Trong lúc thí sinh làm bài thi Trung học phổ thông Quốc gia 2016, phía bên ngoài điểm thi, nhiều phụ huynh cùng tỏ vẻ sốt ruột và lo âu về kỳ thi Đại học của con em mình.
Tại hầu hết các điểm thi, phụ huynh đều tập trung rất đông khu vực xung quanh cổng trường. Người đứng, người ngồi, người đi đi lại lại và trên gương mặt ai cũng hiện rõ vẻ đăm chiêu, nóng lòng đợi đến lúc con em mình bước ra khỏi phòng thi.
Dáng người đen sạm, mái tóc điểm bạc, bác Lê Huỳnh Bổ, 46 tuổi (Thường Tín, Hà Nội) thi thoảng lại chạy hướng ánh mắt qua cánh cổng vào điểm thi trường Đại học Bách Khoa, nơi có cô con gái đang tham dự Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2016.
Nhấp chén nước chè, bác Bổ bảo, do nhà xa điểm thi khoảng 30km, sáng nay hai cha con phải dậy từ 4 giờ sáng để đến trường Bách Khoa.
“Ngay từ tối qua, gia đình cũng động viên cháu bình tĩnh, tập trung hết sức để làm bài thi. Chúng tôi cũng không tạo áp lực quá lớn với việc thi cử bởi con được quyền tự chọn và quyết định học trường nào. Lực học của cháu ở cũng khá, nhưng lên đây thi chưa biết được bởi có rất nhiều học sinh cùng lứa tuổi của Hà Nội đều tham dự thi cùng."
Theo bác Bổ, từ tối qua, mẹ cháu đã ngâm gạo nếp, bóc hạt sen để chuẩn bị cho việc nấu bữa điểm tâm sáng nay với bát xôi đỗ và chè sen cho con để có sức khỏe tốt nhất trong mấy ngày thi. Vừa đặt chân đến cổng trường, bác liền gọi điện thông báo về nhà đã đến nơi đúng giờ và an toàn.
“12 năm đèn sách, với bao vất vả lo toan của gia đình. Giờ là thời điểm quyết định cánh cửa cuộc đời của cháu. Thi thoảng, mẹ cháu cũng gọi điện hỏi thăm sáng nay hai bố con phải dậy sớm, lại đi xa để lên trường, không biết lúc vào phòng thi con có mệt không? Chắc ở nhà cũng sốt ruột và lo lắng lắm,” bác Bổ cho biết.
"Lo cho con đi thi mà cả đêm qua tôi thức trắng, không biết nay cháu có làm được bài không? Chúng tôi ngồi ngoài này nhưng tâm trạng cũng chẳng khác gì trong phòng thi. Nói chung con đi thi những phụ huynh như chúng tôi ai cũng lo lắng cả," bác Bổ tâm sự.
Chia sẻ với phóng viên, cô Kim Phượng (Long Biên, Hà Nội) cho biết, cô đi từ 5 giờ 30 để không bị tắc đường và muộn giờ thi.
"Sau khi thi xong nếu đủ điểm cháu dự định sẽ nộp vào trường Đại học Ngoại ngữ vì ở nhà cháu học cũng khá, kiến thức cũng vững nhưng học tài thi phận nên tôi vẫn lo lắng,"cô Phượng thành thật nói.
Ngồi túm tụm trong quán nước, các bậc phu huynh hỏi han nhau lực học của con, chia sẻ những câu chuyện về việc chọn trường, của các năm trước. Thỉnh thoảng, có người thở dài và nói với lên rằng, đã được 2/3 thời gian làm bài, không biết tình hình ra sao?
Tuy nhiên, có một điểm chung mà đa số các bậc phụ huynh năm nay rất vui, đó là tình hình thời tiết có vẻ mát dịu khiến tâm lý thí sinh thoải mái, cha mẹ ngồi ngoài “ngóng con” cũng đỡ phải vạ vật tìm chỗ tránh nóng và mệt mỏi. Mỗi phụ huynh một tâm trạng, nhưng mong muốn chung vẫn là hy vọng con mình ở trong phòng thi làm bài tốt, suôn sẻ.
Lần thứ hai đưa con đi thi, bác Phạm Thanh Hoài (Sài Đồng, Long Biên) vẫn không thể chợp mắt cả tối qua bởi tâm trạng rối bời, lo lắng.
“Tôi đã xin nghỉ làm việc ngày hôm nay để chủ động đưa đón cháu đi thi. Tôi nghĩ, giờ có đi làm thì cũng không tập trung được vào công việc. Lo thì vẫn lo, ở ngoài này ngồi chờ mấy tiếng không biết con ở trong đó cháu có làm được bài không?" - bác Hoài nói.
Và với đa số phụ huynh, những ngày cuối tháng Sáu hàng năm luôn là một cuộc chạy “maraton” về tâm lý khi ngóng theo từng bước chân của con vào phòng thi đến lúc kết thúc cả kỳ thi./.