./.