Tầm quan trọng của các quốc gia châu Phi đối với nước Anh

Vào thời điểm nước Anh chuẩn bị có Thủ tướng mới là người gốc Ấn Độ, ông Rishi Sunak, chính sách của Anh với các châu lục khác được đặc biệt quan tâm, đặc biệt là châu Phi.
Tầm quan trọng của các quốc gia châu Phi đối với nước Anh ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: aa.com.tr)

Vào thời điểm nước Anh chuẩn bị có Thủ tướng mới là người gốc Ấn Độ, ông Rishi Sunak, chính sách của Anh với các châu lục khác được đặc biệt quan tâm, đặc biệt là châu Phi. Dù có gốc gác Ấn Độ, nhưng cha của ông Sunak được sinh ra tại Kenya, mẹ ông sinh ở Tanzania. Thế nên, gia đình ông Sunak có khá nhiều mối lương duyên với lục địa Đen.

Mới đây, tờ "The Conversation Africa" - một chuyên trang tin tức độc lập của cộng đồng học giả và nghiên cứu khu vực châu Phi cũng như các vấn đề liên quan tới châu Phi - đã có bài bình luận của Tiến sỹ Nicholas Wescott - Lãnh đạo Hiệp hội Hoàng gia nghiên cứu châu Phi, một nhà ngoại giao kỳ cựu của Anh về mối quan hệ của Anh với châu lục này.

Các nước châu Phi ngày càng là đối tác quan trọng cả về địa chiến lược và lợi ích. Bỏ qua châu Phi, nước Anh sẽ làm suy yếu và làm giảm vai trò toàn cầu của chính mình.

Anh có mối quan hệ rất sâu sắc và lâu đời với châu Phi. Di sản từ việc buôn bán nô lệ và thời kỳ thuộc địa đã để lại nhiều mâu thuẫn, nhưng trong 60 năm kể từ khi các nước châu Phi giành được độc lập, các chính phủ của Anh đã tìm cách duy trì mối liên hệ chặt chẽ với những quốc gia nói tiếng Anh.

Những liên kết về con người, văn hóa và thương mại vẫn bền chặt.

Tuy nhiên, kể từ năm 2010, châu Phi đã mất dần vị trí trong danh sách ưu tiên của Anh.

Bà Theresa May đã có một chuyến thăm ngắn ngủi, chớp nhoáng tới châu lục này vào năm 2018, trong khi chuyến thăm duy nhất của Boris Johnson trên cương vị thủ tướng là tới hội nghị thượng đỉnh của Khối thịnh vượng chung ở Kigali vào tháng Sáu vừa qua.

Sự kiện đó cũng cho thấy ảnh hưởng của Anh đối với tổ chức này ngày càng suy yếu khi không đảm bảo được ứng cử viên mình coi trọng được giữ chức Tổng thư ký.

Tại sao châu Phi lại quan trọng

Với dân số tăng trưởng nhanh nhất thế giới, châu Phi ngày càng quan trọng đối với những nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu.

Châu lục này sở hữu “bể chứa carbon” chính trong những khu rừng nhiệt đới ở Congo và cũng là nguồn cung cấp các khoáng sản cần thiết cho ngành năng lượng carbon thấp của tương lai.

An ninh lương thực toàn cầu sẽ ngày càng nghiêm trọng trừ khi có một cuộc cách mạng nông nghiệp cho phép châu Phi tự cung cấp thực phẩm của mình. Và trong một thế giới cạnh tranh về địa chính trị, sự ủng hộ từ 54 phiếu bầu của châu Phi tại Liên hợp quốc sẽ rất quan trọng nếu một hệ thống đa phương hiệu quả được duy trì.

Kể từ năm 2000, dù đã thể hiện bản thân là một châu lục năng động về kinh tế, châu Phi vẫn phải vượt qua những thách thức lớn nếu muốn phát huy được tiềm năng của mình.

Và Anh có lợi ích để giúp châu Phi làm vậy.

Đại dịch COVID-19 và xung đột tại Ukraine đã có tác động không nhỏ tới châu lục, làm gia tăng những khó khăn do biến đổi khí hậu, bất ổn nội bộ và bất bình đẳng quốc tế gây ra.

Những điều này cũng quan trọng đối với Anh vì một số lý do. Có tới 3 triệu người gốc Phi ở Anh. Hầu hết là những công dân đã sống ở Anh cả đời, nhưng nhiều người có mối liên hệ chặt chẽ với gia đình và doanh nghiệp tại châu Phi.

Các công ty Anh vẫn là những nhà đầu tư lớn tại lục địa và có nhiều công ty châu Phi được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán London hơn bất kỳ thị trường chứng khoán nào khác bên ngoài lục địa.

Dòng người vẫn tiếp tục đổ về Anh với số lượng lớn. Vì vậy, trong khi di sản lịch sử của chế độ nô lệ và chủ nghĩa thực dân vẫn là những điểm gây tranh cãi, thì các mối liên hệ văn hóa, giáo dục, thương mại và tài chính giữa Anh và châu Phi chắc chắn sẽ gắn kết hai bên lại với nhau.

Những sự thật này sẽ không thay đổi, nhưng chính sách của chính phủ Anh sẽ có tác động tích cực (hoặc tiêu cực) đến tiềm năng mối quan hệ đó.
Brexit và thế giới đang thay đổi.

Kể từ cuộc trưng cầu dân ý rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2016, các chính phủ Anh đã ít chú ý đến châu Phi mặc dù tuyên bố ý định đa dạng hóa quan hệ đối tác quốc tế của mình.

Việc xem xét lại chính sách đối ngoại và an ninh vào năm 2021 đã đưa ra những đề xuất hợp lý, theo đó tập trung vào các nền kinh tế lớn.

Nhưng uy tín của Anh đã bị suy giảm bởi việc cắt giảm nhanh chóng và mạnh mẽ các chương trình viện trợ từ mức 0,7% xuống 0,5% GDP vào năm 2020. Điều này đã gây tổn hại không nhỏ đến uy tín của nước Anh trong cuộc chiến chống đói nghèo.

Khi còn là Ngoại trưởng Anh, bà Liz Truss cũng có dấu ấn trong Chiến lược phát triển quốc tế mới của chính phủ Anh, được công bố vào tháng 5/2022.

Nhưng chiến lược đã làm rất ít để sửa chữa những thiệt hại. Chiến lược thu hẹp trọng tâm của viện trợ ra khỏi lĩnh vực xóa đói giảm nghèo và cải thiện ảnh hưởng để hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái, hành động ứng phó với thách thức về khí hậu và y tế, cũng như cứu trợ nhân đạo.

Các hành động này tập trung vào việc Anh có thể mang lại những gì cho châu Phi thay vì hỗ trợ các ưu tiên của châu Phi.

Bà Truss đã làm mới lại Quỹ đầu tư phát triển CDC có uy tín của Vương quốc Anh với tên gọi “British International Investment.”

Theo đó, quỹ này sẽ vẫn là nhà đầu tư lớn ở châu Phi, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng.

Chính phủ dự kiến tiếp tục các hội nghị thượng đỉnh đầu tư Anh-châu Phi hằng năm (được khai mạc lần đầu vào năm 2020 tại London, ngay trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát).

Nhưng nếu coi điều này là dấu ấn của sự chuyển đổi có hệ thống từ viện trợ sang đầu tư của Anh thì các đối tác châu Phi cũng đã không được thông báo, cũng như chưa hiểu về nó. Với tư cách là Bộ trưởng Thương mại quốc tế và Bộ trưởng Ngoại giao, bà Truss chưa từng đến thăm châu Phi và chỉ có một bài phát biểu về châu lục này trong những năm gần đây.

Cũng không có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ đã nhận ra sự thay đổi của bối cảnh quốc tế. Cuộc xung đột ở Ukraine đã nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ của quốc tế là điều cần thiết để ngăn chặn xung đột. Nhưng phần lớn châu Phi đang chọn đứng nhìn thay vì đứng về phía Ukraine.

Tác động toàn cầu của cuộc xung đột này đang làm gia tăng các căng thẳng về chính trị cũng như kinh tế ở châu Phi. Các chính phủ đương nhiệm đang chịu áp lực từ những cuộc biểu tình về giá lương thực tăng và cơ hội việc làm giảm.

Nguy cơ như đã thấy ở Guinea, Burkina Faso hay Tunisia, về việc chế độ dân chủ được cho là đã không mang lại những lợi ích như đã hứa và chế độ độc tài thay thế cũng có thể có cơ hội.

Nhìn về phía trước

Mỹ đã nhận ra nguy cơ này. Chiến lược châu Phi mới của Mỹ đánh dấu hai thay đổi quan trọng. Một là Mỹ đang lắng nghe những ưu tiên của châu Phi thay vì áp đặt ưu tiên của mình - một phiên bản của “quan hệ đối tác bình đẳng” lâu đời giữa EU với Liên minh châu Phi và các thành viên của nó.

Đồng thời, Mỹ sẽ hỗ trợ các quốc gia ủng hộ sự cởi mở và dân chủ.

Bên cạnh đó, Mỹ sẽ giúp khắc phục những thiệt hại kinh tế do đại dịch gây ra, hỗ trợ cơ sở hạ tầng quan trọng và giúp các nước châu Phi thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, nước này cũng đang theo đuổi một chính sách phù hợp với những ưu tiên chung của EU trong quan hệ đối tác với châu Phi.

Một số quan chức và chuyên gia mong muốn chính phủ mới của Anh chia sẻ cách tiếp cận này. Họ hiểu rằng việc bỏ qua châu Phi đang khiến Anh thiếu sự hỗ trợ vô cùng cần thiết của quốc tế tại Liên hợp quốc, trong Khối thịnh vượng chung và các nơi khác.

Họ cũng mong muốn một chiến lược rõ ràng và công khai để đưa châu Phi trở lại danh sách ưu tiên, cùng với sự can dự chính trị tích cực hơn.

Chừng nào chính sách đối ngoại của Anh vẫn dựa trên ảo tưởng, phủ nhận thực tế rằng Brexit đã làm suy yếu đất nước về mặt kinh tế và ngoại giao, thì một chính sách như vậy sẽ khó có thể được áp dụng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục