Tám tháng đầu năm, Việt Nam vẫn nhập siêu lớn từ Trung Quốc

Mặc dù xuất siêu sang nhiều thị trường khác nhưng ngược lại, Việt Nam vẫn ​đang nhập siêu mạnh từ Trung Quốc. Thống kê sau 8 tháng, kim ngạch nhập siêu từ thị trường này đã lên tới gần 22,3 tỷ USD.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Mặc dù xuất siêu sang nhiều thị trường khác nhưng ngược lại, Việt Nam vẫn ​đang nhập siêu mạnh từ Trung Quốc. Thống kê sau 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập siêu từ thị trường này đã lên tới gần 22,3 tỷ USD.

Xuất khẩu tiến gần chỉ tiêu Quốc hội giao

Báo cáo tại Hội nghị giao ban do Bộ Công Thương tổ chức sáng 3/9, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, cho biết trong tháng Tám, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 14,5 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước.

Tính chung 8 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 106,3 tỉ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 31,7 tỉ USD, giảm 2,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 74,6 tỉ USD, tăng 14,7%.

Đáng chú ý, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt gần 20 tỷ USD, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm ngoái; tiếp đến là hàng dệt may đạt 15 tỉ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đạt 9,9 tỉ USD, tăng 51,8%; giày dép đạt 8,1 tỉ USD, tăng 20,9%...

Cũng theo đánh giá của Vụ kế hoạch, xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản tiếp tục gặp khó khăn​, ước đạt 2,38 tỷ USD trong tháng Tám và cả 8 tháng đạt 19,31 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong các mặt hàng nông sản chính, thì càphê giảm 32,4%, chè các loại giảm 5,4%, hạt tiêu giảm 21%, ​gạo cũng giảm 8,6% về khối lượng và giảm 13% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

Thống kê cho thấy, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 22,1 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước, tiếp đến là EU đạt 20,2 tỷ USD, tăng 12,3%; ASEAN đạt 12,3 tỷ USD, giảm 3%; Trung Quốc đạt 10,4 tỷ USD, tăng 5,6%; Nhật Bản đạt 9,3 tỷ USD, giảm 4,9%; Hàn Quốc đạt 5,1 tỷ USD tăng 16,5%,

Như vậy, ​với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu là 9%, việc điều hành xuất khẩu sau 8 tháng đã tiến gần hơn chỉ tiêu mà Quốc hội giao cho ngành Công thương năm 2015 là 10%.

Khối nội nhập siêu tới 13 tỷ USD

Ở chiều ngược lại, theo lãnh đạo Vụ Kế hoạch, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Tám ước đạt 14,6 tỷ USD, giảm 0,5% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng, nhập khẩu ước đạt 109,9 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 44,7 tỷ USD, tăng 7,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 65,2 tỷ USD, tăng 23,2%.

Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu 8 tháng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhiều mặt hàng là nguyên phụ liệu đầu vào và máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất: Ôtô đạt 3,8 tỉ USD, tăng 80,2% (ôtô nguyên chiếc tăng 132,1%, trong đó ôtô dưới 9 chỗ tăng 63,3%); máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 18,9 tỉ USD, tăng 33,4%...

Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: TTXVN)

Về thị trường, sau 8 tháng Việt Nam tiếp tục nhập khẩu mạnh từ Trung Quốc với kim ngạch ước đạt 32,7 tỷ USD, chiếm 29,8% tổng kim ngạch nhập khẩu và tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Hàn Quốc đạt 18,8 tỷ USD, tăng 34,8%; ASEAN đạt 16 tỷ USD, tăng 5,3%... so với cùng kỳ năm 2014.

Như vậy, nhập siêu tháng Tám ước đạt 100 triệu USD, lũy kế 8 tháng mức nhập siêu ước đạt 3,6 tỷ USD, tương đương 3,4% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.

Trong khi khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 13 tỷ USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2014 thì ngược lại khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lại xuất siêu 9,4 tỷ USD.

Riêng thị trường Trung Quốc, báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, Việt Nam đã nhập siêu từ thị trường này ước khoảng 22,3 tỉ USD. Trong khi đó, con số xuất siêu  sang Mỹ đạt hơn 15 tỷ USD và xuất siêu sang EU gần 13,78 tỷ USD.

Để giảm dần nhập siêu, theo Bộ Công Thương, Chính phủ vừa ban hành đề án xuất nhập khẩu, theo đó phấn đấu nâng kim ngạch xuất khẩu lên 300 tỷ USD vào năm 2020; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân từ 11-12%/năm trong giai đoạn từ 2015-2020.

Về định hướng phát triển thị trường, phấn đấu củng cố vững chắc và từng bước mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại các thị trường truyền thống bao gồm Đông Nam Á, Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc), Trung Quốc, Australia, Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU), Nga và các nước Đông Âu, Canada, Ấn Độ…

Bên cạnh đó, ​​sẽ có nhiều hướng đi nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của xuất khẩu vào một số thị trường nhất định ​qua đó hạn chế rủi ro trước những biến động của thị trường cũng như các yếu tố kinh tế, chính trị khu vực và thế giới.

"Chính phủ chỉ đạo khai thác và tận dụng tốt cơ hội mở cửa thị trường theo lộ trình cắt giảm thuế quan và dỡ bỏ các rào cản phi thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu; nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA)," ông Nguyễn Tiến Vỵ nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục