Tân Chủ tịch APO: Sẽ kết nối và thúc đẩy hợp tác giữa APO và ASEAN

Việc đảm nhận vai trò Chủ tịch APO diễn ra trong bối cảnh hết sức quan trọng vì năm 2021 APO sẽ thông qua tầm nhìn và chiến lược mới, thực hiện nhiều cải cách quan trọng về cơ cấu tổ chức, chính sách.
Phó Tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp đắc cử Chủ tịch APO nhiệm kỳ 2020-2021. (Nguồn: most.gov)

Tại Hội nghị Ban Chấp hành (GBM) Tổ chức Năng suất châu Á (APO) lần thứ 62 mới diễn ra, Giám đốc APO thường trực Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Hà Minh Hiệp là Trưởng đoàn Việt Nam tham dự hội nghị và được bầu là Chủ tịch APO nhiệm kỳ 2020-2021.

Đây là lần thứ hai sau 21 năm Việt Nam đảm nhận vai trò quan trọng này (lần đầu tiên vào năm 1999).

Hội nghị GBM là hội nghị cấp cao nhất của APO được tổ chức hàng năm gồm đại diện là Giám đốc APO quốc gia của hơn 20 nền kinh tế thành viên, GBM quyết định nhiều vấn đề chính sách quan trọng của APO. Hội nghị lần này cũng chào đón thành viên mới gia nhập là Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhân sự kiện Việt Nam được bầu làm Chủ tịch APO nhiệm kỳ 2020-2021, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã có cuộc phỏng vấn ông Hà Minh Hiệp về vấn đề này.

- Đây là lần thứ hai sau 21 năm Việt Nam lại chính thức trở thành Chủ tịch APO nhiệm kỳ 2020-2021, xin Ông chia sẻ về vai trò này?

Chủ tịch APO Hà Minh Hiệp: Tổ chức năng suất châu Á (Asian Productivity Organization - APO) là tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, liên chính phủ được thành lập năm 1961.

Với 21 nền kinh tế thành viên, APO là tổ chức duy nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương chuyên về năng suất, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững thông qua nâng cao năng suất. Ban chấp hành APO (APO Governing Body) là cơ quan cao nhất của APO với thành viên là Giám đốc APO quốc gia hoặc Giám đốc APO quốc gia thường trực từ các nền kinh tế thành viên.

Mỗi năm Ban chấp hành APO họp một lần để quyết định nhiều chính sách quan trọng như báo cáo tài chính, ngân sách hàng năm, định hướng chiến lược, kế hoạch, thành viên của APO...

[Gian lận về kinh doanh xăng dầu: Thêm chế tài để ngăn chặn vi phạm]

Được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam chính thức trở thành thành viên APO từ ngày 1/1/1996.

Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ được ủy quyền là đại diện thường trực Việt Nam tại APO và là đầu mối tổ chức thực hiện các chương trình, dự án của APO, các dự án song phương với các Tổ chức năng suất quốc gia thành viên APO.Nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đảm nhận vị trí Chủ tịch APO.

Việc đảm nhận vai trò Chủ tịch APO diễn ra trong bối cảnh hết sức quan trọng vì năm 2021 APO sẽ thông qua tầm nhìn và chiến lược mới, thực hiện nhiều cải cách quan trọng về cơ cấu tổ chức, nhân sự, chính sách để phù hợp với tình hình mới và đặc biệt là để khắc phục các tác động do dịch COVID-19 gây ra.

Để chuẩn bị cho việc này, ngay từ năm 2019, Việt Nam đã tích cực tham gia các chương trình, dự án liên quan của APO như tham gia Ban chỉ đạo và nhóm chuyên gia kỹ thuật xây dựng tầm nhìn và chiến lược mới đến năm 2025 của APO, chương trình xây dựng quy trình chuẩn trong công nhận và chứng nhận đối với lĩnh vực năng suất của APO, nghiên cứu đánh giá thực trạng và nhu cầu về sản xuất thông minh cho các nền kinh tế thành viên, nghiên cứu xây dựng sách dữ liệu về năng suất, nghiên cứu về chuyển đổi nông nghiệp thông minh...

Đồng thời, Việt Nam triển khai nhiều hoạt động hợp tác với các nền kinh tế thành viên trong các lĩnh vực liên quan như sản xuất thông minh, chuẩn đối sánh, truy suất nguồn gốc, mô hình hoàn hảo... Có thể nói vai trò và hình ảnh của Việt Nam đã được tăng cường đáng kể và ghi nhận trong APO.

- Trong bối cảnh dịch COVID-19, xin ông cho biết chiến lược mới đến năm 2025 của APO và những nỗ lực của Việt Nam trong APO?

Chủ tịch APO Hà Minh Hiệp: Hội nghị Ban chấp hành APO lần thứ 62 diễn ra ngày 8/6 vừa qua đã bước đầu thông qua báo cáo Tầm nhìn và Chiến lược mới đến năm 2025 do Ban chỉ đạo và nhóm chuyên gia kỹ thuật của APO xây dựng.

Theo đó, APO sẽ hướng tới việc thúc đẩy tăng cường năng suất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương một cách bao trùm hơn và dựa trên hoạt động đổi mới sáng tạo, giúp phát triển kinh tế-xã hội và đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững.

