Theo trang mạng thehill.com, có rất nhiều cách để một vụ tấn công hạt nhân có thể được khởi động. Chúng bao gồm: hận thù, điên cuồng, sai lầm và tính toán sai. Trong số những cách khởi động một vụ tấn công hạt nhân, chỉ riêng “hận thù” có thể bị ngăn cản bởi răn đe hạt nhân (do tâm lý lo sợ sự trả đũa hạt nhân).
Ví dụ, nếu một nhà lãnh đạo không tin rằng việc trả đũa hạt nhân sẽ xảy ra, họ có thể sẵn sàng tấn công và răn đe hạt nhân sẽ không có tác dụng.
Trong khi đó, cả điên cuồng, sai lầm và tính toán sai đều hoạt động độc lập với răn đe hạt nhân. Những hội chứng này sẽ là mối lo ngại lớn cho tương lai nhân loại.
Một nhà lãnh đạo điên cuồng hoặc muốn tự sát có thể khởi động kho vũ khí hạt nhân mà không lo sợ bị trả thù. Một sai lầm cũng có thể dẫn tới việc sử dụng vũ khí hạt nhân mà không lo sợ bị trả thù. Tương tự, tính toán sai lầm về mục đích của một quốc gia được trang bị vũ khí hạt nhân có thể dẫn tới tấn công hạt nhân mà không lo sợ bị trả thù.
Mối lo sợ mới, lớn hơn đang dần hiện hữu, liên quan đến các cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống hạt nhân của kẻ thù trong bối cảnh các hacker ngày càng có nhiều cách thức hết sức tinh vi để vượt qua các bức tường an ninh mạng. Nếu hacker có thể xuyên thủng các bức tường bảo vệ kho vũ khí hạt nhân, thì điều đó sẽ là thảm họa.
Hãy tưởng tượng, một cuộc tấn công mạng vào hệ thống vũ khí hạt nhân cho phép một phe nhóm bên ngoài bắn vào kho vũ khí hạt nhân của một nước hoặc một phần của kho vũ khí tại một quốc gia khác.
Điều này có thể xảy ra bởi phe nhóm bên ngoài, làm việc độc lập hoặc làm cùng một quốc gia, xâm nhập và kích hoạch mật mã phóng vũ khí hạt nhân.
Liệu chúng ta có thể đảm bảo rằng điều này có thể không xảy ra đối với 9 quốc gia được trang bị vũ khí hạt nhân hiện nay hay không?
[Tổng thống Hàn Quốc: Triều Tiên nhận thức rõ khái niệm phi hạt nhân]
Nó sẽ tạo ra một mối đe dọa thường trực đối với các quốc gia được trang bị vũ khí hạt nhân luôn trong tình trạng báo động cao, sẵn sàng bắn ngay sau khi nhận được lệnh.
Gần đây, Viện quan hệ quốc tế Hoàng gia ở Anh đã công bố một báo cáo nghiên cứu, trong đó lưu ý rằng: “Có khả năng, Mỹ đã thâm nhập các bộ phận của hệ thống tên lửa Triều Tiên và khiến cho việc thử nghiệm của nước này bị thất bại.
Nhưng các vụ tấn công mạng gần đây cho thấy rằng hệ thống vũ khí hạt nhân cũng có thể là mục tiêu can thiệp, xâm nhập và phá hoại bằng cách sử dụng phần mềm gián điệp hoặc các loại virus mà có thể gây nhiễm cho các bộ phận kỹ thuật số của hệ thống vũ khí hạt nhân vào bất kỳ thời điểm nào. Các cấu trúc silo, ví dụ, được cho là dễ bị tổn thương trước các vụ tấn công mạng.”
Thậm chí nếu 8 trong 9 quốc gia được trang bị vũ khí hạt nhân có hệ thống an ninh mạng chắc chắn, thì mắt xích yếu nhất có thể dễ bị tổn thương trước một vụ tấn công mạng. Chắc hẳn, những phương tiện mới thâm nhập hệ thống an ninh mạng sẽ được phát triển trong tương lai.
Hãy tưởng tượng rằng các nhóm khủng bố có thể có những kỹ năng cho phép chúng chọc thủng hệ thống an ninh mạng của một hoặc hai quốc gia được trang bị vũ khí hạt nhân và cài đặt lệnh phát động tấn công hạt nhân với nguy cơ đe dọa cao và những hậu quả khủng khiếp.
Khoảng cách trong lý thuyết răn đe hạt nhân không thể lấp đầy bằng cách “ném tiền vào chúng” hoặc những loại tên lửa mới với đầu đạn hạt nhân lớn nhỏ.
Vấn đề của việc răn đe hạt nhân là nó có thể không đem lại hiệu quả, và khả năng phá vỡ hệ thống an ninh mạng của kho vũ khí hạt nhân chỉ có thể làm tăng mối đe dọa và khả năng dễ tổn thương hơn.
Việc đối phó có ý nghĩa đối với vũ khí hạt nhân là phải tuyên truyền tác hại của nó, làm cho nó mất tính hợp pháp và cấm sử dụng. Đây chính xác là điều mà Hiệp ước mới về Ngăn chặn sử dụng Vũ khí hạt nhân tìm cách được thông qua.
Hiệp ước này xứng đáng nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của cộng đồng thế giới.
Tuy nhiên, hiện nay nó mới chỉ nhận được sự ủng hộ của các quốc gia không có vũ khí hạt nhân và bị phản đối bởi những nước sở hữu vũ khí hạt nhân và những nước nương tựa dưới chiếc ô hạt nhân của Mỹ.
Điều này phải thay đổi vì lợi ích của tất cả nhân dân trên thế giới và đặc biệt là công dân của những nước trang bị vũ khí hạt nhân, những người có thể là nạn nhân đầu tiên của một cuộc tấn công hạt nhân./.