Ngày 8/8, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kỷ niệm 55 năm thành lập (8/8/1967 - 8/8/2022). Trải qua thăng trầm với biết bao thay đổi của thế giới trong hơn 5 thập kỷ qua, ASEAN đã củng cố, phát triển trở thành một trong những tổ chức hợp tác khu vực quan trọng, thành công trên thế giới, khởi đầu cho tiến trình liên kết sâu rộng, kiến tạo và gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển ở Đông Nam Á và khu vực.
Nhằm nhìn lại quá trình phát triển của ASEAN trong 55 năm qua cùng những đóng góp quan trọng của Việt Nam trong việc duy trì đoàn kết nội khối, tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên, giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, phóng viên TTXVN thực hiện hai bài viết “Chung tay thúc đẩy Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN.”
Bài 1: Củng cố “Cộng đồng bền vững và hòa nhập”
Sau 55 năm hình thành và phát triển, ASEAN dần chuyển hóa về chất, cả về thành viên, hình thức, nội dung hợp tác và vai trò ở khu vực.
ASEAN đã xây dựng được một hệ thống thể chế ban đầu với nền tảng là Hiến chương ASEAN và các văn kiện quan trọng khác, cùng với một lộ trình cụ thể hướng tới xây dựng Cộng đồng với kết quả khả quan và đạt được một mức độ nhất định về xây dựng lòng tin với nhau, chia sẻ các chuẩn mực ứng xử trong và ngoài khu vực, khiến uy tín của Hiệp hội được nâng cao, thúc đẩy ASEAN đóng vai trò là trung tâm trong cấu trúc khu vực đang định hình.
Từ "Hiệp hội" lên "Cộng đồng"
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 8/8/1967 thông qua Tuyên bố Bangkok, với 5 thành viên ban đầu là Sinagpore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan. Đến năm 2009, ASEAN đã kết nạp đầy đủ 10 nước trong khu vực Đông Nam Á; chấp nhận Timor Leste và Papua new Guinea làm quan sát viên. Việt Nam gia nhập ASEAN vào ngày 28/7/1995.
Ý tưởng về xây dựng Cộng đồng ASEAN trên thực tế đã khởi nguồn ngay từ “Tuyên bố Bangkok” (1967), thể hiện qua mục tiêu: “nhằm xây dựng một cộng đồng thịnh vượng và hòa bình ở Đông Nam Á” và tiếp tục được thể hiện ở các văn kiện định hướng quan trọng tiếp theo của Hiệp hội. ASEAN mất hơn 30 năm (từ 1967 đến 1997), để xác định được mục tiêu xây dựng “Cộng đồng,” đánh dấu bởi sự ra đời của "Tầm nhìn ASEAN 2020."
ASEAN mất thêm 12 năm (1997-2007) để xác định được mô hình và cách thức hoạt động của Cộng đồng, chính thức hóa bởi sự ra đời của Tuyên bố Bali II và sự ra đời của Hiến chương ASEAN tạo nền tảng pháp lý cho Hiệp hội. ASEAN mất thêm hai năm nữa (2007-2009) để xác định được lộ trình cụ thể đầu tiên về xây dựng Cộng đồng, với việc thông qua “Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015).”
Ban đầu, ASEAN dự kiến thành lập Cộng đồng vào năm 2020, sau đó đã rút ngắn thời hạn xây dựng Cộng đồng vào 2015 (tại Cấp cao ASEAN 13, tháng 1/2007) và đã chính thức lấy ngày 31/12/2015 là mốc thành lập Cộng đồng.
[Các nước ASEAN thảo luận về Tầm nhìn Cộng đồng sau năm 2025]
Lộ trình xây dựng Cộng đồng thứ hai (2015-2025), được xác định bởi sự ra đời của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 (thông qua năm 2015) với ba Kế hoạch Tổng thể triển khai Tầm nhìn trên ba trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, dựa trên nền tảng pháp lý là Hiến chương ASEAN.
Mục tiêu tổng quát của Cộng đồng ASEAN, như được chính thức hóa trong văn kiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 là đưa ASEAN trở thành một Cộng đồng được thiết lập với ba trụ cột chính là hợp tác Chính trị-an ninh, hợp tác kinh tế và hợp tác văn hóa, xã hội đan xen, hỗ trợ chặt chẽ cho nhau vì mục đích đảm bảo hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung trong khu vực.
Một tổ chức hợp tác khu vực mở có mức độ liên kết sâu rộng hơn và có vai trò trung tâm quan trọng hơn trong khu vực, với năng lực được nâng cao để ứng phó hiệu quả với các thách thức. Một Cộng đồng vận hành theo luật lệ, có sự tham gia rộng rãi hơn của người dân và mang lại những lợi ích thiết thực hơn cho người dân.
Về đặc điểm, Cộng đồng ASEAN là một tổ chức hợp tác liên Chính phủ, “thống nhất trong đa dạng”, có mức độ ràng buộc pháp lý cao hơn trên cơ sở Hiến chương ASEAN, nhưng không phải một tổ chức siêu quốc gia. Về bản chất, ASEAN là tập hợp của các nước nhỏ và vừa, với sự đa dạng về nhiều mặt; hợp tác và liên kết tiến triển trên cơ sở nâng dần mẫu số chung về lợi ích của các nước thành viên. Đây là nhân tố cơ bản nhất quyết định các vấn đề lớn của ASEAN, kể cả thành công và hạn chế.
Thực tế phát triển của ASEAN gần nửa thế kỷ qua cho thấy, ASEAN luôn có hai mặt: vừa “đa dạng”, vừa “thống nhất,” “hướng tâm” và “ly tâm”... nhưng về tổng thể, đây là một tổ chức khá năng động và linh hoạt, biết tận dụng tối đa các ưu thế về địa chính trị, địa chiến lược và địa kinh tế, giữ vai trò cân bằng và điều hòa lợi ích các nước lớn ở khu vực, luôn tự điều chỉnh để kịp thích nghi với những chuyển biến mới ở khu vực và trên thế giới, khẳng định được giá trị tồn tại và vị thế quốc tế.
Bước vào giai đoạn mới, trong bối cảnh địa chính trị khu vực và thế giới có những biến động phức tạp, ASEAN đã bắt đầu chuẩn bị cho việc hình thành Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, đánh dấu bởi Tuyên bố các nhà Lãnh đạo ASEAN về định hướng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, sáng kiến do Việt Nam đề xuất và đã được thông qua tại Cấp cao ASEAN-37 (11/2020) trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Hiện ASEAN đang triển khai soạn thảo Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 theo lộ trình đã đề ra.
Hành động - cùng ứng phó các thách thức chung
Từ ngày 2-5/8/2022, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 55 và các Hội nghị liên quan đã diễn ra tại Phnompenh, Campuchia.
Lần đầu tiên, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và gần 20 đối tác nhóm họp trực tiếp tại khu vực sau ba năm bị gián đoạn bởi COVID-19. Các cuộc họp diễn ra khi chỉ còn ít ngày nữa ASEAN đón “sinh nhật tuổi 55.”
Phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) ngày 3/8/2022, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Chủ tịch luân phiên ASEAN 2022 nhận định, trong 55 năm qua, ASEAN đã đạt được những thành tựu ngoài kỳ vọng, đưa Đông Nam Á từ khu vực của đối đầu, bất đồng và nghi kỵ thành khu vực của hợp tác, phát triển và tin cậy.
Thủ tướng Campuchia cho rằng, tình hình khu vực và quốc tế ngày càng khó lường, thách thức ngày càng gia tăng với ASEAN, từ tác động đa chiều của dịch COVID-19 đến căng thẳng giữa các nước lớn, diễn biến phức tạp tại Myanmar, Ukraine...
Các thách thức phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, an ninh năng lượng, an ninh lương thực đặt ra nhiều khó khăn cho khu vực nói chung và ASEAN nói riêng.
Từ đó, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen kêu gọi hơn bao giờ hết, ASEAN cần đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm, nỗ lực xây dựng Cộng đồng “thống nhất trong đa dạng,” gắn kết, bao trùm và hợp tác.
Cho đến nay, bất chấp những tác động tiêu cực từ những thách thức mới như đại dịch COVID-19 hoành hành, tình hình bất ổn tại Myanmar hay sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt của các nước lớn trong khu vực, ASEAN vẫn vững vàng và lạc quan trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN sau năm 2025. Những kết quả đạt được trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN rất đáng khích lệ, theo đó, ASEAN đã triển khai được 98% các dòng hành động trong Kế hoạch Tổng thể của Trụ cột Chính trị-an ninh, 88,3% trong Trụ cột Kinh tế, 72% trong Trụ cột Văn hóa-xã hội và triển khai 14/15 sáng kiến thuộc 5 lĩnh vực chiến lược của Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN 2025 (MPAC). ASEAN cũng đang trao đổi về Chiến lược Hợp nhất về Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, nhằm tận dụng tối đa cơ hội do Cách mạng này mang lại.
Với tinh thần “ASEAN Hành động: Cùng ứng phó các thách thức”, trên cơ sở những kết quả tích cực đã đạt được và sự đoàn kết mạnh mẽ, các nước thành viên ASEAN đã thể hiện quyết tâm cùng vượt qua khó khăn, đặc biệt là thúc đẩy phục hồi sau COVID-19, thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) ở Biển Đông hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 54 năm thành lập ASEAN cách đây 1 năm, Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi nhấn mạnh rằng, kể từ khi xuất hiện đại dịch COVID-19 vào tháng 3/2020, ASEAN đã tận dụng cơ hội để củng cố và trở thành một “cộng đồng bền vững và hòa nhập hơn.”
Điều này có được là nhờ các nước thành viên đồng lòng kiên trì "phương cách ASEAN" dựa trên nền tảng những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đoàn kết, đồng thuận và không can thiệp công việc nội bộ luôn được gìn giữ, bồi đắp và phát huy, tạo nên giá trị và bản sắc của ASEAN.
Đoàn kết, đồng thuận và thống nhất trong đa dạng đã gắn kết các quốc gia thành viên ASEAN cùng thực hiện mục tiêu chung vì một Đông Nam Á hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Không can thiệp nội bộ, tôn trọng độc lập, chủ quyền và quyền tự quyết là chuẩn mực chung cho ứng xử của các nước thành viên, song gắn kết hài hòa với tinh thần trách nhiệm, ý thức cộng đồng, chia sẻ và tương trợ lẫn nhau trong hoàn cảnh khó khăn.
Dù nguồn lực còn hạn chế, nhưng hình ảnh các nước ASEAN chung tay hỗ trợ nhau vượt qua tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 sẽ mãi là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết và thống nhất ASEAN.
Có thể nói, trải qua thăng trầm với biết bao thay đổi của thế giới trong hơn 5 thập kỷ qua, vai trò và bản lĩnh của ASEAN không ngừng được củng cố và tôi luyện. Vượt qua thử thách, khó khăn, ASEAN càng trở nên hoàn thiện và vươn lên mạnh mẽ hơn.
Việc hình thành Cộng đồng ASEAN mái nhà chung của khoảng 650 triệu người dân, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt hơn 3.200 tỷ USD và kim ngạch thương mại đạt 2.800 tỷ USD, trên 3 trụ cột về an ninh-chính trị, kinh tế và văn hóa-xã hội chính là một minh chứng sống động cho sức sống của ASEAN, nâng tiến trình liên kết khu vực lên tầm cao mới vì hòa bình, hợp tác và cùng phát triển thịnh vượng./.
Bài 2: Việt Nam - Nhân tố quan trọng trong sự phát triển ASEAN