Tầm nhìn và chiến lược của APO được xây dựng trong thời khắc lịch sử khi cả thế giới đang phải trải qua các ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.

Quang cảnh Hội nghị. (Nguồn: most.gov)

Do vậy, thời gian tới, APO sẽ thúc đẩy việc áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, hoạt động đổi mới sáng tạo, tập trung vào các đối tượng thuộc nhóm yếu thế như phụ nữ, người tàn tật, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời triển khai nhiều nghiên cứu liên quan để hỗ trợ các nền kinh tế thành viên phục hồi nền kinh tế sau dịch.

APO cũng sẽ tăng cường triển khai các nền tảng số như tổ chức các buổi tọa đàm, tư vấn trực tuyến.

Tính đến thời điểm hiện tại, 14 buổi tọa đàm đã được tổ chức phát trực tiếp trên kênh Youtube của APO, thu hút hơn 20.000 lượt xem và 1.000 người đăng ký chỉ sau 2 tháng triển khai.

Với tư cách là thành viên của APO, Việt Nam luôn luôn tích cực tham gia vào các hoạt động chung của APO, chủ động đề xuất các hoạt động hợp tác liên quan đối với APO và cả các nền kinh tế thành viên.

Đối với việc xây dựng tầm nhìn và chiến lược mới đến năm 2025 của APO, Việt Nam là thành viên duy nhất được lựa chọn tham gia vào Ban chỉ đạo và nhóm chuyên gia kỹ thuật và đã tích cực tham gia 2 cuộc họp của Ban chỉ đạo và 2 cuộc họp của nhóm chuyên gia kỹ thuật để xây dựng Tầm nhìn và Chiến lược mới của APO.

Năm 2020, Việt Nam cũng đăng cai hội nghị Lãnh đạo các nhà lãnh đạo Tổ chức năng suất quốc gia lần thứ 61 của APO, hội nghị quan trọng thứ hai sau GBM để quyết định các chương trình, dự án sẽ triển khai trong các năm tiếp theo.

Các nỗ lực và đóng góp của Việt Nam luôn được APO và các nền kinh tế thành viên đánh giá cao.

- Với vai trò Chủ tịch APO, Việt Nam có định hướng gì trong thời gian tới?

Chủ tịch APO Hà Minh Hiệp: Tầm nhìn và Chiến lược mới đến năm 2025 của APO có vai trò hết sức quan trọng, làm kim chỉ nam cho tất cả các hoạt động của APO trong bối cảnh mới với nhiều sự thay đổi và thách thức.

Vì vậy, với vai trò là Chủ tịch APO, Việt Nam sẽ cố gắng cùng các nền kinh tế thành viên thúc đẩy việc triển khai hiệu quả Tầm nhìn và Chiến lược mới đến năm 2025 để góp phần giúp nâng cao năng suất tại các nền kinh tế thành viên; đồng thời, giảm thiểu các ảnh hưởng do dịch COVID-19 gây ra và khôi phục nền kinh tế hậu COVID-19.

(Nguồn: most.gov)

Đặc biệt, Việt Nam sẽ là một trong những thành viên đi đầu trong việc triển khai các chương trình tư vấn, đánh giá về năng suất, chứng nhận năng suất, xây dựng và thực hiện kế hoạch tổng thể về năng suất, xây dựng trung tâm xuất sắc về phát triển năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo trong APO.

Năm 2020 là năm Việt Nam đồng thời đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch APO. Vì vậy, thời gian tới, Việt Nam sẽ kết nối và thúc đẩy hợp tác giữa APO và ASEAN.

Hiện tại, Tổng cục đã có nhiều hoạt động để chuẩn bị như tổ chức hội nghị trù bị cho hợp tác giữa ASEAN và APO vào tháng Hai vừa qua tại Hà Nội với sự tham gia của Tổng thư ký APO, Ban thư ký APO, Ban thư ký ASEAN, đại diện các Ủy ban chuyên ngành của ASEAN và các bộ, ngành liên quan để thảo luận về cách thức và hoạt động hợp tác.

Đồng thời, Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng và APO sẽ cùng phối hợp để triển khai sáng kiến của Việt Nam về sản xuất thông minh cho Năm chủ tịch ASEAN.

Đáng chú ý, năm 2020 là năm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, APO triển khai kế hoạch hợp tác chung để hỗ trợ các nền kinh tế thành viên vượt qua giai đoạn khó khăn hậu COVID-19.

Năm 2020 cũng là năm đầy thách thức đối với cả thế giới và các nền kinh tế thành viên của APO, tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để APO nhìn nhận lại và điều chỉnh các ưu tiên và hoạt động cho phù hợp.

Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 62 đã thông qua gói ngân sách đặc biệt dành cho việc đối phó với dịch COVID-19.

Theo đề xuất từ phía Việt Nam, APO sẽ cùng các nền kinh tế thành viên ra cam kết chung về có các hoạt động hỗ trợ lẫn nhau vượt qua giai doạn khó khăn do dịch COVID-19 gây ra.

Thời gian tới, Việt Nam sẽ nỗ lực cùng APO và các nền kinh tế thành viên xây dựng và triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác trên.

Trân trọng cảm ơn Ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục