Tầm quan trọng của bình đẳng trong tiêm vaccine phòng COVID-19

Theo tiến sỹ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, vaccine trước tiên được phát triển cho người lớn và ưu tiên tiêm chủng cho nhân viên y tế, nhân viên tuyến đầu chống dịch, nhóm nguy cơ cao.
Tầm quan trọng của bình đẳng trong tiêm vaccine phòng COVID-19 ảnh 1Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Trong bối cảnh dịch COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn tiến sỹ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam về việc tiêm mũi tiêm tăng cường, cũng như việc một số hãng dược phẩm công bố vaccine  phòng COVID-19 hiệu quả với trẻ em.

- Ông có thể cho biết quan điểm của WHO về việc tiêm mũi tiêm tăng cường?

Tiến sỹ Kidong Park: Có hai điểm chính cần cân nhắc trong quan điểm của WHO về mũi tiêm tăng cường. Đầu tiên là bằng chứng khoa học.

WHO đang theo dõi chặt chẽ bằng chứng về sự phát triển nhanh chóng liên quan đến nhu cầu sử dụng liều tăng cường. Hiện tại, không có bằng chứng thuyết phục nào về hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 đối với bệnh nặng và tử vong giảm đi theo thời gian.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng hiệu quả của vaccine giảm đối với người mắc bệnh triệu chứng nhẹ và trung bình. Bằng chứng gần đây cho thấy, vaccine vẫn có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong.

WHO không loại trừ rằng mũi tiêm tăng cường có thể cần được cung cấp cho một số nhóm dân số trong tương lai và sẽ tiếp tục theo dõi các bằng chứng mới, đưa ra đánh giá khi có thêm các dữ liệu.

[Trưởng đại diện WHO: Chiến lược khẩn cấp của Việt Nam đi đúng hướng]

Thứ hai là khía cạnh đạo đức. Trong khi tình trạng bất bình đẳng trong việc triển khai vaccine phòng COVID-19 vẫn tiếp tục diễn ra trên toàn thế giới, ưu tiên được đặt ra là phải đảm bảo tất cả các quốc gia còn hạn chế về nguồn cung cấp vaccine có thể đạt tỷ lệ bao phủ cao đối với mũi tiêm đầu tiên và mũi thứ hai cho những nhóm ưu tiên như nhân viên y tế, nhân viên tuyến đầu, người cao tuổi và những người có bệnh nền.

Vào ngày 4/8 vừa qua, WHO đã kêu gọi tạm dừng có thời hạn đối với mũi tăng cường cho đến cuối tháng 9/2021 để tạo điều kiện cho ít nhất 10% dân số của mỗi quốc gia được tiêm chủng.

WHO cũng kêu gọi tất cả các quốc gia đảm bảo rằng các nhóm dân số dễ bị tổn thương như nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu, người cao tuổi và người có bệnh lý nền đều được ưu tiên tiêm chủng, trước khi cung cấp mũi tăng cường.

- Nhiều hãng dược phẩm gần đây đã công bố rằng, vaccine phòng COVID-19 hiệu quả và an toàn cho trẻ em từ 3 tuổi trở lên. WHO có nhận định như thế nào về vấn đề này?

Tiến sỹ Kidong Park: Hồ sơ về tính hiệu quả và an toàn của vaccine phòng COVID-19 cũng như liều lượng tiêm cho trẻ em có thể khác với người lớn.

Các bằng chứng hiện tại cho thấy trẻ em nói chung ít có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong do COVID-19, mặc dù trẻ em có các bệnh lý tiềm ẩn có nguy cơ bị bệnh nặng cao hơn. Do đó, vaccine phòng COVID-19 trước tiên được phát triển cho người lớn và ưu tiên tiêm chủng cho nhân viên y tế, nhân viên tuyến đầu chống dịch, nhóm dân số có nguy cơ cao như người già, người mắc bệnh nền.

Sau khi vaccine được đưa vào sử dụng cho người lớn, các nhà sản xuất đã tiếp tục nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em.

Cho đến nay, chỉ có một loại vaccine phòng COVID-19 được Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược của WHO về tiêm chủng (SAGE) khuyên dùng cho trẻ em từ 12-18 tuổi và được phê duyệt vào Danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO (EUL), đó là vaccine Pfizer/BioNTech.

WHO được biết rằng, các nhà sản xuất vaccine khác cũng đang tiến hành nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em.

Sau khi có dữ liệu, các cơ quan quản lý quốc gia sẽ đánh giá và xem xét để cấp phép sử dụng khẩn cấp. WHO sẽ thực hiện việc cập nhật khuyến nghị và Danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục