"Tam Quốc chí chính sử": Thước đo của các màn "Tam quốc luận"

Ở Tam Quốc Diễn Nghĩa, tính “sử học” bị đặt xuống hàng thứ yếu, và do đó, thiếu các cứ liệu cần thiết để có thể tranh luận “đến đầu đến đũa”. Đó là lý do nên đọc Tam Quốc chí chú.
Bìa bộ sách Tam quốc chí chú bản đặc biệt, được đựng trong hộp gỗ

Có một thực tế rất dễ nhận thấy: Sẽ luôn luôn có những cuộc tranh luận về Tam Quốc Diễn Nghĩa, về Tào Tháo, về Khổng Minh, về Lưu - Quan - Trương... dễ dàng nổ ra ở bất cứ đâu. Song, hầu hết những cuộc tranh luận ấy lại khó có thể được duy trì lâu dài. 

Lý do dường như cũng khá đơn giản. Tam Quốc Diễn Nghĩa, với những chấm phá, thêm thắt, cắt tỉa, “bảy thực ba hư”...của La Quán Trung, dù thế nào, cũng là một tác phẩm văn học mang nhiều tính hư cấu. 

Người đọc, khi tranh luận trên nền tảng ấy, luôn bị chi phối bởi dụng ý của tác giả, cũng như cảm nhận chủ quan của mình. Ở Tam Quốc Diễn Nghĩa, tính “sử học” bị đặt xuống hàng thứ yếu, và do đó, thiếu các cứ liệu cần thiết để có thể tranh luận “đến đầu đến đũa”. 

Dĩ nhiên, đó cũng chính là yếu tố tạo nên sức hút vĩnh cửu của bộ tiểu thuyết này - một trong Tứ đại danh tác, niềm tự hào của văn học sử Trung Quốc, và cũng là niềm cảm hứng của rất nhiều thế hệ độc giả Á Đông nói chung. 

Tuy vậy, khi đã “nghiện Tam Quốc” đến một mức độ nào đó, đã nhập tâm vào những điển tích đến mức độ nào đó, đã nghiền ngẫm và chiêm nghiệm các bài học Tam Quốc đến một mức độ nào đó..., rất nhiều người hẳn sẽ nảy sinh nhu cầu biết rõ hơn về sự thực lịch sử của trăm năm chiến loạn ấy. Thứ sự thật có thể là không lấp lánh bằng, nhưng lại không kém quyến rũ so với các nỗ lực dụng bút của La Quán Trung. 

Và đó là khi người ta nên tìm đến Tam Quốc Chí. 

Tam Quốc Chí - một trong 24 bộ sử chính thống của Trung Quốc (Nhị thập tứ sử) – là pho sử đầu tiên tổng hợp những góc nhìn đa chiều về thời Tam Quốc, hoàn thành chỉ vài năm sau khi nhà Tấn thống nhất giang sơn, cũng chính là căn cứ đầu tiên để La Quán Trung “diễn nghĩa” thành Tam Quốc Diễn Nghĩa. 

Tác giả của nó, Trần Thọ, là hậu duệ một viên quan Thục Hán (bản thân làm quan nhà Tấn), đã thu gom tài liệu từ sử quán của cả hai nước Ngô - Nguỵ, chấp bút tạo nên bộ sử này. 

Hơn hai trăm năm sau, Bùi Tùng Chi tiếp tục khảo cứu thêm một khối lượng sử liệu khổng lồ, chú giải và làm sáng tỏ trước tác của Trần Thọ. Công trình của hai ông được gọi gộp là Tam Quốc Chí chú (Trần chí, Bùi chú). 

Pho sử ấy chưa từng được dịch sang tiếng Việt, cho đến khi một nhóm thành viên Diễn đàn Văn hoá Thể thao “đồng thanh tương ứng”, cho ra đời những tiểu truyện được dịch sơ sài đầu tiên, nhằm thoả mãn nhu cầu “nhàn đàm” về Tam Quốc trên cõi mạng. 

10 năm sau, với sự góp ý chung tay của rất nhiều bằng hữu, pho sử được dịch trọn vẹn, và ra mắt người đọc với tên Tam Quốc Chí (Bùi Thông dịch, Phạm Thành Long hiệu đính, Nhà xuất bản Văn học liên kết với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sách và Truyền thông Việt Nam – Tri thức trẻ ​Books), gây ra một cơn sốt đầy hưng phấn đối với giới độc giả yêu Tam Quốc. 

Từ đây, họ đã có trong tay cơ sở sử liệu khả tín, để vén những bức màn hư cấu, nhìn thẳng vào chân diện mục lịch sử cũng như tính cách đích thực của những “tuyệt nghĩa” Quan Công, “tuyệt gian” Tào Tháo, “tuyệt trí” Khổng Minh...

Và hiện tại, thượng tuần tháng 4/2017, chỉ 10 tháng sau ngày “chào sân”, pho sử này đã kịp được tái bản lần đầu tiên, với những thay đổi đầy hấp dẫn về mặt hình thức, nhằm đáp ứng nhu cầu rộng lớn của những tâm hồn đồng điệu. 

Điều đó hứa hẹn, những cuộc tranh luận về Tam Quốc sẽ càng trở nên hấp dẫn và giàu tính học thuật hơn, trong một tương lai gần./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục