Kim ngạch xuất khẩu đã có sự hồi phục mạnh mẽ, giúp cán cân thương mại của cả nước sau 8 tháng đạt thặng dư ở mức cao. Trong đó, các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… đều đạt mức tăng trên 2 con số, giúp hàng hóa của Việt Nam nâng cao được vị thế và khả năng đáp ứng trong các chuỗi giá trị.
Giữ nhịp tăng trưởng cao ở các thị trường chủ lực
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, nếu như tháng Bảy xuất khẩu đi xuống thì với đà tăng đã trong tháng 8/2022, khi xuất khẩu của cả nước ước đạt 33,38 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước. Mức tăng trên đã đưa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước sau 8 tháng ước đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
[Các FTA tạo xung lực mới cho hoạt động xuất khẩu]
Qua thống kê cho thấy kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong tháng 8/2022 đã tăng 9,5% so với tháng trước, nhờ đóng góp của nhiều mặt hàng chiến lược như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 11,6%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 30,6%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 49,3%; giầy dép các loại tăng 5,6%.
Như vậy, trong 8 tháng, riêng nhóm hàng công nghiệp chế biến đã đem về khoảng 215,39 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 85,88% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.
Là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước, theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, 8 tháng vừa qua, ngành dệt may xuất khẩu ước đạt 30,1 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 17,5 tỷ USD.
Với kết quả này, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết ngành dệt may tiếp tục xuất siêu khoảng 12,6 tỷ USD. Dự kiến trong năm nay toàn ngành có thể xuất khẩu khoảng 43,5 tỷ USD cho dù dự báo những tháng cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn.
Còn theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso), cho đến thời điểm này, lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ngành da giày tận dụng rất tốt và các FTA chính là động lực để ngành da giày vượt qua thách thức từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 giai đoạn qua.
Cũng trong 8 tháng qua, xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản đã lấy lại được con số tăng trưởng ấn tượng với kim ngạch ước đạt 20,66 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước (chiếm 8,2% tổng kim ngạch xuất khẩu).
Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao như: Thủy sản đem về 7,5 tỷ USD, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm trước; càphê đạt 2,8 tỷ USD, tăng 39,6% về trị giá xuất khẩu và tăng 14,7% về lượng so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu gạo tăng tới 19% về lượng và tăng 8,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá chung cho thấy các thị trường chủ lực đều ghi nhận mức tăng cao. Đơn cử, xuất khẩu vào Hoa Kỳ ước đạt 77,7 tỷ USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 31% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Còn tại thị trường EU, xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 32 tỷ USD, tăng 24%; xuất khẩu sang ASEAN ước đạt 23,5 tỷ USD, tăng 27,6%; xuất khẩu sang Hàn Quốc ước đạt 16,5 tỷ USD, tăng 16,4%...
Thặng dư thương mại ở mức cao
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2022 ước đạt 30,96 tỷ USD, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 246,84 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 34,4%).
Mặc dù nhập khẩu tăng song đại diện Bộ Công Thương cho biết hàng hóa nhập khẩu vẫn chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước khi nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 94%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Với diễn biến xuất nhập khẩu như vậy, cán cân thương mại hàng hóa tháng 8/2022 ước xuất siêu 2,42 tỷ USD. Lũy kế 8 tháng năm 2022, Việt Nam xuất siêu khoảng 3,96 tỷ USD.
- Cán cân thương mại 8 tháng năm 2022:
Để hoàn thành kế hoạch năm, cũng như nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động xuất nhập khẩu, đại diện Bộ Công Thương cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, như các thủ tục hoàn thuế, thủ tục thông quan xuất nhập khẩu, cấp chứng nhận xuất xứ (C/O)…
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để đảm bảo đủ nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng… chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các FTA đã ký kết để tăng tốc sản xuất, xuất khẩu.
Các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các hiệp hội ngành hàng nắm bắt tình hình và xử lý, tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác phát triển thị trường, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường.
Đặc biệt, công tác thông tin, tuyên truyền cho các doanh nghiệp về thông tin thị trường, các biện pháp tận dụng các cam kết ưu đãi thuế quan trong các Hiệp định FTA đã ký kết cũng là một trọng tâm mà Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới./.