Tân Bộ trưởng Kinh tế Brazil cam kết ổn định tình hình tài chính

Tân Bộ trưởng Kinh tế Brazil Barbosa cam kết ổn định tình hình tài chính, đưa nền kinh tế tăng trưởng bền vững và nhấn mạnh sẽ thúc đẩy những chính sách nhằm hạn chế tối đa thâm hụt ngân sách.
Tân Bộ trưởng Kinh tế Brazil Nelson Barbosa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 18/12, tân Bộ trưởng Kinh tế Brazil Nelson Barbosa cam kết sẽ nỗ lực để bình ổn tình hình tài chính, giảm lạm phát và đưa đất nước thoát khỏi suy thoái.

Phát biểu tại buổi họp báo sau khi được Tổng thống Dilma Rousseff bổ nhiệm, ông Barbosa khẳng định chỉ khi tình hình tài chính ổn định, nền kinh tế mới có thể đạt tăng trưởng bền vững và nhấn mạnh sẽ thúc đẩy những chính sách nhằm hạn chế tối đa thâm hụt ngân sách.

Tổng thống Rousseff đã bổ nhiệm ông Barbosa, 46 tuổi, chỉ ít giờ sau khi người tiền nhiệm Joaquim Levy từ chức trong bối cảnh 9 tháng đầu năm, nền kinh tế Brazil suy giảm 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh nhất trong 19 năm qua.

Theo ông Barbosa, ngoài việc tăng cường kỷ luật tài chính, Brazil cần tiến hành cải cách mang tính dài hạn, loại bỏ cái gọi là “chi tiêu bắt buộc theo luật định.”

Ông bày tỏ hoàn toàn tin tưởng vào nền kinh tế thứ 7 thế giới với 204 triệu dân và lực lượng nhân công có tay nghề sẽ khắc phục được hoàn cảnh khó khăn hiện nay.

Trước khi được bổ nhiệm vào vị trí mới, ông Barbosa giữ chức Bộ trưởng Kế hoạch. Trong tương lai, nhiệm vụ của ông Barbosa, một nhà kinh tế theo đuổi chính sách phát triển linh hoạt và không cứng nhắc như ông Levy, sẽ vô cùng khó khăn.

Ông Valdir Moysés Simão sẽ thay ông Barbosa làm Bộ trưởng Kế hoạch.

Tổng thống Rousseff nhậm chức hồi đầu năm nay đang phải đối diện với cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị vô cùng trầm trọng.

Việc ông Levy từ chức có liên quan tới bất đồng giữa ông này với Chính phủ về việc đề ra mức thâm hụt ngân sách cho năm 2016.

Ông Levy cho rằng thâm hụt ngân sách ban đầu của Brazil năm tới cần giữ ở mức 0,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong khi nhiều bộ trưởng và cho rằng để tiếp tục theo đuổi các chương trình xã hội con số này nên ở mức 0,5%.

Ngày 17/12, Quốc hội Brazil đã thông qua con số này ở mức 0,6%.

Các hãng tư vấn liên tục hạ mức tín nhiệm của Brazil trong những tháng gần đây. Các chuyên gia dự báo tăng trưởng kinh tế Brazil sẽ giảm 3,19% trong năm nay, và sẽ tăng trưởng âm 2,04% trong năm 2016.

Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là đợt suy thoái tồi tệ nhất của nền kinh tế số một Mỹ Latinh trong 85 năm qua, kể từ cuộc Đại suy thoái hồi thập niên 30 của thế kỷ trước.

Mới đây nhất, ngày 16/12, cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch đã hạ mức dự báo về triển vọng đầu tư của Brazil từ mức "BBB-" xuống mức "BB+" do lo ngại tình hình kinh tế, tài chính tồi tệ và khủng hoảng chính trị ở Brazil đe dọa khả năng thanh toán nợ.

Trước đó, đầu tháng Chín vừa qua, hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's (S&P) cũng đã "đánh tụt" xếp hạng tín nhiệm của Brazil xuống mức rủi ro vì những lý do tương tự.

S&P đã tăng mức độ rủi ro tín dụng quốc gia của Brazil đến ngưỡng "không còn hy vọng đầu tư" khi hạ xếp hạng tín nhiệm của quốc gia Nam Mỹ này xuống 1 bậc, từ BBB- xuống còn BB+ với triển vọng tiêu cực.

Nhiều hãng tư vấn độc lập khác cũng đã hạ mức xếp hạng uy tín của Brazil và cho rằng quốc gia này không còn an toàn cho các nhà đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục