Theo số liệu thống kê qua các botnet (mạng máy tính ma) sử dụng hệ thống Kaspersky DDoS Intelligence trong quý 2/2019, tổng số vụ tấn công DDoS (tấn công từ chối dịch vụ) trên thế giới đã tăng 18% so với cùng kỳ năm 2018.
Những cuộc tấn công tầng ứng dụng với đặc điểm khó tổ chức hơn cũng tăng đáng kể. Với mức tăng 32% so với Quý 2/2018, tấn công tầng ứng dụng chiếm 46% trong số các cuộc tấn công được Kaspersky DDoS Protection ngăn chặn.
Cũng theo báo cáo của Kaspersky, số vụ tấn công DDoS trong quý 2 đã giảm hơn 44% so với quý 1. Điều này không nằm ngoài dự đoán vì các cuộc tấn công DDoS thường không diễn ra mạnh thời điểm cuối mùa xuân và mùa hè.
Riêng tại Việt Nam, tổng số vụ tấn công DDoS tại Việt Nam đã tăng nhẹ từ 108 vụ vào quý 2/2018 lên 114 vào quý 2/2019. So với quý 1/2019, số lượng các cuộc tấn công DDoS tại Việt Nam đã giảm 5%.
Ông Alexey Kiselev, Giám đốc phát triển kinh doanh của nhóm Kaspersky DDoS Protection cho biết: “Theo thông lệ, những kẻ thực hiện tấn công DDoS sẽ giảm tấn công vào mùa nghỉ lễ (từ hè cho đến khoảng tháng 9). Tuy nhiên, số liệu thống kê quý 2/2019 cho thấy những hacker chuyên nghiệp chuyên thực hiện các cuộc tấn công DDoS phức tạp vẫn hoạt động ngay cả trong những tháng hè. Xu hướng này gây khá nhiều lo ngại cho doanh nghiệp.”
Phân tích các lệnh mà botnet nhận được từ cơ sở hạ tầng chỉ huy và kiểm soát (C&C) cho thấy cuộc tấn công DDoS dài nhất trong quý 2 kéo dài 509 giờ. Đây là cuộc tấn công dài nhất kể từ khi Kaspersky bắt đầu theo dõi hoạt động botnet vào năm 2015. Trước đó, cuộc tấn công dài nhất kéo dài 329 giờ được thực hiện vào quý 4 năm 2018.
[Việt Nam đứng thứ 6 trên toàn cầu về nguồn tấn công DDoS]
Trước đó, theo Báo cáo Nguy cơ quý 4 năm 2018 của Nexusguard, những số liệu thống kê cho thấy một vị trí đáng quan ngại của Việt Nam trong bức tranh tấn công DDoS toàn cầu.
Cụ thể, Việt Nam đứng vị trí thứ 6 trên toàn cầu về nguồn tấn công DDoS trên toàn cầu sau Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Nga và Brazil. Đáng quan ngại hơn, Việt Nam đứng thứ vị trí thứ 2 trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương về nguồn tấn công DDoS với tỷ lệ 9,52% sau Trung Quốc./.