Tâm sự của những 'chiến sỹ áo trắng' trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh

Thời gian tham gia phòng, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh đã giúp đội ngũ y, bác sỹ Thanh Hóa có thêm nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm quý báu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tâm sự của những 'chiến sỹ áo trắng' trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 1Đoàn y bác sỹ nhận quà, hàng hỗ trợ của đồng hương Thanh Hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN phát)

Sau hai tháng xung phong vào “tâm dịch” Thành phố Hồ Chí Minh để hỗ trợ chống dịch COVID-19, đoàn số 1 gồm 59 y, bác sỹ, điều dưỡng Thanh Hóa đã hoàn thành nhiệm vụ, trở về quê hương.

Tinh thần xung kích

Là bác sỹ chuyên ngành hồi sức tích cực, anh Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Khoa Hồi sức tích cực I (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa) luôn tâm niệm sẽ cố gắng hết sức để cứu những người còn có cơ hội sống. Anh đã mang tâm thế đó cùng các đồng nghiệp bước vào tâm dịch.

Trước khi lên đường làm nhiệm vụ chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh, cả đoàn đã được lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa quán triệt tinh thần xung kích, tình nguyện bằng tâm và sức. Vì vậy, cả đoàn luôn thể hiện quyết tâm rất cao nhằm hỗ trợ thành phố mang tên Bác sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh.

"Khi nghe tin tôi xung phong lên đường vào Thành phố Hồ Chí Minh phòng, chống dịch COVID-19, bà xã cũng có chút lo lắng nhưng vì cùng nghề, lại hiểu chồng nên cô ấy đã động viên tôi yên tâm lên đường công tác. Hơi lo lắng một chút về cha mẹ già năm nay đã trên 90 tuổi lại có nhiều bệnh nền nhưng tôi vẫn tình nguyện đi chuyến đi này," bác sỹ Dũng chia sẻ.

Và đúng như lo lắng của anh, trong thời gian anh vào Thành phố Hồ Chí Minh tham gia chống dịch, cha của anh phải nhập viện cấp cứu vì bệnh xuất huyết tiêu hóa nặng, phải điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa suốt nửa tháng.

"May mắn có sự quan tâm của lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa và những đồng nghiệp, người thân, cha tôi đã vượt qua 'cửa tử' đợi ngày tôi trở về. Tôi về Thanh Hóa và đã được cách ly tập trung đủ 2 tuần, hiện tôi đang được theo dõi y tế tại nhà thêm 1 tuần nữa sau đó sẽ về thăm cha mẹ, vợ con, được ăn bát canh cua rau đay với quả cà muối mặn mẹ nấu và uống trà cùng cha. Với tôi đó chính là hạnh phúc."

[Bảo vệ đội ngũ y bác sỹ tuyến đầu: Cần chăm lo kịp thời, xứng đáng]

Vào đến Thành phố Hồ Chí Minh, đoàn y, bác sỹ tỉnh Thanh Hóa được chia làm 3 nhóm làm việc tại 3 bệnh viện gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Hồi sức COVID-19 Thủ Đức.

Chính thời gian tham gia phòng, chống dịch tại đây đã giúp đội ngũ y, bác sỹ Thanh Hóa có thêm nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm quý báu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo bác sỹ Dũng, tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 Thủ Đức, có những bệnh nhân COVID-19 trở nặng rất nhanh và các bác sỹ đành bất lực dù đã áp dụng đủ các phương pháp điều trị. Và điều anh ám ảnh nhất chính là việc gọi điện thông báo cho người thân về sự ra đi của bệnh nhân. Chính bản thân anh đã không ít lần phải đè nén cảm xúc, giữ cho mình cái đầu thật tỉnh, để tiếp tục và tiếp tục tiến về phía trước, vì ở đó, có rất nhiều bệnh nhân đang chờ…

Những nỗ lực không vô ích

Còn đối với điều dưỡng Nguyễn Thị Xuân Quý (Khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa), chuyến đi này là kỷ niệm khó quên.

Khi bước chân đến Thành phố Hồ Chí Minh, chị và đồng nghiệp được phân công về Bệnh viện Hồi sức COVID-19 Thủ Đức với quy mô 1.000 giường đang trong quá trình lắp ráp, sửa chữa để bắt đầu hoạt động. Tất cả mọi thứ đều rất mới, đoàn Thanh Hóa là những người tiếp nhận đầu tiên, lắp từng cái giường, kiểm tra và lắp ráp từng bình ôxy...

Đoàn Thanh Hóa có 59 thành viên, trong đó có 16 người nhận nhiệm vụ chăm sóc, điều trị bệnh nhân nguy kịch, 41 người còn lại chăm sóc bệnh nhân nặng, chia làm 3 ca, 4 kíp, mỗi kíp làm liên tục 8 tiếng đồng hồ.

Chị Quý được phân công chăm sóc bệnh nhân nặng tầng 5, ngay ngày đầu tiên đã tiếp nhận 20-30 bệnh nhân nặng. Sau hai ngày, 62 giường đã kín bệnh nhân trong khi lực lượng mỏng, chỉ 4-5 điều dưỡng và 2 bác sỹ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân trong điều kiện không có hộ lý, nhân viên môi trường.

Bác sỹ phải làm cả việc của điều dưỡng và điều dưỡng làm cả những công việc của hộ lý, vệ sinh khoa phòng, vệ sinh cho bệnh nhân, hỗ trợ bệnh nhân ăn uống… vì đặc thù của bệnh nhân COVID-19 là không cho người thân vào chăm sóc.

Chính họ cũng đã có những phút giây sợ hãi khi cường độ công việc quá lớn, nguy cơ quá cao, có thể lây nhiễm bất cứ lúc nào trong khi bệnh nhân nặng cứ ồ ạt được chuyển đến, có những bệnh nhân quá yếu không thể khai thác được thông tin, không có giấy tờ tùy thân… Rồi nỗi ám ảnh với bộ quần áo bảo hộ, những chiếc khẩu trang thít chặt vào tai, vào mặt, vào đầu, để lại những vết hằn mỗi ngày một thêm sâu. Những nỗi ám ảnh khi phải tự tay chụp ảnh khuôn mặt của bệnh nhân tử vong gửi cho trưởng, phó khoa để làm giấy khai tử cho bệnh nhân COVID-19.

Sau những ngày đầu bối rối, dần dần mọi thứ đi vào quỹ đạo. Đã có thêm nhiều đoàn y bác sỹ từ các tỉnh, thành phố trong cả nước vào hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh. Các sinh viên tình nguyện, các sơ, các thầy chùa… đã cùng chung tay tình nguyện tham gia dọn vệ sinh, chăm sóc bệnh nhân.

Chị Quý đã không quên được trường hợp một bệnh nhân sau những ngày chiến đấu với COVID-19 đã khỏi bệnh, được cho xuất viện về nhà nhưng anh đã xin được ở lại bệnh viện vì những người thân trong gia đình anh đã mất vì COVID-19.

"Tôi nhận thức sâu sắc một điều, đại dịch đã làm thay đổi và cướp đi quá nhiều thứ, để lại không ít đau thương và mất mát. Nhưng bên cạnh những mất mát, đau thương, chúng tôi đã có những niềm vui không nhỏ khi hàng ngày có thêm nhiều bệnh nhân được xuất viện, về nhà và chúng tôi biết những nỗ lực của mình không vô ích…," điều dưỡng Nguyễn Thị Xuân Quý chia sẻ.

Cuộc chiến còn dài nhưng sẽ chiến thắng

Sau gần 2 tháng tham gia làm nhiệm vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh - nơi đón và điều trị những bệnh nhân nặng và nguy kịch, đoàn cán bộ, nhân viên y tế của tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần cứu sống và điều trị khỏi bệnh cho rất nhiều bệnh nhân.

Sau khi trở về, các thành viên trong đoàn đã thực hiện cách ly tập trung theo quy định để bảo đảm công tác phòng, chống dịch trước khi quay trở lại công việc.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa Lê Văn Sỹ khẳng định thực hiện lời kêu gọi toàn dân, toàn quân chung tay phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ, Bộ Y tế, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh cùng chung tay phòng, chống dịch COVID-19, đã có hơn 100 cán bộ y tế của bệnh viện xung phong lên đường vào tâm dịch.

"Chúng tôi đã lựa chọn 33 cán bộ, nhân viên y tế có kinh nghiệm, có chuyên môn tốt, có bản lĩnh vững vàng cùng các cơ sở y tế khác của tỉnh Thanh Hóa tham gia hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh phòng, chống dịch COVID-19," ông Lê Văn Sỹ cho biết.

"Trước khi đoàn lên đường, chúng tôi đã tổ chức tập huấn chuyên môn cho cán bộ, nhân viên bệnh viện từ những việc đơn giản như thao tác mặc, cởi quần áo bảo hộ đảm bảo yêu cầu phòng, chống lây nhiễm chéo đến quy trình lấy mẫu, phác đồ điều trị và các biện pháp phòng, kiểm soát lây nhiễm bệnh... Vào đến Thành phố Hồ Chí Minh, các y bác sỹ được tập huấn lại một lần nữa trước khi phân công vào các cơ sở điều trị COVID-19," ông Sỹ nói.

Với tinh thần làm việc theo ca, kíp, đoàn Thanh Hóa đã làm việc theo tinh thần trách nhiệm cao nhất, được ngành y tế và người dân Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đoàn được trở về, nhưng vẫn có một số anh chị em trong đoàn xung phong ở lại để tiếp tục cùng Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch COVID-19.

Tâm sự của những 'chiến sỹ áo trắng' trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 2Lễ kết nạp Đảng viên online từ 'tâm dịch' cho 2 cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: TTXVN phát)

Nhận xét về bác sỹ Nguyễn Văn Dũng và điều dưỡng Nguyễn Thị Xuân Quý cùng đội ngũ cán bộ y tế tham gia hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa Lê Văn Sỹ khẳng định đây đều là những cán bộ y tế tuyến đầu với tinh thần trách nhiệm cao, có trình độ chuyên môn tốt, có tình thương và lòng nhân ái với bệnh nhân.

Họ đã hy sinh những quyền lợi cá nhân để xung phong lên đường vào tâm dịch mà không quản ngại khó khăn, vất vả, nguy hiểm. Các cán bộ y tế lên đường vào tâm dịch khi trở về mang theo rất nhiều kinh nghiệm quý, cách làm hay trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đây sẽ là những nguồn nhân lực quý giá cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung trong công tác điều trị COVID-19.

Trong trang nhật ký về những ngày cứu chữa các bệnh nhân COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, điều dưỡng Nguyễn Thị Xuân Quý viết: “Đoàn gồm 59 cán bộ y tế Thanh Hóa hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch sau gần 2 tháng không ai bảo ai, tất cả đã làm việc với nỗ lực và tinh thần trách nhiệm cao nhất. Ở đó chúng tôi có những nỗi buồn nhưng cũng có thật nhiều niềm vui. Nhiều người muốn ở lại để tiếp tục cùng miền Nam 'chiến đấu' nhưng trước tình hình dịch bệnh ở quê nhà bắt đầu có diễn biến phức tạp, rất có thể chúng tôi lại phải 'chiến đấu' tiếp khi trở về. Nhưng tất cả anh chị em đã và sẽ cố gắng hết sức để góp một phần nhỏ bé của mình vào cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19. Chúng ta sẽ chiến thắng, Việt Nam sẽ chiến thắng."./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục