Tạm trữ là biện pháp cần thiết để điều tiết thị trường lúa gạo

Tạm trữ lúa gạo góp phần quan trọng bình ổn giá thị trường lúa gạo, phù hợp với cơ chế thị trường, bảo đảm lợi ích tối thiểu của nông dân trồng lúa theo giá định hướng đề ra cho từng mùa vụ.
Tạm trữ là biện pháp cần thiết để điều tiết thị trường lúa gạo ảnh 1 Công ty Lương thực Long An (Tổng công ty Lương thực miền Nam) mua lúa, gạo tạm trữ tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Theo kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, tính đến ngày 15/4, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các doanh nghiệp đã hoàn thành việc triển khai chương trình thu mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa quy gạo.

Để làm rõ hơn kết quả thực hiện chương trình trong năm nay cũng như về các vấn đề liên quan đến chủ trương thu mua tạm trữ này, phóng viên TTXVN đã có buổi trao đổi với ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam.

- Tính đến ngày 15/4, VFA và các doanh nghiệp cơ bản đã hoàn thành kế hoạch thu mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa quy gạo. Ông có thể cho biết kết quả cụ thể năm nay?

Ông Huỳnh Thế Năng: Để thực hiện kế hoạch thu mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa quy gạo trong năm nay, Hiệp hội đã phân bổ chỉ tiêu cho 128 doanh nghiệp với thời gian mua từ ngày 1/3 đến hết ngày 15/4.

VFA đã thực hiện 3 đợt điều chỉnh chỉ tiêu dựa trên tình hình thực tế mua vào của các doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp tham gia mua tạm trữ còn lại 116/128 doanh nghiệp, 12 doanh nghiệp trả lại chỉ tiêu hoặc bị rút toàn bộ chỉ tiêu mà nguyên nhân chính là không tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng.

Năm nay, 20 ngân hàng thương mại đăng ký cho vay thu mua tạm trữ được Ngân hàng Nhà nước cho phép. Đến hết ngày 15/4, 116 doanh nghiệp được giao chỉ tiêu đã mua đủ 1 triệu tấn quy gạo trên tổng lượng gạo hàng hóa vụ Đông Xuân là 4,3 triệu tấn, đạt 100% kế hoạch đề ra.

So với giá thành bình quân vụ Đông Xuân 2014-2015 do Bộ Tài chính công bố là 3.417 đồng/kg, giá lúa trước và sau khi mua tạm trữ tăng nhẹ 50 đồng/kg. Trong khoảng giữa giai đoạn tạm trữ giá tăng lên 200-300 đồng/kg đồng so trước tạm trữ.

Cụ thể, lúa khô hạt dài tại ruộng tăng từ 5.600 đồng/kg trước khi triển khai tạm trữ lên 5.650 đồng/kg; lúa khô thường tại ruộng từ 5.300 đồng/kg lên 5.350 đồng/kg; lúa khô hạt dài tại kho từ 5.700 đồng/kg lên 5.750 đồng/kg; lúa khô thường tại kho từ 5.450 đồng/kg lên 5.525 đồng/kg.

- Ông có thể đánh giá so với những năm trước, chương trình tạm trữ năm nay có điểm gì khác? Theo ông, sau 6 lần triển khai, chính sách này có những hạn chế nào cần thay đổi để phù hợp với tình hình mới?

Ông Huỳnh Thế Năng: So với những năm trước, chương trình mua tạm trữ năm nay có những điểm mới đáng chú ý sau:

Năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương mua tạm trữ từ sớm (13/2/2015), ngay trong ngày Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng bộ ngành, VFA thống nhất đề xuất Thủ tướng cho thu mua tạm trữ.

Tiếp đó, ngày đầu tiên làm việc sau Tết Nguyên Đán 24/2, Thủ tướng đã có Quyết định cho mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo quy ra từ lúa.

Đây cũng lần đầu tiên VFA công khai dự kiến chỉ tiêu tạm trữ gửi tham khảo lãnh đạo các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long với 4 tiêu chí, bao gồm thực hiện ưu tiên cho các doanh nghiệp có đăng ký tham gia chương trình thu mua tạm trữ, có thành tích mua tạm trữ năm trước, có khả năng tiêu thụ và xuất khẩu lượng tạm trữ của mình và có tham gia mô hình liên kết cánh đồng lớn.

Sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với VFA mở hội nghị triển khai kế hoạch thu mua tạm trữ và thảo luận dân chủ, công khai, minh bạch để thống nhất chỉ tiêu được giao cho mỗi tỉnh, thành tại hội nghị.

Mặt khác, tại hội nghị giao chỉ tiêu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lần đầu tiên đã công bố quy chế kiểm tra, giám sát quá trình thu mua tạm trữ và được các địa phương đánh giá cao. Và trên thực tế, đã có một đợt kiểm tra, giám sát thu mua tạm trữ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và VFA thực hiện.

Bên cạnh đó, thường trực VFA theo dõi cập nhật thường xuyên một số doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính không tiếp cận được nguồn vốn kịp thời, nên Hiệp hội phải điều chỉnh để bảo đảm hoàn thành kế hoạch.

Cộng với kết quả thu mua năm nay, đây là lần thứ 6 chương trình thu mua tạm trữ gạo được Chính phủ triển khai thực hiện. Chính sách này đã góp phần quan trọng vào việc bình ổn giá thị trường lúa gạo, phù hợp với cơ chế thị trường, tạo điều kiện bảo đảm lợi ích tối thiểu của nông dân trồng lúa theo giá định hướng đề ra cho từng mùa vụ.

Đây là một biện pháp can thiệp thị trường, gián tiếp hỗ trợ giá lúa cho nông dân khi vào thu hoạch rộ, nên cũng có nhiều ý kiến cho rằng chính sách này không hỗ trợ trực tiếp và không bảo đảm lợi ích cho nông dân trồng lúa.

Tuy nhiên, cho đến nay, mặc dù đã có nhiều đề án nghiên cứu, nhưng vẫn chưa có biện pháp nào thiết thực hơn thay thế. Do đó, trong tình hình và điều kiện thực tế hiện nay, biện pháp này vẫn cần thiết.

- Hiện nay, có luồng ý kiến cho rằng việc Chính phủ thực hiện chính sách thu mua tạm trữ gạo để hỗ trợ sản xuất, giảm nguồn cung lúa gạo trong thời điểm chính vụ thu hoạch ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, điều này lại dẫn đến tình trạng doanh nghiệp trông chờ chính sách để hưởng lợi, còn người dân thì ỷ lại vào sự hỗ trợ để kéo giá lúa lên. Ông nhận xét như thế nào về ý kiến này?

 

Ông Huỳnh Thế Năng: Chính sách là nhằm hỗ trợ nông dân tiêu thụ kịp thời lúa gạo sản xuất thừa, nhất là vào thu hoạch chính vụ thông qua doanh nghiệp. Do đó, chính sách chỉ có tác dụng và hiệu quả giúp nông dân được hưởng lợi một cách gián tiếp và doanh nghiệp được hưởng lãi suất 0% trong 4 tháng.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng chịu rủi ro đối với số lượng tạm trữ được giao nếu thị trường tiếp tục trầm lắng, không bán được hàng. Do đó, không thể nói cả nông dân và doanh nghiệp đều trông chờ, ỷ lại vào chính sách thu mua tạm trữ để hưởng lợi.

- Hiện nay, nhiều nước có lợi thế về sản xuất lúa gạo, đặc biệt là Thái Lan cũng triển khai các chính sách, cơ chế điều hành hỗ trợ sản xuất lúa gạo trong nước, nhất là vấn đề tạm trữ lúa gạo. Ông có thể so sánh cách làm hiện nay của Việt Nam với các nước trong vấn đề thu mua tạm trữ lúa gạo?

Ông Huỳnh Thế Năng: Trong cơ chế điều hành hỗ trợ sản xuất lúa gạo, một số nước đã thực hiện hỗ trợ nông dân trực tiếp bằng cách sử dụng ngân sách Nhà nước mua lúa giá cao hơn giá thị trường và chịu trách nhiệm tiêu thụ lúa gạo tồn kho, chẳng hạn như Thái Lan.

Điều này không những không tôn trọng quy luật cung cầu, mà hậu quả của chính sách này là sau mấy năm thực hiện, nông dân có phấn khởi nhưng Ngân sách Nhà nước thiệt hại hàng chục tỷ USD và lượng tồn kho lớn, trên chục triệu tấn gạo, khiến chất lượng gạo ngày càng giảm.

Trong khi đó, Việt Nam thực hiện biện pháp thị trường để kích cầu, hỗ trợ gián tiếp nông dân thông qua cơ chế mua tạm trữ của doanh nghiệp, Nhà nước chỉ hỗ trợ lãi suất 3-4 tháng, doanh nghiệp mua theo giá thị trường và tự chịu trách nhiệm về tiêu thụ và hiệu quả kinh doanh.

Cả hai chính sách trên đều sử dụng ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, ở Việt Nam chỉ thực hiện hỗ trợ thông qua việc bù lãi suất tạm trữ cho doanh nghiệp trong 3-4 tháng. Đồng thời, việc tác động điều tiết thị trường ở Việt Nam chỉ thực hiện trong thời gian ngắn ngay thời điểm chính vụ thu hoạch, cơ bản vẫn dựa trên cơ chế thị trường và tôn trọng quy luật cung cầu.

- Trong chuỗi sản xuất-lưu thông-tiêu thụ lúa gạo của Việt Nam hiện nay dường như chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có, đặc biệt là giá trị gia tăng của sản xuất lúa gạo còn khá thấp. Theo ông, trong thời gian tới, có mô hình sản xuất lúa gạo nào phù hợp để nâng cao giá trị gia tăng của lúa gạo Việt Nam cũng như mang lại lợi ích nhiều hơn cho người trồng lúa mà không phải ỷ lại chính sách thu mua tạm trữ như áp dụng hiện nay?

Ông Huỳnh Thế Năng: Tôi không nghĩ chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo là tạo ra sự ỷ lại, mà mục đích và ý nghĩa của nó như đã đề cập. Hiện nay, Chính phủ cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang kêu gọi đóng góp các sáng kiến về giải pháp khả thi hơn để áp dụng thay thế. Mặc dù vậy, cho tới thời điểm này vẫn chưa có biện pháp nào khác hiệu quả hơn.

Với 1 triệu tấn quy gạo trên tổng lượng gạo hàng hóa vụ Đông Xuân là 4,3 triệu tấn, chính sách mua tạm trữ sẽ giải quyết một phần lớn số lượng hàng hóa phải xuất khẩu trong thời gian ngắn. Doanh nghiệp không thể ỷ lại vào chính sách mua tạm trữ mà phải xuất khẩu và xuất khẩu không chỉ dựa vào tồn kho do mua tạm trữ.

Tuy nhiên, cũng do điều kiện phân tán ruộng đất, diện tích nông hộ nhỏ và tập quán canh tác riêng lẻ nên giá trị gia tăng của sản xuất lúa gạo còn thấp. Vì vậy, hiệu quả sản xuất và kinh doanh hạn chế, chưa mang lại lợi ích thoả đáng cho nông dân trồng lúa.

Vấn đề cấp bách hiện nay là phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành lúa gạo, mà khâu đột phá là thực hiện mô hình liên kết cánh đồng lớn. Từ đó, nông dân sẽ hưởng lợi trực tiếp, doanh nghiệp và nông dân cùng đi vào cơ chế thị trường với hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro.

Các khâu thực hiện mô hình liên kết cánh đồng lớn như chọn giống tốt, thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn và chất lượng... để đáp ứng nhu cầu thị trường gạo cao cấp, tạo lợi thế cạnh tranh. Đây chính là giải pháp cần thiết thời gian tới.

- Xin cảm ơn ông./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục