Quy hoạch đô thị ven sông Hồng: Người dân Thủ đô vừa mừng, vừa lo!

Tâm tư người dân Thủ đô trước đồ án quy hoạch đô thị xanh sông Hồng

Nhắc tới đồ án quy hoạch đô thị xanh ven sông Hồng, tâm lý chung của người Hà Nội đều mong rằng sau khi quy hoạch được triển khai sẽ góp phần cải thiện chất lượng sống cho chính người dân,...
Người dân canh tác ven sông dọc khu Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội. (Ảnh: Hùng Nguyên/Vietnam+)

Trước thông tin 1.500 hộ dân có thể phải di dời để phục vụ đồ án quy hoạch đô thị sông Hồng (trải dài khoảng 40km, bao phủ diện tích 11.000ha thuộc địa giới 13 quận, huyện), người dân Thủ đô mong chờ sẽ có một đô thị xanh, mở “cánh cửa rộng” để tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội, góp phần thu hút các nhà đầu tư lớn và cải thiện chất lượng sống cho chính người dân; song nhiều người cũng bày tỏ nỗi lo liên quan đến các vấn về sinh kế, đền bù đất đai khi di dời,...

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, từ năm 2012, trên cơ sở quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, thành phố Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Tuy nhiên, dù có đến hơn 20 đề án, dự án liên quan nhưng đến nay, thành phố “trái tim của cả nước” vẫn chưa xây dựng đề án quy hoạch phân khu sông Hồng phù hợp bởi nhiều yếu tố phức tạp, đan xen.

Trải qua một thời gian dài từ bài học về quy hoạch có tính lịch sử trên, cùng với quyết tâm và nghiên cứu cẩn trọng, mới đây, Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thống nhất trình các bộ, ngành liên quan đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 để tiến tới phê duyệt, ban hành quy hoạch này vào tháng 6/2021.

Đây được xác định là trục không gian đặc trưng cây xanh, mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm, với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí, biểu tượng của Thủ đô, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch, công viên ngập lũ...

Ngoài ra, đồ án quy hoạch cũng đề cập đến việc xây dựng cầu, hầm kết nối đô thị hai bên sông, kết nối giao thông đô thị và đường thủy; các tuyến đê đoạn qua nội đô được giữ nguyên trạng, đoạn còn lại nâng cấp thành đường chính khu vực với bốn làn xe; quy hoạch hai tuyến đường sáu làn xe chạy dọc hai bên sông, trong đó có đường dành cho người đi bộ, đi xe đạp và nhiều công trình tiên tiến khác.

[Quy hoạch đô thị xanh hai bờ sông Hồng: Cơ hội cho Thủ đô vươn mình]

Trước những thông tin trên, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã đi dọc hai bên bờ sông Hồng và ghi nhận ý kiến của người dân tại các địa phương nằm trên trục quy hoạch đô thị sông Hồng, bắt đầu từ cầu Hồng Hà, huyện Đan Phượng đến cầu Mễ Sở thuộc huyện Thường Tín.

Tại khu vực xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng (đầu nguồn đô thị xanh ven sông Hồng), các hộ gia đình chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng rau, các loại nông sản ở ven sông để bán - khi nghe thông tin trên thời sự đề cập đến việc đồ án quy hoạch có đi qua các bãi canh tác của mình, tâm lý chung của các hộ dân nơi đây đều mong rằng sau khi quy hoạch được triển khai, họ vẫn sẽ có đất để tiếp tục làm ăn, ổn định cuộc sống.

Người dân ở ven sông Hồng thuộc xã Hồng Hà chủ yếu sống bằng nghề trồng rau xanh. (Ảnh: Hùng Nguyên/Vietnam+)

Ngoài ra, người dân xã Hồng Hà cũng mong dự án sẽ đem lại các “công trình thông minh” giúp bà con xung quanh đỡ ngập lụt và có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ông N.V. Sơn, một người dân gần 12 năm gắn bó với nghề trồng cây ăn quả ở xã Hồng Hà chia sẻ: “Giờ nghe được tin quy hoạch đô thị sông Hồng, hai ông bà già cũng thấy mừng, mong thoát khỏi cảnh nhà tranh vách đất đã bao nhiêu năm gắn bó ở ven con sông này. Mong rằng tới đây khi quy hoạch đi vào thực tiễn, chính quyền sẽ cân nhắc, bố trí cho khu đất mới để chúng tôi yên tâm an cư khi về già.”

Phần lớn đất dọc bờ sông Hồng ở phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) cũng thuộc đất quy hoạch đô thi. Từ những năm 1996, bà con nơi đây đã nghe thông tin có khu đô thị đi qua nhưng rồi dự án vẫn nằm trên giấy. Nay nghe tin quy hoạch sẽ được phê duyệt từ tháng Sáu tới, người dân ven sông Hồng ở phường Tứ Liên mừng ra mặt.

Cô N.T. Hoa, sống tại phường Tứ Liên cho biết gia đình cô hoàn toàn đồng ý với chủ trương quy hoạch đô thị ven sông, bởi dự án vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa phát triển không gian khu vực này ngày càng thêm hiện đại và văn minh hơn.

“Chúng tôi rất ủng hộ mục tiêu lớn của đồ án quy hoạch là phòng, chống lũ và chỉnh trị sông Hồng; hai bên bờ sông Hồng sẽ là lá phổi xanh. Thành phố cũng đã khẳng định không chất thải, không chồng chất chung cư cao tầng nên người dân tin tưởng quyết tâm của lãnh đạo thành phố. Nếu nhà tôi có nằm trong diện phải di dời thì gia đình tôi cũng sẵn sàng tuân thủ theo yêu cầu của quy hoạch. Nhà nước và chính quyền xây dựng khu tái định cư ở đâu thì chúng tôi sẽ về đấy,” cô Hoa chia sẻ.

Cô Quý, 64 tuổi ở cụm 8 tổ 54, phường Tứ Liên cũng cho rằng quy hoạch đô thị sông Hồng là việc nên làm. Tuy nhiên, điều cô trăn trở là lúc có dự án, phải bỏ nghề chài cá đã gắn bó từ nhiều năm trên sông, thì gia đình cô sẽ đi về đâu khi hiện nay đất không có. Vì vậy, người phụ nữ gắn bó với sông nước mong khi triển khai dự án, Nhà nước sẽ tạo điều kiện bố trí cho mảnh đất để an cư lúc về già.

Khu vực xóm chài Tây Hồ, từ lâu người dân tứ xứ cũng đã tìm về đây làm ăn và hình thành nên khu nên xóm, song nhà cửa của bà con chủ yếu không có sổ đỏ. Vì thế, bà con tỏ ra lo lắng và rất quan tâm đến vấn đề pháp lý, đền bù đất đai.

“Tôi đã sống tại đây hơn 30 năm rồi, đã nhiều lần thấy rục rịch các dự án, nghiên cứu này kia nhưng mãi không thấy triển khai. Lần này, thành phố Hà Nội đã quyết liệt hơn, tôi mong quy hoạch phân khu sông Hồng này sớm được duyệt, biết đâu nếu quy hoạch được duyệt, chính quyền và cơ quan chức năng có đủ cơ sở để quản lý thì người dân chúng tôi sẽ được cấp sổ đỏ,” cô Nguyễn Thị Nga chia sẻ.

Thùng xốp, đồ nhựa được xếp dồn thành đống ngay dưới khu vực chân cầu Long Biên. (Ảnh: Hùng Nguyên/Vietnam+)

Cùng chung suy nghĩ, anh Lê Văn Linh, trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình nói rằng quy hoạch của Nhà nước thì anh vẫn ủng hộ để thành phố phát triển. Tuy vậy, anh Thủy cũng thẳng thắn đặt ra câu hỏi rằng: “Sau này khi di dân hay tái định cư ở đâu, nhà không có sổ đỏ thì có được bồi thường hay không; nhà có sổ đỏ thì được bồi thường như thế nào để người dân còn phải biết hướng trước.”

Cô Liên, một hộ dân sinh sống ở khu tập thể bộ đội An Xá cũng nêu quan điểm rằng nếu Hà Nội quy hoạch đô thị ven sông sẽ góp phần cải thiện du lịch; bộ mặt ven sông của thành phố cũng sẽ không còn ngập rác, nhếch nhác như bây giờ.

“Ở đây, ban đêm người ta cứ mang phế thải, đất đá đến đổ ở ven sông, trước là trong bờ, dần dần đổ lấn ra ngoài. Nếu thành phố không có dự án, không quy hoạch đô thị sông Hồng thì sau này sông cũng sẽ biến mất,” cô Liên chia sẻ thêm.

Còn anh P.N. Sơn ở phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng thì nêu quan điểm rằng việc triển khai dự án là tốt nhưng hai bên sông Hồng chỉ xây khu biệt thự, nhà liền kề, nhà thấp tầng hay công viên cho nhân dân Thủ đô, nếu xây nhà chung cư thì không nên xây quá 9 tầng; đặc biệt là cần phải có không gian xanh, không nên nhồi nhét nhà cao tầng làm mất mỹ quan đô thị của thành phố.

“Nếu làm được như vậy, sau khi quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt, sẽ là cơ sở để triển khai các quy hoạch chi tiết, các dự án cụ thể và là cơ sở để cấp phép giúp cho người dân ổn định cuộc sống,” anh Sơn nhấn mạnh./.

Một số hình ảnh ven sông Hồng trên địa bàn Hà Nội:

Một góc sông Hồng. (Ảnh: Hùng Nguyên/Vietnam+)
Người dân phường Phúc Xá dựng hàng rào dài chục mét để ngăn chặn việc đổ rác xuống nhánh sông nhỏ thuộc sông Hồng đã diễn ra hơn 8 năm qua. (Ảnh: Hùng Nguyên/Vietnam+)
Rác thải nhếch nhác, chất đống không qua xử lý bốc mùi hôi thối dọc khu vực An Xá. (Ảnh: Hùng Nguyên/Vietnam+)
Hàng rào ngăn đổ rác ven sông Hồng. (Ảnh: Hùng Nguyên/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục